Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Tại sao giờ đi ngủ lại rất quan trọng?

Người không có giờ ngủ nhất định thường nặng cân hơn, ít khỏe mạnh hơn...

Đối với hầu hết người trưởng thành hiện nay, việc đạt được mục tiêu ngủ 7 tiếng mỗi đêm là cả một vẫn đề. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Duke còn bổ sung thêm một việc nữa vào danh sách những việc cần làm để bảo đảm sức khỏe: đi ngủ vào một giờ nhất định.

Hầu hết chúng ta đều nghĩ giờ đi ngủ chỉ dành cho trẻ con; còn một khi đã bước chân vào đại học, thì đi ngủ giờ nào mà chẳng được.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới được công bố ngày hôm nay trên tạp chí Scientific Reports cho thấy những người không có giờ ngủ nhất định thường nặng cân hơn, ít khỏe mạnh hơn, với lượng đường trong máu cao hơn và huyết áp cao hơn.

Nghiên cứu mới về các mô hình giấc ngủ gợi ý đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định cũng quan trọng đối với sức khỏe tim và trao đổi chất ở người lớn tuổi.

Các nhà nghiên cứu cho biết không rõ liệu những triệu chứng này là nguyên nhân gây ra giấc ngủ thất thường hay giấc ngủ thất thường gây ra những triệu chứng này.

“Có lẽ tất cả những điều này có tác động tương hỗ“, TS. Jessica Lunsford-Avery, giảng viên tâm thần học và khoa học hành vi và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Nhưng dù bằng cách nào thì sau khi đánh giá 1.978 người, các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc giữ vững 7 tiếng ngủ vào cùng một khoảng thời gian mỗi đêm sẽ không thể làm tổn hại cơ hội giữ gìn sức khỏe.

“Bệnh tim và tiểu đường rất phổ biến ở Mỹ, cực kỳ tốn kém và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở đất nước này”, bà nói. “Nếu có thể dự đoán những người nào có nguy cơ mắc các bệnh này, thì có thể ngăn chặn hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh”.

Nghiên cứu của TS. Lunsford-Avery đã cho mỗi người tham gia, tuổi từ 54 đến 93, mang một thiết bị theo dõi lịch ngủ, cụ thể đến từng phút, vì vậy nhóm có thể theo dõi những thay đổi nhỏ nhất. (Ví dụ ai đó ngủ lúc 10h10 phút tối trong khi lịch thông thường là đi ngủ lúc 10 giờ tối).

Họ phát hiện ra rằng những người bị tăng huyết áp có xu hướng ngủ nhiều hơn, và những người bị béo phì có xu hướng thức khuya hơn.

Nhưng quan trọng nhất giờ ngủ đều đặn là một thông số tốt nhất để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim và chuyển hóa của một người.

Những người có giờ đi ngủ thất thường cũng dễ báo cáo về trầm cảm và stress hơn so với những người có giờ ngủ đều đặn, cả hai tình trạng này đều gắn liền với sức khỏe tim mạch.

Người Mỹ gốc Phi có những mô hình ngủ thất thường nhất so với những người tham gia là người da trắng, người Mỹ gốc Hoa hoặc người gốc Tây-Bồ, số liệu cho thấy.

Ngủ kém cản trở chuyển hóa của cơ thể dẫn đến tăng cân.
Ngủ kém cản trở chuyển hóa của cơ thể dẫn đến tăng cân.

Những phát hiện này cho thấy một mối liên quan – chứ không phải là quan hệ nhân quả – giữa sự đều đặn của giấc ngủ với sức khỏe tim và chuyển hóa.

“Nghiên cứu không kết luận rằng giờ ngủ bất thường dẫn đến nguy cơ sức khỏe hay tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến giờ ngủ”, TS. Lunsford-Avery nói.

