Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Viêm gan B mãn tính

Viêm gan B là một loại bịnh hiếm do siêu vi làm tổn thương gan. Ở Mỹ có chừng 1,2 triệu người mắc chứng viêm gan B mãn tính và trên một nửa số người này là gốc châu Á Thái Bình Dương (trong lúc chỉ 5% dân Mỹ là gốc châu Á Thái Bình Dương). Các khảo cứu ở Mỹ cho thấy người gốc châu Á, trong 100 người có chừng 12 người mang siêu vi gan B trong dòng máu mình (viêm gan B mãn tính). Virus viêm gan B (HBV) có thể lan truyền từ người này qua người khác qua bằng đường máu (kim chích, dụng cụ phẫu thuật không khử trùng đàng hoàng; dung dao cạo râu chung; do đường tính dục (sexual transmission), và từ mẹ truyền qua con lúc sanh



Không phải ai mắc viêm gan B mãn tính đều phải dùng thuốc. Bác sĩ sẽ xem xét những điều kiện của mỗi người, lợi hại của trị liệu và quyết định có cần và có nên chữa người đó hay không.
Mục đích trị liệu: ngăn chặn tiến triển của bịnh biến thành suy gan, xơ gan và ung thư gan (hepatocellular carcinoma, HCC).

Câu hỏi đặt ra là tại sao không chữa hết mọi người bịnh?

Thứ nhất, bịnh HBV lúc hoạt động lúc không, cho nên không có một phát đồ chung cho mọi trường hợp. Thứ đến, các thuốc được dùng chỉ áp chế (suppress) siêu vi HBV, không trị dứt nó được và có thể phải dùng thuốc vô hạn định,dùng thuốc có nguy cơ là sẽ lờn thuốc (resistance), không hiệu nghiệm được nữa. Cho nên lúc bịnh còn trong thời kỳ không hoạt động, bác sĩ không muốn dùng thuốc. Bác sĩ theo dõi bịnh; nếu gan có dấu hiệu bị viêm (các enzym tăng cao), lượng HBV tăng nhanh trong máu, gan bị xơ, kết quả siêu âm, sinh thiết gan nếu thấy cần thiết) lúc đó bác sĩ mới tính chuyện dùng thuốc.

Nói chung 2/3 bịnh nhân sẽ không nặng hơn. Riêng đối với người mắc HBV mãn tính do máu mẹ truyền sang lúc mới sinh thì dự hậu kém hơn,1/3-1/4 sẽ chết do xơ gan hay ung thư gan nếu không chữa trị. Cho nên việc theo dõi để chọn ai cần chữa và chữa lúc nào, kéo dài bao lâu rất quan trọng.

Các yếu tố cơ nguy bị viêm gan B

-mức DNA của HBV cao dai dẵng.
-men [enzyme] ALT cao chứng tỏ tế bào gan bị hư hại nhiều.
(Trong cơ thể chúng ta, các phản ứng sinh hoá hoá học cần phải xảy ra nhanh trong những điều kiện bình thường về nhiệt độ, áp suất, pH mà cơ thể chấp nhận được, do đó cần những chất giúp cho phản ứng xảy ra dễ dàng hơn, các chất này gọi là chất xúc tác (catalyst) được nhà bác học người Đức Wilhelm Kühne (1837–1900) đặt tên mới là "enzyme", gốc Hy lạp có nghĩa là : en=ở trong; zyme: men (leaven, yeast) ví dụ như “men” làm rượu từ gạo. Việt Nam dịch là enzym; tuy cũng gọi nôm na là 'men'. Lúc thử nghiệm (screen) xem gan, túi mât có bị tổn thương không, người ta thường bắt đầu bằng những enzym như ALT (alanine aminotransferase, trước đây SGPT) hay AST ((aspartate transaminase, hay SGOT).)
-một số trường hợp đột biến trong DNA của siêu vi.
-tuổi bịnh nhân cao
-phái nam
-bịnh nhân nghiện rượu
-trong gia đình có người bị bịnh ung thư gan
-chất Alpha-Feto-Protein (AFP) trong máu cao.
-nhiễm đồng thời với các virus khác như viêm gan Delta (HDV), viêm gan C (HCV), HIV (bịnh liệt kháng).

