Theo truyền thống Đông phương người Việt về già thường sống chung với con cháu. Tuy nhiên khi lưu lạc ra hải ngoại hoàn cảnh này khó thực hiện. Trên đất Mỹ cuộc sống thực tế chạy theo kim đồng hồ, con cháu lúc trưởng thành phần nhiều phải đi làm ăn xa và lập gia đình riêng nên vướng quá nhiều ràng buộc cá nhân khiến không còn khả năng chăm nom cho cha mẹ già. Đó là lý do tối cần thiết để quan tâm đến việc dành dụm đầy đủ tiền bạc mà sống độc lập trong buổi hoàng hôn của cuộc đời.
Kế hoạch dự trù tài sản thông thường chỉ chú trọng đến di sản để lại cho gia đình và thân nhân sống sót, nhưng thời buổi này nên tính đến việc an bài cho chính bản thân mình trong những ngày về hưu. Tại Hoa Kỳ thống kê cho biết số trẻ sơ sinh ra đời tăng vọt cùng những tiến bộ y khoa khiến nhân số trên sáu mươi lăm tuổi sẽ gấp đôi trong vòng bốn mươi năm tới. Thay đổi này đã phát sinh ra một loại luật mới gọi là “luật người già” (elder law). Trong môi trường phức tạp của xã hội hiện tại ai lập di chúc (a will) hay tín mục (a trust) cũng đều không quên dự tính hưu trí bằng cách mua bảo hiểm nhân thọ hay lựa chọn sẵn nơi sinh sống để an dưỡng tuổi xế chiều. Phần đông người Mỹ khi về già thường nghèo và sống rất thiếu thốn, số tiền an sinh xã hội (social security) chính phủ cấp phát hàng tháng quá khiêm tốn không đủ mưu sinh chưa kể những lúc đau ốm.
Gần đây có nhiều thay đổi trong bộ luật thuế Hoa Kỳ rất thuận lợi cho công cuộc dành dụm tiền hưu trí. Giới hạn tiền góp vào đủ loại quĩ hưu bổng cá nhân (Individual Retirement Account gọi tắt là IRA) hàng năm đã được tăng từ $5,500 lên $6,000 (trên 50 tuổi là $7,000). Hơn thế nữa bây giờ có thể góp tiền dành hưu trí rất dễ dàng vào nhiều quĩ khác nhau. Quả thật đây là ân huệ lớn cho những người đang làm hai ba việc (job) khác nhau vì bây giờ họ này có thể dồn chung tất cả lại vào một quĩ như IRA chẳng hạn. Đối với những người đang kinh doanh tự làm chủ thì có thể dùng những chương trình hưu trí như SEP IRAs hay SIMPLE IRAs, những giới hạn hay ngăn cấm đã được nới lỏng rất nhiều; những chương trình này cho họ có quyền để dành nhiều hơn và góp tiền dễ dàng hơn. Gần đây các công ty lớn nhỏ thường lập thêm chương trình 401(k), quĩ này giúp cho công nhân nắm vững tình trạng đầu tư dễ dàng và mềm dẻo hơn các quĩ hưu trí thông thường khác. Mặc dầu mọi quĩ hưu trí đều khó giữ an toàn trước bất trắc do hiểm họa kinh tế xuống dốc tuy nhiên mức độ nguy cơ cũng giảm thiểu rất nhiều không còn đáng sợ như xưa.
Đối với các thương gia còn có nhiều cách khác để dự trù hưu trí. Bộ luật chi phối các chương trình hưu trí miễn thuế (tax-qualified retirement plans) cho mỗi chủ nhân nghiệp vụ được góp 25% mỗi $225,000 đầu tiên của lương một nhân viên cho tới mức $56,000. Các chủ doanh nghiệp được hai điều lợi, thứ nhất với tư cách là chủ nhân nên tất cả tiền góp vào các chương trình hưu bổng đều được hoãn thuế; thứ hai với tư cách là nhân công nên tiền góp vào các chương trình hưu bổng dưới tên mình cũng miễn thuế cho tới khi nào thực sự rút tiền ra mới phải đóng thuế (khi thôi việc, về hưu, bị tàn phế hay chết). Nói chung khi lấy tiền ra thì cũng là lúc lợi tức ít đi do đó thuế sẽ nhẹ rất nhiều. Hơn nữa còn có thể cứ giữ tiền trong quĩ không rút ra để tiếp tục hoãn thuế tới năm bảy mươi tuổi rưỡi. Ngay cả trường hợp chính mình là nhân công và chỉ có một mình hoặc có lợi tức kiếm được bằng cách làm hai “job” hoặc khi nghiệp vụ không lập dưới hình thức công ty thì có thể góp tiền vào quĩ (Retirement Plan).