Tuy nhiên, dữ liệu gợi ý việc theo dõi thói quen ngủ có thể giúp xác định những người có nguy cơ mắc bệnh và sự khác biệt về sức khỏe có thể tác động đến những nhóm đối tượng cụ thể.

Nhóm dự định sẽ tiến hành nghiên cứu thêm trong thời gian dài hơn với hy vọng xác định xem sinh học gây ra những thay đổi về giờ ngủ và ngược lại như thế nào.

“Có thể bệnh béo phì làm gián đoạn sự bình thường của giấc ngủ, hoặc ngủ kém cản trở chuyển hóa của cơ thể dẫn đến tăng cân, và đó là một vòng tròn luẩn quẩn. Với nhiều nghiên cứu hơn, chúng tôi hy vọng sẽ hiểu những gì đang xảy ra về mặt sinh học, và có lẽ chúng ta có thể nói điều gì có trước: con gà hay quả trứng”.

Nên ngủ lúc mấy giờ tốt cho sức khỏe

Cơ thể cần ngủ đủ ít nhất 7 tiếng vào ban đêm và một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa để đảm bảo năng lượng hoạt động, trí não luôn tỉnh táo.

Ngủ là hoạt động vô cùng quan trọng với sức khỏe. Cơ thể ngủ đủ được tái tạo năng lượng, giảm nguy cơ mệt mỏi và bệnh tật. Một ngày bạn nên đảm bảo có 2 giấc ngủ, một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa và giấc ngủ dài vào buổi tối. Vậy đâu là thời điểm tốt nhất để cơ thể nghỉ ngơi, chìm vào giấc ngủ?

Theo Time, giấc ngủ trưa nên bắt đầu từ 13h, sau khi nạp năng lượng bữa trưa, cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi sau một buổi sáng làm việc. Lúc này một giấc ngủ ngắn 20-30 phút là hợp lý để bạn khôi phục năng lượng cho buổi chiều. Tránh ngủ nhiều, ngủ sâu vào giấc trưa bởi nguy cơ mệt mỏi hay nhức đầu sau khi thức dậy.

Giấc ngủ trưa ở văn phòng không nên quá dài.
Giấc ngủ trưa ở văn phòng không nên quá dài. (Ảnh: D.S).

Các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ chỉ ra cần ngủ đủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để đảm bảo cơ thể được tỉnh táo. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, môi trường của từng người mà tính toán giờ ngủ cho bản thân hợp lý. Nếu sáng phải dậy từ lúc 6h thì nên đi ngủ từ 23h đêm hôm trước.

Theo tiến sĩ Matt Walker, Đại học California, Berkeley, Mỹ: “Một giờ bạn ngủ lúc trước nửa đêm có giá trị với sức khỏe tương đương hai giờ của giấc ngủ sau 1h sáng”. Thức khuya chưa bao giờ tốt với sức khỏe. Các bác sĩ cho rằng thời điểm cơ thể có giấc ngủ sâu và đạt đỉnh thường đến vào 0h-3h sáng. Trước thời điểm ngủ sâu này, cơ thể cần được nghỉ ngơi, do đó giấc ngủ từ 23h là sự lựa chọn hợp lý, nếu bạn không thể ngủ sớm hơn.

Khi đã chọn được giờ ngủ hợp lý, bạn nên nghiêm túc duy trì trong ít nhất 10 ngày để cơ thể quen dần và trở thành thói quen. Những ngày cuối tuần, bạn có thể cho cơ thể “tự thưởng” thêm một tiếng đồng hồ ngủ nướng nhưng đừng ngủ quá nhiều vì sẽ gây mệt mỏi, uể oải vào ngày đầu tuần.

Những điều tối kỵ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu như tắm nước nóng cận giờ đi ngủ làm nhiệt độ cơ thể ấm lên, khó ngủ. Đem các thiết bị điện tử cầm tay lên giường khiến bạn chập chờn mãi không vào giấc được.

Theo Vietnam Express/anle20