Các thuốc chính được dùng khắp thế giới cho HBV 

Đó là: pegylated interferon alfa (PEG-IFN-a), entecavir (ETV), tenofovir disoproxil fumarate (TDF).
Interferon có nhiều biến chứng, các triệu chứng giống như bị cúm, đau nhức bắp thịt, có khi triệu chứng tâm thần. Chỉ 1/3 trường hợp bịnh HBV đáp ứng với interferon.
Thuốc Entecavir được cơ quan quản trị thuốc của Hoa kỳ là FDA chấp thuận được dung để chữa những trường hợp viêm gan B mà virus sinh sản tích cực (active viral replication) cộng với tổn thương ở gan, chứng minh bằng các xét nghiệm cơ năng gan (enzyme ALT hoặc AST lên cao) hoặc sinh thiết tế bào gan cho thấy bịnh đang ở giai đoạn tích cực, hoạt động (active liver disease). Năm 2010, FDA, chấp thuận việc dùng entecavir cho các trường hợp suy gan (liver failure) do siêu vi gan B. Đối với thuôc entecavir, xin trích dẫn một số điểm công bố trong package insert được FDA chấp thuận:
-các biến chứng thường gặp nhất: nhức đầu, mệt mõi, buồn nôn , ói.
-Uống entecavir nếu ngừng đột ngột có thể là bịnh nhiễm trở nặng hơn, nhất là trong 6 tháng đầu.
-Thuốc thải ra ngoài do thận, nên nếu cơ nặng thận yếu, giảm thấp do tuổi già, phải điều chỉnh liều thuốc.Thuốc lại có khả năng gây độc gan (hepatotoxicity): nếu da vàng, buồn nôn, phân mất màu, trở nên trắng, phải cho bs mình biết.
-Thuốc không có khả năng trị dứt (cure) nhiễm trùng siêu vi gan B mà chỉ làm giảm lượng virus trong cơ thể, giảm khả năng nhiễm những tế bào gan mới.
-Thuốc có thể làm cơ năng gan tốt hơn.
-Tuy nhiên theo kiến thức hiện nay, không biết thuốc có giảm nguy cơ ung thư và xơ gan do viêm gan B mãn tính gây ra hay không.

Tổ chức y tế quốc tế (WHO) khuyến cáo chữa những người hội đủ các điều kiện sau đây nếu họ không bị xơ gan:

1) tuổi trên 30
2) Enzyme ALT cao dai dẵng
3) DNA của HBV nhân ra nhanh chóng (high-level HBV replication (HBV DNA >20,000 IU/mL).

Ngược lại Hội Nghiên cứu Bịnh Gan của Mỹ (American Association for the Study of Liver Diseases (AASLD) ) khuyến cáo không nên chữa cho bịnh nhân với các điều kiện như sau:
-không bị xơ gan
-ALT bình thường dai dẵng
-mức DNA của siêu vi HBV thấp (Low levels of HBV DNA replication (HBV DNA <2,000 IU/mL).
Tuy nhiên bịnh nhân được thử máu, siêu âm gan đều đặng để theo dõi.

Người bịnh viêm gan mãn tính không bị giới hạn về vấn đề ăn uống.Tuy nhiên nếu suy gan do xơ gan (decompensated cirrhosis ), có thể cần giới hạn sau đây:
-giảm muối dưới 1.5 gram/ngày
-thức ăn có mức protein cao hơn, từ thịt trắng (white meat) như gà tây, gà, cá
-giới hạn nước dưới 1.5 lít/ngày nếu mức muối (NaCl) trong máu thấp.

Tóm lại, chữa viêm gan B mãn tính là lãnh vực của chuyên gia về bịnh này. Nếu bs của bạn khuyên là không cần chữa, nên mừng và theo đúng các hướng dẫn để được theo dõi đúng mức. Thường bs có thể thẻo dõi 3 tháng một lần, trong một năm ; sau đó mỗi năm một lần. Nếu bịnh nặng hơn, có thể bác sĩ sẽ bắt đầu trị liệu lúc cần.

BS Hồ văn Hiền (theo VOA)