Muốn lập quĩ này cần nhờ luật sư chuyên môn và sẽ được những lợi ích thiết thực như sau: – Thứ nhất, cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thương trường trong việc hấp dẫn tuyển mộ nhân công tốt hay giữ được các nhân viên ưu tú – Thứ hai vì lý do ngân khoản hưu trí do chính chủ nhân góp vào một tín mục riêng biệt cho nên ngân khoản này không ai đụng chạm tới được kể cả các chủ nợ. Tuy nhiên với tư cách là tín viên của quỹ hưu trí chủ nhân có thể đem đầu tư số tiền miễn thuế này để sinh lợi – Thứ ba, tất cả mọi lợi tức do ngân khoản đầu tư tạo ra đồng thời cũng được hoãn thuế (tax deferred) và sẽ tiếp tục hoãn cho tới khi lợi tức thực sự được phát ra. Việc quản trị hành chánh quĩ hưu trí này khá tốn kém và mỗi năm bắt buộc phải lập tờ khai phức tạp cho cơ quan thuế vụ IRS đồng thông báo Bộ Lao Động. Tuy nhiên chi phí quản trị hành chánh và báo cáo hàng năm do tiền lợi tức của quĩ xuất ra trả chứ không phải do tiền túi của chủ nhân nghiệp vụ.
Muốn có đầy đủ tiền sử dụng khi hồi hưu theo ước muốn, ngoài việc chú trọng gia tăng lợi tức mà còn phải chiết giảm chi tiêu cho mau được có kết quả. Lập kế hoạch ngay từ lúc này tức là thắt chặt dần hầu bao trong các chi dụng hàng ngày. Đối với đa số chi phí nhà cửa là khoản chi hàng tháng nặng nhất cho nên làm sao trả dứt được nợ để hoàn toàn làm chủ được một căn nhà thì sẽ nhẹ gánh rất nhiều vì khi về hưu chỉ cần có một số tiền nhỏ cũng đủ sống thoải mái nếu không dính tới những nhu cầu ăn chơi hoang phí nào khác.
Một vấn đề chính trong dự trù tài sản khi hồi hưu là vấn đề chọn lựa nơi cư trú những ngày già. Có hai giải pháp là ngụ ở các cơ sở dưỡng lão hoặc ngụ ngay chính ngôi nhà mình làm chủ. Đoạn này đề cập giải pháp thứ nhất và sẽ giải thích trường hợp ngụ ở nhà mình trong bài kỳ tới.
Hiện nay có hai loại cơ sở dưỡng lão sau đây đang thịnh hành tại khắp các tiểu bang ở Hoa Kỳ:
Nhà tập trung (congregate housing) – Đa số người Mỹ cao niên thích sống chung với các bạn già khác tại các nhà tập trung được đặt dưới tên rất kêu như “làng hưu trí” (retirement villages) hoặc cũng có nhiều cơ sở khác quảng cáo phục vụ người già sống với tính cách nửa độc lập (semi-independent living), bao trọn nơi ăn chốn ở kể cả các dịch vụ dọn dẹp vệ sinh, cung cấp ăn uống, cơ sở giải trí, săn sóc thuốc men, tham dự các chương trình xã hội, vv… Những cơ sở này có thể còn cung cấp dịch vụ điều dưỡng cho những người bị bệnh nan y. Điển hình người cư ngụ tại “làng hưu trí” phải ký một hợp đồng hiệu lực suốt đời và phải trả một khoản tiền lớn để được thu nhận, sau đó còn phải tiếp tục trả tiền trọ hàng tháng cùng nhiều phí khoản linh tinh khác nữa. Cũng có vài nơi còn bắt người cư trú phải ký chuyển các phúc lợi Medicare cho họ, ngược lại sẽ được cấp cho một căn chung cư (apartment unit) và hưởng các dịch vụ cùng săn sóc sức khỏe trong suốt thời gian lưu ngụ tại đây, tuy nhiên cư dân không có quyền làm chủ. Khi người này chết đi thì sẽ có người khác vào thay thế chiếm căn chung cư đó.
