Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Thời Gian Và Đời Người




Ở những xứ làm việc tính tuần, hình như thời gian có cánh bay. Mỗi thứ hai, khi bắt đầu một tuần mới ai cũng ngán ngẩm, người lớn uể oải không muốn đi làm, con nít thì lười đi học. Vậy mà qua được ngày thứ ba rồi thứ tư, tự nhiên nghe người nhẹ hẳn, tới thứ năm thì như chiếc xe được vô dầu châm nhớt phóng một cái sang thứ sáu là thấy cuối tuần tới nơi.



Cứ như vậy mà tuần qua tuần vùn vụt, thiếu điều không kịp thở. Lúc má tôi còn sống, má thường nói:

        - Lẹ quá con, bữa nay thứ sáu nữa rồi, thời giờ sao mà lẹ dễ sợ. Mới thấy thứ hai đây mà chớp mắt cái là thứ sáu. Cái gì mà sáng nào ăn sáng xong, tụi nhỏ đi học, con Lan đi chợ, má đẩy chiếc xe (rollator) ra trước đi qua đi lại vài vòng exersice, trở vô đã thấy tới giờ dọn cơm trưa cho ông già. Kế đó, con Lan đi chợ về, hai mẹ con ăn uống xong, má nằm nghỉ một chút ngồi dậy, xích qua xích lại chút xíu lại thấy tụi nhỏ đi học về. Chưa làm được gì hết thì tối tới nơi. Làm như đồng hồ ở Úc chạy lẹ hơn đồng hồ ở Việt Nam hay sao á! Phải vậy hông con!

Nghe má nói tôi bật cười:

           - Đồng hồ ở đâu cũng vậy chớ đâu có cái nào lẹ hơn cái nào đâu má! Một giờ  60 phút, một phút 60 giây, cứ vậy mà chạy,  tại mình loay hoay hết chuyện này tới chuyện nọ nên thấy mau qua giờ, còn ai ngồi không thì dài đăng đẳng. Con cũng vậy, ngày nào cũng bao nhiêu công chuyện đó, vừa làm vừa ngó đồng hồ mà nhiều khi phát quýnh. Rồi ngày lại ngày, năm qua năm, mình già hồi nào không hay phải không má! Lâu lâu nhìn kỹ lại mình trong gương thấy sao mắt có quầng, hai khóe miệng như hai dấu phẩy, tóc thì đã ngã màu muối tiêu xơ xác, da dẻ khô khan lấm tấm đồi mồi, già ơi là già, xấu ơi là xấu!  

Má tiếp lời:

      - Con già thì má cũng lão. Nhớ hồi con bảo lãnh má qua, má còn trẻ hơn con bây giờ. Vậy mà lật bật đã hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ, một thế hệ đã lớn, đã thành tài. Con của con Lan bây giờ đã sắp ra trường làm luật sư. Ba má thì càng ngày càng già yếu, bệnh tật tới tấp, chưa hết bệnh này thì bệnh khác đã phát lên, như cái máy cũ đã mục rệu không biết ngày nào rả tan. Nghĩ tới một ngày từ giã cỏi đời, vĩnh viễn phải xa lìa con cháu, má thấy thật buồn, đau xót làm sao. 

Giọng má đang vui bỗng nghèn nghẹn. Tôi nghe vậy cũng chạnh lòng theo má. Nín lặng vài giây dằn cơn xúc động, tôi an ủi bà:

         - Đời người ai cũng vậy má ơi, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, có ngày nào không tắt. Nhưng má chưa "tắt" đâu, má còn ăn ngủ được, bệnh tật thì đã có bác sĩ, nhà thương, thuốc men đầy đủ. Con bảo lãnh ba má qua đây là nghĩ đến lúc này. Má cứ yên tâm, vui hưởng tuổi già bên con cháu, thích ăn gì con làm cho má ăn. Còn ngoài ra cứ để xuôi theo tự nhiên, tới đâu thì tới. Ai cũng có phần số mà má. Biết chừng đâu con còn chết trước má nữa.
Nghe tôi nói vậy, má la um sùm trong điện thoại:
       - Con đừng có nói bậy không nên. Má biết ai cũng có số phần chớ nhưng biểu không buồn thì không được. Hồi vợ chồng con vượt biên dẫn theo thằng út, má đã tưởng đời này, kiếp này má không còn gặp lại tụi con, không ngờ trời thương cho sum họp gia đình, má được sống nửa đời sau có con cháu quây quần như hồi ở bên nhà, má có chết cũng mãn nguyện rồi con à. 

Con biết không, lúc tụi con vừa mới đi, má đau khổ không bút mực nào tả xiết. Má cứ phập phồng lo sợ, lo tụi con đi không biết có thoát hay không, nếu thoát thì có được bình yên tới bờ. Biển cả mênh mông, sóng gió mịt mùng, con từ nhỏ sức khỏe yếu kém, chưa từng chịu gian khổ, cháu ngoại của má thì chỉ mới có bốn tuổi đầu, thằng con trai duy nhứt của má cũng mới mười hai, tối tối còn ngủ chung giường với má mà thình lình biến mất khỏi vòng tay mình, má nhớ nó vô cùng, không biết bây giờ nó ra sao. Lòng má như bị muối xát kim châm, má chỉ biết khóc và cầu nguyện Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát cứu nạn cứu khổ, độ trì cho tụi con được tới nơi tới chốn bình yên. Lúc đó má thiệt là mong cho thời gian qua mau, mong sớm được biết tin tức của tụi con thì má có giảm thọ bao nhiêu cũng cam lòng. Và cuối cùng, thời gian đã trả lời cho má, giúp má tiêu tan phần nào nỗi lo lắng khi nhận được thư của tụi con từ trại tị nạn Mã Lai gởi về. Chuyện đã ba mươi mấy năm mà má còn nhớ như in trong đầu như mới hôm qua vậy đó con. Mau thật!

