Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Đột quỵ thầm lặng

Có những cơn đột quỵ diễn ra trong thầm lặng: Làm thế nào để nhận biết? - Ảnh 1.

Đột quỵ thầm lặng có dấu hiệu dễ bị bỏ qua (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), đột quỵ (stroke) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5 tại quốc gia này. Tuy nhiên, có nhiều người bị đột quỵ mà không hề hay biết. Đó là những cơn nhồi máu não thầm lặng hay còn gọi là đột quỵ thầm lặng (silent stroke)

Những cơn đột quỵ dạng này thường không có triệu chứng, hoặc nếu có sẽ dễ bị bỏ qua. Nguyên nhân là do các triệu chứng thường không kéo dài hoặc không rõ ràng giống như triệu chứng của một cơn đột quỵ bình thường.

Một dạng đột quỵ khác thường diễn ra âm thầm đó là thiếu máu não cục bộ thoáng qua hay còn được gọi là đột quỵ nhỏ (ministroke). Triệu chứng của dạng đột quỵ này thường kéo dài chỉ trong vòng vài phút tới vài giờ. Do đó, bệnh nhân thường không chú ý và không biết rằng mình đang có dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe nguy hiểm chết người này.

Theo AHA, khoảng 25% số người từ 80 tuổi trở lên đã từng trải qua một hoặc nhiều lần bị đột quỵ thầm lặng. Đối với mỗi cơn đột quỵ bình thường có triệu chứng rõ ràng thì trước đó bệnh nhân thường có khoảng 10 lần các đợt đột quỵ thầm lặng.

Dấu hiệu của các cơn đột quỵ thầm lặng

Đột quỵ thầm lặng thường không có triệu chứng mà chỉ tình cờ được phát hiện khi chụp MRI hoặc CT não.

Nếu các triệu chứng diễn ra, chúng thường rất dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ như bệnh nhân có thể bị mất thăng bằng cơ thể trong vòng vài ngày.

Các triệu chứng của thiếu máu não cục bộ thoáng qua thường giống với triệu chứng của đột quỵ bình thường nhưng thời gian xuất hiện ngắn hơn và mức độ nhẹ hơn. Các triệu chứng có thể gồm:

– Yếu hoặc tê một nửa người

– Nói ngọng

– Thay đổi tầm nhìn ở một hoặc cả hai bên mắt

– Chóng mặt

– Đau đầu

Nếu nghi ngờ bị đột quỵ thầm lặng hoặc thiếu máu não cục bộ thoáng qua, hãy liên hệ ngay lập tức tới các cơ sở y tế. Đột quỵ thầm lặng là yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ hoặc tổn thương não trong tương lai. Biến chứng về não của các cơn đột quỵ ảnh hưởng lớn tới các chức năng khác nhau của não bộ bao gồm chức năng ngôn ngữ và chức năng về trí nhớ.

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua – Cảnh báo các dấu hiệu nguy hiểm

Thiếu máu não cục bộ thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân có thể bị đột quỵ trong thời gian sau đó. Theo thống kê, cứ 3 bệnh nhân bị đột quỵ thì có 1 người có biểu hiện thiếu máu não cục bộ thoáng qua trong vòng 1 năm trước đó.

Đột quỵ thầm lặng được điều trị thế nào?

Nếu một người được chẩn đoán đột quỵ thầm lặng, họ có thể được điều trị bằng thuốc, ví dụ như thuốc làm loãng máu, để giảm nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai.

                                                          Huyết áp cao tăng nguy cơ đột quỵ (Ảnh minh họa)

Đối với thiếu máu não cục bộ thoáng qua, cách điều trị bao gồm thay đổi về lối sống, dùng thuốc và trong một số trường hợp là phẫu thuật. Theo đó, bệnh nhân cần:

– Có chế độ ăn uống cân bằng

– Tập luyện thể dục thể thao

– Ngừng hút thuốc lá

– Hạn chế tối đa việc sử dụng đồ uống có cồn

Các loại thuốc được kê có thể gồm:

– Aspirin

– Thuốc kháng tiểu cầu

– Thuốc chống đông máu

– Thuốc huyết áp

– Thuốc hạ mỡ máu

Mỗi trường hợp bệnh nhân sẽ được sử dụng theo những đơn thuốc khác nhau.

Tuy nhiên, việc phòng tránh đột quỵ lúc nào cũng là quan trọng nhất, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Cụ thể, những người có các tình trạng y tế tiềm ẩn như huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh tim, cần kiểm soát tình trạng bệnh của mình.

Có những cơn đột quỵ diễn ra trong thầm lặng: Làm thế nào để nhận biết? - Ảnh 4.

                                     Duy trì lối sống khoa học để phòng tránh đột quỵ (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, mỗi người cần thực hiện các việc làm sau đây để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ:

– Không hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động

– Duy trì cân nặng ở mức vừa phải

– Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

– Tập thể dục thường xuyên

– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu của đột quỵ

Nguồn: Medical News Today / soha.vn