Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Khắc phục chứng mất ngủ ở người cao tuổi

 Thực tế cho thấy rằng, có khoảng hơn một nửa người cao tuổi thường xuyên bị mất ngủ, đây là tình trạng rối loạn giấc ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc bị tỉnh dậy giữa đêm.


Mất ngủ là một trong những tình trạng phổ biến khi về già, là một phần của sự lão hóa. Tuy nhiên, bệnh mất ngủ ở người già có thể còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra, chúng ta cần xem xét và tiếp cận đầy đủ các trường hợp để có thể điều trị bệnh hiệu quả nhất.


Nguyên nhân khiến người cao tuổi mất ngủ

Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề khó ngủ, mất ngủ ở người cao tuổi, trong đó phải nói tới sự thay đổi về thể chất, tinh thần cũng như bệnh tật.

Do sự thay đổi sinh lý: Ở người cao tuổi, do quá trình lão hóa tự nhiên đã làm giảm hiệu quả hoạt động hệ thống kiểm soát nhịp sinh học của cơ thể. Bao gồm nhịp thức ngủ và làm giảm đi sự thích nghi của người già với những thay đổi tác động vào cơ thể con người; làm giảm khả năng duy trì những hoạt động bình thường trước những thay đổi của môi trường, gây rối loạn hoạt động của cơ thể trong đó có giấc ngủ.

Do bệnh lý: Đối với người già có thể mắc nhiều bệnh kèm theo, sử dụng nhiều loại thuốc điều trị các bệnh lý này, người già cũng là đối tượng có nhiều yếu tố tâm lý gây ra các bệnh trầm cảm lo âu, vì vậy tỉ lệ gặp mất ngủ càng cao.

Chứng ngừng thở khi ngủ và chứng rối loạn vận động chân có chu kỳ khi ngủ (hội chứng chân không nghỉ), chứng bệnh này tăng lên khi tuổi càng cao. Ngừng thở khi ngủ là sự gián đoạn về thở trong giấc ngủ, ngừng thở ngoại vi do sự tắc nghẽn đường thở, ngừng thở trung ương do bệnh lý ở não gây ra, đặc biệt phổ biến ở những người già mắc chứng béo phì. Tình trạng ngừng thở khi ngủ dẫn đến trong ngày người bệnh có cảm giác buồn ngủ, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, phì đại tim, có thể dẫn đến đột tử, ngoài ra suy tim, rối loạn nhịp tim gây rối loạn thở.

Người già cũng hay bị đau, đặc biệt là đau cơ khớp và thường đau nhiều hơn khi gần về sáng. Các chức năng thận bị suy giảm cũng khiến người già hay đi tiểu đêm gây mất ngủ, hoặc những bệnh lý thần kinh như là bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer. Các bệnh lý tâm thần như: bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, đặc biệt người già có những yếu tố sang chấn tâm lý như là tang tóc, mất đi người bạn đời, bạn thân, nghỉ hưu, sự cô đơn… Tất cả những điều này đều là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến sự mất ngủ của người cao tuổi.

Bị mất ngủ khiến người cao tuổi có cảm giác mệt mỏi, khó khăn trong việc tập trung vào công việc, giảm trí nhớ, hông có cảm giác thoải mái, buồn ngủ vào ban ngày, đau đầu vào buổi sáng.

Điều trị và khắc phục chứng mất ngủ như thế nào?

Bị mất ngủ khiến người cao tuổi có cảm giác mệt mỏi, khó khăn trong việc tập trung vào công việc, giảm trí nhớ, không có cảm giác thoải mái, buồn ngủ vào ban ngày, đau đầu vào buổi sáng. Mất ngủ kéo dài sẽ làm cơ thể và tinh thần luôn mệt mỏi, lo lắng, tâm lý không ổn định và không kiềm chế được cảm xúc...

Cần điều trị bệnh mất ngủ ở người già càng sớm càng tốt để giúp người bệnh có giấc ngủ ngon và phòng tránh được những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Để điều chỉnh lại giấc ngủ, giúp người bệnh trở lại giấc ngủ một cách tự nhiên nhất. Người cao tuổi nên học cách thư giãn để có cảm giác thư thái cả về thể chất lẫn tinh thần.

  • Tạo một môi trường thư giãn và yên tĩnh khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ... Phòng ngủ có không gian thoải mái, thoáng đãng, không nên dùng cho các công việc khác.
  • Tránh uống cà phê, rượu, bia, hút thuốc lá. Không nên ăn hoặc uống quá no trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Nên tắm nước ấm trước khi đi ngủ để làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp giấc ngủ bắt đầu dễ dàng hơn.
  • Việc thay đổi thói quen và cách sống giúp cải thiện những vấn đề về giấc ngủ. Ngủ đúng giờ, không nên ngủ ngày nhiều, tránh nằm trên giường đọc sách, xem tivi…
  • Mặc quần áo phải thoải mái, rộng rãi khi đi ngủ.

Việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cần phải có sự kê đơn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Chỉ sử dụng những thuốc cho bệnh của mình theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc về dùng. Hãy trao đổi với bác sĩ khi gặp tác dụng gây mất ngủ của thuốc.

ThS.Lê Chung Thủy/suckhoedoisong