ớc Mỹ được thế giới công nhận là cường quốc số 1, tự họ nhận mình là quốc gia được ban phước. Đó phần nào thể hiện sự khiêm nhường bởi họ biết mình không phải ở trên tất cả. Nhưng được ban phước không phải chỉ bằng cầu nguyện và mong chờ, người Mỹ thực hành những giá trị phổ quát theo lời chỉ dẫn nên họ tin mình xứng đáng. 
Ngày Độc lập lần thứ 243 của Hoa Kỳ vừa mới được kỷ niệm một cách hoành tráng. Nhưng điều có thể làm bạn ngạc nhiên là những hoạt động này không do chính phủ tổ chức để tuyên truyền, ca ngợi thành tựu của Tổng thống hay đảng cầm quyền đang lãnh đạo trong nhiệm kỳ. Chủ yếu các hoạt động kỷ niệm là do tổ chức đoàn thể của người dân và các công ty tư nhân đứng ra thực hiện. Hoạt động bắn pháo hoa tại New York hơn 40 năm qua đều do Công ty Macys tổ chức. Còn các màn bắn pháo hoa ở Thủ đô Washington và hoạt động diễu hành chào mừng tại các nơi đều do các đoàn thể tư nhân tổ chức. Ngày Độc lập là để tôn vinh giá trị tự do của người Mỹ.
Tự do không phải là thích gì làm nấy, tự do của người Mỹ gắn liền với trách nhiệm trước Chúa
Tổng thống Donald Trump đã phát biểu trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập năm nay: “Người Myêu tự do và sẽ không ai có thể tước đoạt điều đó khỏi chúng ta”, tinh thần Mỹ một lần nữa được nhấn mạnh. Còn trong lễ kỷ niệm năm ngoái, ông nói: “Ở Mỹ, chúng ta không tôn kính chính phủ, chúng ta tôn kính Chúa”. Người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới đã khẳng định, chính phủ chỉ là để phục vụ nhân dân sao cho đảm bảo được quyền tự do của mỗi người. Nước Mỹ ngay từ khi ra đời đã lấy tinh thần bảo vệ quyền và các giá trị cá nhân làm tiền để phát triển đất nước, đó là “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” – (Trích: Tuyên ngôn độc lập ngày 4/7/1776).
Cả ba quyền này đều nói đến cá nhân, không phải nói đến quốc gia hay chính phủ. Lý do tồn tại của chính phủ là để bảo vệ cho ba quyền quan trọng này của cá nhân, nếu vi phạm nguyên tắc này, nhân dân có quyền lật đổ chính phủ. 
Vậy nên, đảm bảo tự do và quyền cá nhân là giá trị đầu tiên của người Mỹ. Khái niệm individualism nổi tiếng của người Mỹ mà người ta hay dịch thành chủ nghĩa cá nhân, nhưng thật ra phải được hiểu là chủ nghĩa cá thể bởi nó không phải là sự đề cao bản thân, chỉ bo bo giữ lợi ích của mình. 
Tượng Nữ Thần Tự do, biểu tượng của nước Mỹ, cũng thể hiện giá trị được nước Mỹ bảo hộ. (Ảnh: Leianoticias)
Chủ nghĩa cá thể ở Mỹ có thể nói có xuất phát từ sự thành kính Chúa, khi nó cho phép con người một mình đứng trước Chúa tự do lựa chọn, giao ước và chịu trách nhiệm. “Ngay thuở bình minh của sự ra đời của nước Mỹ, những nhóm nhỏ di dân đã ấp ủ một niềm tin mạnh mẽ vào sứ mạng xây dựng một vương quốc của Chúa Trời trên ‘miền đất hứa’ này. Sự thông giao của Chúa với tín hữu Thanh giáo coi thành công vật chất là sự minh chứng về ơn huệ của Chúa” – (Trích: Lược sử nước Mỹ, Vương Kính Chi). 
Nước Mỹ ngay từ khi hình thành đã là một quốc gia dưới Chúa, tôn vinh Chúa. Lịch sử Lễ Tạ ơn của họ là về những người di cư đói rét, bệnh tật khi phải trải qua mùa đông khắc nghiệt năm 1620, nhưng họ không trở về Anh, dù từ 102 người chỉ có 44 người sống sót, họ quyết ở lại canh tác và mùa thu năm ấy họ trúng mùa lớn. Những người Mỹ đầu tiên đã nghĩ rằng Chúa ban cho họ ân điển này, vì vậy phải tạ ơn Chúa. Trong ngày công bố Lễ Tạ ơn quốc gia thống nhất, tổng thống Mỹ đầu tiên, George Washington đã nói: 
…Nghĩa vụ của chúng ta với tư cách là một con người, với lòng tôn kính và lòng biết ơn trìu mến, là thừa nhận nghĩa vụ lớn lao của chúng ta đối với Thượng Đế Toàn Năng… và để cầu xin Ngài tiếp tục chứng thực các phước lành mà chúng ta đã được trải nghiệm…”
Theo người Mỹ, phước lành của nước Mỹ vĩ đại là đến từ sự tôn kính Chúa thật sự. Sự tôn kính thật sự khác với sự tôn thờ chỉ dựa trên các nghi thức trang trọng hay cầu nguyện một cách thiếu lý trí dù bản thân vẫn làm điều ngược lại với thông điệp về tình yêu thương của Chúa. Sự tôn kính thật sự phải thể hiện ở việc tuân theo những lời dạy của Chúa, hiện thực hóa bằng những hành động tốt đẹp không cần điều kiện, không cầu báo đáp.
