Tháng Tư, tháng lịch sử của người Việt Nam, năm nào cũng vậy, chưa có niềm vui trọn vẹn trong những ngày này. Không thể thay đổi được lịch sử, nhưng để nhìn nhận và có cái nhìn khách quan với quá khứ không thể chỉ bằng những lời hô hào, bằng nhà tù với những bản án khắc nghiệt, bằng những hoài niệm dĩ vãng. Lịch sử được ghi nhận bởi hiện tại. Và muốn làm được điều này, người ta cần phải nhìn thấy sự thay đổi sau nhiều năm “giải phóng”.
Có rất nhiều lý do để người ta chấp nhận hoặc không chấp nhận cuộc chiến năm 1975 tại Việt Nam. Thế hệ sinh sau 1975 tại Việt Nam bị giáo dục về cuộc chiến lịch sử này là một “chiến thắng của dân tộc”. Và rồi cứ thế, hàng năm, theo thói quen, những ngày cuối tháng Tư là dịp nghỉ lễ, ăn mừng.
Lịch sử là những gì đã trải qua, đã diễn trong một thời gian bất kể ngắn dài. Nhưng sự thật lại phụ thuộc vào thể chế lãnh đạo. Có những sự thật phải mất hàng chục hoặc hàng trăm năm mới được ghi nhận. Với Internet, cánh cửa thông tin mở rộng hơn với con người, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể tiếp cận được sự thật mà mình muốn. Bởi đôi khi vòng tròn danh vọng, quyền lực, địa vị xã hội và cả sự an toàn, khiến người ta chỉ muốn đón nhận những thông tin mà mình lựa chọn để tin.
Câu chuyện tháng Tư của người Việt Nam là một câu chuyện dài, và rồi lịch sử sẽ nhìn nhận nó như một cuộc chiến mà vết thương không bao giờ lành da, bởi hậu quả của nó kéo dài đến tận hôm nay.
Tháng Tư năm nay có gì vui?
Quân đội nước CHND Nhân dân Trung Hoa tiến hành kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Và Việt Nam đưa hai tàu chiến có tên Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo đến cùng tham gia duyệt binh vào ngày 23/4/2019. Đây sẽ là chuyện bình thường như bao câu chuyện “hợp tác, láng giềng” trước nếu Bộ Quốc phòng Trung cộng không công bố đoạn video có một số hình ảnh được cho là trích xuất từ trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 với chú thích họ đã tiến hành hơn “1.200 cuộc chiến lớn nhỏ” trên biển.
Thông tin này chắc sẽ chẳng có tờ báo trong nước nào đưa tin, bởi chủ trương đã được định hướng. Và chắc hẳn rồi sẽ chẳng có ai thấy nhục nhã ngoài nhân dân.
Tháng Tư, sự xâu xé của người Việt vẫn còn đó, và quân đội đem tàu đi chung vui trên xác đồng đội mình?! Có vui được không?
Tháng Tư, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn sẽ đi Trung cộng, tham dự hội nghị “một vành đai, một con đường” như đã dự tính.
Tháng Tư, chưa bao giờ là nỗi đau của dân tộc với những người đang lãnh đạo đất nước hiện nay. Với họ, những người Cộng sản, tháng 4 vẫn là tháng ăn mừng trên những xác người.
Tôi, sinh sau năm 1975, nên mỗi lần nghĩ về tháng 4 nhìn từ nhiều phía, tôi khó nén được tiếng thở dài. Trong bài viết “đó không phải là cuộc chiến của chúng ta”, dành cho những người dưới 50 tuổi của tác giả Đàm Hà Phú có một câu tôi khá thích:
“Các bạn dưới 50 tuổi thì theo tôi, các bạn đừng đứng về phía nào, hãy học lịch sử theo cách mà nó diễn ra, để hiểu biết và trân trọng những mất mát và cố gắng đừng để nó tái diễn những đau thương hận thù đó. Đừng học lịch sử theo cách mà chúng ta bị nhồi sọ, nên nhớ, đó không phải là cuộc chiến của chúng ta”.
Chúng ta không thể thay đổi được lịch sử, nhưng chính chúng ta sẽ tạo ra lịch sử. Và cuộc chiến của chúng ta, chính là cuộc chiến với hiện tại, với những hậu quả để lại từ sau 1975.
Bạn có đồng ý không?
Mẹ Nấm/baomai