Bạn “tần ngần” cầm một vốc thuốc đã quá hạn trong tay và không muốn ném chúng đi, thậm chí là nghĩ đến việc đưa cho người nghèo làm từ thiện…? Ý nghĩa thực sự của “hạn sử dụng” là gì? Và nếu chẳng may uống thuốc quá hạn thì có nguy hiểm? Liệu thuốc chưa hết hạn nhưng đã không thể sử dụng?
Thuốc quá hạn nghĩa là gì?
Theo trang web của Đài phát thanh công cộng Hoa Kỳ (National Public Radio), các công ty trong quá trình nghiên cứu phát triển dược phẩm sẽ đặt thuốc ở những môi trường, nhiệt độ, độ ẩm khác nhau để kiểm tra thời gian thuốc bắt đầu giảm hiệu lực.
Theo dược sĩ Mike Fossler thuộc trường Đại học dược lý lâm sàng Hoa Kỳ, có quy tắc chung rằng, một khi hiệu quả của thuốc giảm 10%, thì thuốc được coi là hết hạn sử dụng.
Vậy nên nếu thuốc bạn dùng đã quá hạn sử dụng vài tháng, hay thậm chí vài năm, thì nhiều khả năng sẽ không có hại gì, mà có thể chỉ là tác dụng của thuốc sẽ yếu đi.
Tuy nhiên không nên dùng thuốc quá hạn sử dụng
Hiển nhiên nếu bạn sử dụng thuốc giảm đau quá hạn để chữa đau đầu, thì đó không phải là vấn đề lớn.
Nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu bạn đang trong “cuộc chiến” chống lại vi khuẩn và cần nhờ đến viện trợ từ thuốc kháng sinh, sử dụng một đội quân yếu kém rõ ràng có thể khiến quá trình điều trị tiến tới thất bại, thậm chí bệnh tình có thể chuyển biến nặng nề hơn.
Nguy hiểm hơn, chính những thuốc kém hiệu lực sẽ khiến vi khuẩn có cơ hội tìm cách thích nghi và “vùng lên” chống lại, do đó làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh, khiến ngày tàn của kháng sinh đến nhanh chóng hơn.
Theo thống kê của Hoa Kỳ, hằng năm có ít nhất 23,000 người chết do những bệnh nhiễm trùng có vi khuẩn đề kháng kháng sinh.
Đồng quan điểm, Ilisa Bernstein thuộc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá thuốc, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, nếu thuốc đã quá hạn, thì đừng sử dụng, vì không ai có thể đảm bảo rằng thuốc sẽ an toàn và hiệu quả.
Chính vì vậy mọi người khi mua thuốc, cần kiểm tra hạn sử dụng, và cũng giống như mua sữa, cố gắng chọn loại thuốc có hạn sử dụng lâu nhất.
Bảo quản thuốc cũng quan trọng không kém
Không chỉ có thuốc quá hạn mới bị giảm hiệu lực, thuốc mới sản xuất nhưng không được bảo quản đúng cũng sẽ mất đi nhanh mất tác dụng.
Chuyên gia cho biết, đặc biệt không nên để tủ thuốc ở phòng tắm hoặc nơi ẩm thấp, vì môi trường này khiến thuốc nhanh mất hiệu lực hơn.
Theo dược sĩ Fossler, điều kiện ưa thích của thuốc cũng giống như của con người, nên khô ráo một chút, không quá nóng và cũng không quá lạnh.
Cũng có một số loại thuốc dễ bị ‘tổn thương’ hơn. Insulin, một số thuốc miễn dịch, một số thuốc giảm đau dành cho trẻ em… đều cần bảo quản ở nhiệt độ thấp và tránh ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy bạn cần đọc kỹ hướng dẫn bảo quản của thuốc.
Ngoài ra bất cứ khi nào thấy thuốc thay đổi về màu sắc, mùi, hoặc hình thái, tính chất (như thuốc đang từ dạng kem chuyển sang dạng lỏng) thì cần cảnh giác và hỏi ý kiến dược sĩ, vì rất có thể bạn phải bỏ những thuốc này.
Cuối cùng trước khi mua thuốc, bạn cần nhớ kiểm tra hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản để dùng thuốc đạt được hiệu quả tốt nhất.
Theo Đại Kỷ Nguyên -Đại Hải-27/2/2017