Những dàn xếp ăn ở cho người cao niên khi về hưu như vậy có ảnh hưởng ra sao tới kế hoạch dự trù tài sản?
Những “làng hưu trí” đòi hỏi điều kiện cư dân phải khai ra tất cả mọi tài sản mà họ có rồi đặt ra giá biểu tiền cư ngụ từng hạng cao thấp theo khả năng trả được bao nhiêu hàng tháng. Vì thế những người muốn vào đó ở cần phải tính toán sao cho của cải mình để lại cho thân nhân nhiều hơn là rơi vào tay chủ các chung cư đó. Phần đông giới trung lưu bây giờ phải đóng một phần tài sản khá lớn làm tiền lệ phí gia nhập “làng hưu trí”. Như vậy có nghĩa là muốn sống tương đối thoải mái và tiện nghi trong những ngày cuối cuộc đời trong những loại viện dưỡng lão như trên sẽ làm giảm đi phần của cải để lại cho kế thừa sau khi qua đời bởi vì cần phải chi cho phí tổn sinh sống khi về hưu. Vì lý do đó nên khôn ngoan nhờ luật sư chuyên môn về tài sản duyệt lại những hợp đồng với các “làng hưu trí” trước khi đặt bút ký đồng thời điều chỉnh kế hoạch dự trù tài sản cho phù hợp theo. Luật sư đồng thời sẽ giúp kiểm điểm rõ ràng trước những điều kiện phức tạp thí dụ như tiền gia nhập tăng hoặc thay đổi phục vụ, quyền trục xuất hay sang lại chỗ cư ngụ cho người khác, quyền khiếu nại các quyết định của chủ “làng hưu trí”, trách nhiệm khi bị thương tích xảy ra tại nơi cư ngụ, điều kiện khi sức khỏe thay đổi, hoặc chết sớm, hoặc muốn dọn ra.
Một hình thức cộng đồng người cao niên khác là các “nhà trợ lão” (supporting housing) – Loại này có nhiều hình thức khác nhau từ nhà trọ riêng của tư nhân cho người già cho đến chung cư lớn vừa cung cấp cả nơi ăn chốn ở lẫn dịch vụ nuôi nấng như giúp ăn uống, thay quần áo, đẩy xe lăn khi di chuyển kể cả việc tắm rửa, đi vệ sinh. Ngoài ra còn trợ giúp mọi động tác linh tinh khác trong sinh hoạt hàng ngày kể cả gọi điện thoại, đi tản bộ, mua sắm và quản trị tiền bạc, cùng các trách vụ bảo vệ trông nom nhất là đối với những người tàn tật hay quá già yếu.
Có rất nhiều loại “nhà trợ lão” mà ba loại sau đây thông dụng nhất:
1- “Nhà trọ và chăm sóc” (board and care home) – cũng còn có nhiều tên khác như “cư sở chăm sóc tư nhân” (residential-care or domicile-care facilities), “cư sở cho người cao niên” (home for the aged, and community-based residential facilities) là những trung tâm cung cấp nơi cư trú, dịch vụ trợ giúp và chăm sóc liên tục suốt ngày đêm.
2- “Cư sở trợ sinh” (assisted-living facilities) – cũng cung cấp các dịch vụ như trên nhưng thêm nhiều hoạt động giải trí và cư dân được săn sóc có tính cách riêng biệt hơn. Người già ở đây được khuyến khích sống độc lập, riêng tư và thoải mái hơn là săn sóc tập thể.
3- “Cộng đồng hưu trí săn sóc liên tục” (continuing-care retirement communities gọi tắt là CCRCs) là những cơ sở đắt tiền nhưng cung cấp đủ hết mọi dịch vụ cao cấp hơn trong mọi sinh hoạt săn sóc người già. Cuộc sống tại các cộng đồng này bao gồm từ những căn chung cư riêng có người trông nom cho đến những dưỡng đường chuyên môn có y tá chuyên nghiệp săn sóc.
Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
Luật Sư LyLy Nguyễn/nguoivietonline