Đúng là mau thật cho nên má tôi giờ đây đã về cát bụi, chấm dứt một kiếp người để tôi vĩnh viễn không còn được hưởng nữa tình yêu của mẹ hiền. Người già người chết, thời gian nào có vị nể một ai. Rồi một ngày nào đó cũng sẽ tới phiên tôi. Thời gian như một mũi tên được bắn ra cứ lao tới, lao tới không ngừng, chớ không bao giờ quay ngược cho tôi trở về những ngày tuổi nhỏ dưới mái nhà thân yêu có ba, có má em chị quây quần; sáng sáng xách giỏ theo má đi chợ, học má cách chọn cá lựa rau, trưa trưa ngồi bên má may vá thêu thùa nghe má kể chuyện đời mưa nắng, chiều chiều cùng má vào bếp, chăm chút từng món mặn canh xào cho cả nhà có được những bữa cơm ngon lành bổ dưỡng. Ôi nhớ quá, hạnh phúc đó còn đâu!
 
Mau thật cho nên những người cùng thời với tôi mà trước kia tôi vẫn thường gặp ở khu shop người Việt nay bỗng dưng lần hồi mất tăm mất dạng. Hỏi qua hỏi lại mới biết một số đã quy tiên, có người thì đang ở viện dưỡng lão sống ngắc ngoải chờ ngày ra đi. Số người thỉnh thoảng còn gặp được thì đã chống gậy hoặc ngồi xe lăn. Bây giờ đi chợ chỉ thấy những khuôn mặt trẻ, thế hệ một rưởi và thế hệ thứ hai hoặc những Bắc kỳ 2 nút nói giọng thật khó nghe mà nếu đứng hơi xa nghe loáng thoáng còn không biết họ nói tiếng gì.

Người thật trước mắt đã vậy mà người ảo cũng không ngoại lệ. Tôi có một số bạn quen trên internet, tuy không hề biết mặt nhưng đôi khi ý hợp tâm đầu, chúng tôi cũng cảm mến nhau coi như là bạn thiết, thường đổi trao tâm sự và chuyển email cho nhau để giải khuây tuổi già. Vậy mà dần dà người này biến người kia mất, không hiểu vì sao họ bỏ cuộc chơi. Đâu rồi Bút Xuân Trần Công Tử? Đâu rồi Bác Thiện tiếu hihihi? Đâu rồi anh Lính thủy? Hỏi ai bây giờ trên mạng ảo! Chỉ có một người tôi được biết tin là ông bị stroke nặng, nằm liệt giường, gia đình không muốn ai thăm viếng. Thật đáng buồn, thương xót cho ông biết mấy! Phải chăng thời gian quá tàn nhẫn  khi biến con người từ trẻ trung khỏe mạnh đến chỗ già yếu bệnh tật cho đến xuống mồ. Hay đó là định luật của kiếp nhân sinh mà không ai tránh khỏi!

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu đã nói về sự tiêu cực của thời gian thì cũng nên nói đến mặt tích cực cho công bằng. Có người mẹ nào nuôi con không mong con mình chóng lớn đổ đạt thành nhân? Có lứa đôi nào yêu nhau, xa nhau mà không cầu xin thời gian qua mau để sớm được trùng phùng? Hầu như mọi ước mơ dự tính, mọi kế hoạch hay công trình trên đời này đều trông đợi ở thời gian, cần có thời gian để thực hiện, để hoàn thành. Vậy thì có phải thời gian là nguồn hy vọng cho con người bám vúi để dệt mộng ươm mơ? Thời gian không chỉ là một mụ phù thủy đáng ghét chỉ toàn gieo rắc bệnh tật tai ương, già nua chết chóc mà còn là một bà tiên nhân ái nhiệm mầu sẵn sàng ủi an, xoa dịu chửa lành những đau thương mất mát của đời người. Thời gian dù có đang tâm tàn phá, hũy hoại chăng nữa thì cũng có công xây dựng hàn gắn cho đời lại tươi sáng thăng hoa.

Regina Brett, một nhà văn nữ người Mỹ cho rằng: Time heals almost everything. Give time, time (Thời gian hàn gắn gần như mọi sự, hãy để thời gian có thời giờ). Với tôi thì thời gian có sức mạnh vạn năng có thể làm nên tất cả, lấy đi bao nhiêu nước mắt thì cũng cho lại bấy nhiêu nụ cười. Đó là người bạn trung thành đáng quý luôn sát cánh đồng hành bên ta trong suốt cuộc đời. Hãy cứ để thời gian giải quyết giúp ta mọi chuyện. Và xin đừng trách thời gian.

Đừng Trách Thời Gian

Đừng trách thời gian quá phũ phàng
Đang tâm tàn phá bao dung nhan
Nhuộm mái đầu xanh thành tóc trắng
Xô người vào huyệt lạnh mồ hoang

Đừng quên thời gian đã ân cần
Nuôi ta tấm bé đến thành nhân
Cứu giúp ta vượt muôn ải khổ
Sánh bước cùng ta suốt cuộc trần

 Và nhớ, thời gian là thuốc tiên 
Chữa lành ta mọi nỗi ưu phiền
Hàn gắn tim ta bao mảnh vỡ
Để đời nở lại nụ cười duyên

Dẫu ai có nói đời vô thường
Chưa vui nắng sớm đã tà dương
 Oán trách thời gian sao bạc bẽo
Chuyện bình thường thôi dẫu vô thường…

 Người Phương Nam