Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

8 lợi ích cho sức khỏe khi ăn sữa chua mỗi ngày


 
 Sữa chua là một sản phẩm từ sữa được tạo thành từ quá trình lên men tự nhiên. Vi khuẩn lên men tương tác với các loại đường tự nhiên trong sữa tạo thành axit lactic, làm cho sữa chua có hương vị đặc biệt. 
Ăn sữa chua mỗi ngày sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe, nhất là ở các khía cạnh sau.
Làm dịu hệ thống tiêu hóa
Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn tốt giúp làm dịu hệ tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột... nên từ lâu đã được xem là một trong những thực phẩm hàng đầu rất có lợi cho hệ tiêu hóa.
Đặc biệt, thời điểm để sữa chua phát huy tác dụng tốt nhất cho hệ tiêu hóa là vào buổi sáng để giúp loại bỏ độc tố cũng như các vi khuẩn có hại, gây bệnh trong đường ruột. Tuy nhiên, bạn nhớ nên ăn sữa chua sau khi đã ăn sáng rồi để tránh tình trạng các men trong sữa chua gây hại cho dạ dày.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Trong sữa chua có chứa các vi khuẩn sống - một loại vi khuẩn lành mạnh có tên là lactobacillus casei. Một nghiên cứu của Đại học Vienna - Áo, cho thấy rằng tiêu thụ sữa chua có thể làm tăng số lượng các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Do đó, sữa chua được coi là có tác dụng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch, có tác dụng chống lại bệnh tật.
Ngăn ngừa nhiễm trùng vùng kín
Sữa chua đặc biệt tốt cho con gái vì nó giúp ngăn ngừa sự tăng trưởng của nấm men ở vùng kín. Chính các lợi khuẩn lactobacillus acidophilus được tìm thấy trong sữa chua có thể giúp kiểm soát sự phát triển của các dấu hiệu nhiễm trùng và tiêu diệt các loại nấm đang sinh sôi. Vì thế, con gái nên nhớ tăng cường ăn sữa chua thường xuyên sẽ rất có ích để bảo vệ sức khỏe vùng kín tốt hơn.
Giữ ổn định trọng lượng cơ thể
Chọn chế độ ăn uống ít chất béo là việc mà rất nhiều người thực hiện nhằm mục đích đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng. Nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Tennessee, Knoxville cho thấy những người bổ sung đầy đủ canxi sẽ có xu hướng tăng cân ít và chậm hơn so với những người khác. Cách đơn giản nhất để bổ sung canxi cho cơ thể là ăn sữa chua. Bạn có thể chọn các loại sữa chua ít chất béo để phục vụ mục đích duy trì trọng lượng của mình.
Giảm huyết áp
Những người có xu hướng ăn mặn và tiêu thụ nhiều muối thường gặp các vấn đề về huyết áp và thận. Trong khi đó, lượng kali trong sữa chua có khả năng giúp loại bỏ natri dư thừa ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, nếu bạn ăn sữa chua thường xuyên sẽ giúp hạn chế các bệnh về huyết áp, thận cũng như bảo vệ sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Giúp xương chắc khỏe
Hàm lượng canxi trong sữa chua khá cao, do vậy, nếu thường xuyên ăn sữa chua, bạn sẽ tăng cường sức khỏe của xương và ngăn ngừa loãng xương. Điều này đặc biệt quan trọng với chị em phụ nữ, nhất là những chị em đang ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh bởi ở các giai đoạn này, do sự thay đổi hormone mà chị em cần nhiều canxi để tăng cường sức khỏe cho xương.
Giảm viêm
Các vi khuẩn lactobacillus trong các loại sữa chua có thể giúp làm giảm tình trạng viêm xảy ra khắp cơ thể, đặc biệt là ở những người bị viêm khớp. Các vi khuẩn lành mạnh cũng có thể làm giảm và ngăn chặn tình trạng viêm trong ruột, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và bàng quang. 
Mặc dù sữa chua có rất nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể ăn bao nhiêu sữa chua cũng được. Ăn quá nhiều sữa chua mà không cần chú ý đến sức khỏe của mình thì có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. 
Giúp phục hồi cơ thể nhanh hơn
Sau khi tập thể dục xong thì sữa chua là một trong những loại thực phẩm lý tưởng mà bạn nên bổ sung. Sữa chua giúp cung cấp một lượng lớn axit amin cũng như tăng mức năng lượng, từ đó cơ thể được phục hồi nhanh chóng. Do đó, sau những bài tập luyện vất vả thì thói quen tiêu thụ sữa chua sẽ giúp cơ thể hạn chế căng thẳng và giảm mệt mỏi tức thì.



Khi ăn sữa chua cần lưu ý các điều sau đây:
- Khi mua sữa chua phải xem hạn dùng còn dài mới mua. Bảo quản sữa chua trong tủ lạnh.
- Không ăn sữa chua lúc đói bụng vì khi đó độ chua của dịch dạ dày cao sẽ tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn có ích trong sữa chua.
Để tránh tác hại này, trước khi ăn sữa chua ta nên làm giảm độ chua của dịch dạ dày có thể ăn tạm ít hoa quả hoặc bánh quy... sau đó mới ăn sữa chua;
Người bị viêm họng nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh 10 phút rồi mới ăn.Tuyệt đối không được đun nóng sữa chua sẽ chết các vi khuẩn có ích trong sữa;
Ăn sữa chua phải cách xa lúc uống thuốc kháng sinh tối thiểu là 3 giờ để tránh các vi khuẩn có ích trong sữa chua bị tiêu diệt;
Người tiểu đường, người dư cân chỉ ăn sữa chua không đường; Sau khi ăn sữa chua cần súc miệng và đánh răng thật sạch để tránh các vi khuẩn lactic trong sữa chua còn sót lại, làm hỏng men răng.

Gia Huy -