Mỹ nhận họ là quốc gia dưới Chúa, chính phủ dưới Chúa. (Ảnh: CDN)
Người Mỹ ngây thơ cho tới người Mỹ “bao đồng”
Người Mỹ thực hiện tình yêu của Chúa ở chính sự thiện lương của mình. Và tôn trọng, không phán xét người khác, bảo vệ quyền tự do chính là một biểu hiện của sự thiện lương này.
Ở Mỹ người bán hàng có một khái niệm đại ý như “sự hối tiếc của người mua”, họ cho phép bạn trả lại hàng đã mua không phải chỉ vì hàng lỗi, hỏng mà đơn giản chỉ là vì… bạn chán nó. Họ chấp nhận sự tiếc nuối của người mua hàng vì ai cũng có thể có lúc đưa ra quyết định thiếu sáng suốt. Còn gì bao dung hơn việc bạn sẵn sàng từ bỏ lợi nhuận vì sai lầm ngớ ngẩn của người khác. 
Ở California, mỗi gia đình hàng năm đều phải nộp thuế hơn 1.000 đô la cho dân di cư bất hợp pháp, tôi nhắc lại là “bất hợp pháp”, để coi như có trách nhiệm đối với việc giáo dục con cái những người di cư này. Dù là bất hợp pháp, con cái họ vẫn có quyền phải được học hành cho tử tế, đó là quyền con người mà nước Mỹ bảo hộ.
Người Trung Quốc khi sang Mỹ đã ngạc nhiên với những điều này và gọi người Mỹ là những kẻ ngây thơ lãng mạn, quá tin tưởng vào con người và thiếu khôn ngoan. Nhưng sự ngây thơ Mỹ đã cho phép người dân của họ tin tưởng người khác. Và chính vì thế họ cũng tin rằng mình sẽ không bị phán xét khi thể hiện sự tự do của mình vì người khác sẽ tin tưởng và bao dung với họ.
Nhà văn Mark Twain (1835 – 1910) đã mô tả người Anh là “người làm những gì đã từng làm” và người Mỹ là “người làm những gì mà họ chưa bao giờ làm” – (Trích: Hoa Kỳ – Phong tục và tập quán). Bởi họ được khuyến khích bằng sự tự do tìm kiếm các giá trị cá nhân, không có phán xét, không có định kiến. Ở Mỹ một anh bán đĩa cũng có thể trở thành tác giả kịch bản của bộ phim bom tấn Kill Bill, một doanh nhân không có chút kinh nghiệm chính trường có thể trở thành Tổng thống.
Một xã hội không phán xét sự khác biệt của mọi người miễn là nó không ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác, thì đó là một xã hội trọng giá trị Thiện. Và có thể nói đó là vì người Mỹ đã tuân theo đúng lời dạy của Chúa.0
Nước Mỹ thực hiện vai trò cảnh sát quốc tế của mình với suy nghĩ vì lợi ích chung và quyền lợi của các cá thể không chỉ ở trong nước Mỹ. Nó thể hiện quan điểm bảo hộ tự do cá nhân mà nước Mỹ tự hào đã xây dựng và được ban ân điển từ đó. Nên chuyện thích “xía vào việc của người khác” là phản ánh trách nhiệm mà kẻ mạnh do được ban phước phải làm để mang ân điển của Chúa đi xa hơn.
Phát biểu trong Ngày Độc lập 243, ông Trump nói: “Miễn là chúng ta luôn trung thực với mục đích của mình … miễn là chúng ta không bao giờ ngừng chiến đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn, sẽ không có điều gì mà Hoa Kỳ không thể làm được”, đám đông ở dưới hô vang “USA! USA!”.
Chừng nào nước Mỹ còn tuân theo mục đích lập quốc của bậc tiền nhân, thực hành theo đức tin của họ để bảo vệ những giá trị phổ quát của người Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung, họ sẽ còn hy vọng vĩ đại trở lại. Vì động cơ chân chính sẽ có được kết quả xứng đáng.
Trương Than/dkn,tv