Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

COVID-19 và cúm cùng gia tăng, liệu chúng ta có bị hai bệnh này cùng lúc?

Dữ liệu mới nhất của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch ​​Bệnh (CDC) cho thấy mức độ cúm lên cao toàn quốc và số ca nhập viện do COVID-19 cũng tăng cao, đài NBC News đưa tin ngày 6 Tháng Giêng.

Trong khi Hoa Kỳ chưa hẳn vào Đông mà việc lây nhiễm vi trùng đường hô hấp năm nay có vẻ khác so với năm ngoái. COVID-19 và cúm đều gia tăng.

“Điều mới của năm nay là cả cúm và COVID-19 cùng gia tăng một lúc,” Bác Sĩ Michael Phillips, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại NYU Langone Health, nói.

Tại NYU Langone, các xét nghiệm dương tính giữa bệnh cúm và COVID-19 “gần như nhau,” với số người mắc bệnh COVID-19 nhiều hơn một chút, ông Phillips cho biết.

Bác Sĩ Helen Chu, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại đại học University of Washington, cho biết các viện bào chế đang chuẩn bị đối phó với tác động của COVID-19 và bệnh cúm trong những tuần tới ở tiểu bang Washington.

“Tây Bắc Thái Bình Dương có xu hướng đi sau Đông Nam và miền Đông khoảng một hoặc hai tuần,” bà nói. “Tôi nghĩ đây sẽ là một mùa khá tồi tệ.”

Dữ liệu mới nhất của CDC cho thấy cúm tăng đến mức cao hoặc rất cao ở ít nhất 38 tiểu bang, tính đến tuần lễ kết thúc vào ngày 30 Tháng Mười Hai, 2023. CDC ước tính có khoảng 10 triệu ca bệnh cúm vào tuần rồi, tăng lên từ 7 triệu vào tuần trước đó.

Số ca nhập viện liên quan đến COVID-19 cũng tăng 20% ​​trong tuần qua, CDC đưa tin hôm Thứ Sáu.

Với cả hai loại vi trùng lây lan ở mức độ cao, khả năng một người nhiễm cả hai loại cùng một lúc là bao nhiêu?

May mắn thay, việc bị nhiễm COVID-19 và cúm một lúc rất hiếm.

Năm ngoái, CDC đã theo dõi các trường hợp đồng nhiễm ở Mỹ và phát hiện ra rằng chỉ 3% số người nhập viện vì cúm và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Bác Sĩ Mandy Cohen, giám đốc CDC, nói với NBC News rằng chuyện đồng nhiễm có vẻ cũng không nhiều trong năm nay.

“Hiện tại, chúng tôi chỉ thấy những người có dương tính với một loại vi trùng đường hô hấp, nhưng ​​​​rất nhiều người bị nhiễm,” bà nói với NBC News. “Tỉ lệ đồng nhiễm cũng ít như năm ngoái.”

CDC khẳng định chỉ 3% số người nhập viện bị cúm và COVID-19 cùng một lúc. (Hình minh họa: Lisa Maree Williams/Getty Images)

Ông John Wherry, giám đốc Viện Miễn Dịch Học tại đại học University of Pennsylvania, cho biết cơ thể chúng ta không để bị đồng nhiễm.

“Có một khái niệm dựa trên dữ liệu từ các mô hình động vật rằng một loại vi trùng có thể khiến người ta có khả năng chống lại vi trùng khác nếu bị nhiễm cùng lúc,” ông nói.

Hiện tượng này, được gọi là sự can thiệp của vi trùng, là khi bị nhiễm một loại vi trùng sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và khiến cơ thể ít bị nhiễm vi trùng khác.

“Phản ứng miễn dịch đối với một loại bệnh này sẽ chống luôn loại kia,” Bác Sĩ Jake Scott, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Stanford Medicine, cho biết.

Ông Scott cũng chưa gặp ai bị cúm và COVID-19.

Tuy nhiên, điều này có thể tùy thuộc vào từng cá nhân.

“Một thanh niên 22 tuổi bị cúm rồi hồi phục có thể có khả năng đề kháng COVID-19 trong một thời gian – vài ngày hoặc có thể một tuần sau đó,” ông Wherry nói. “Trong khi đó, một ông 87 tuổi bị cúm rồi sau đó mắc COVID-19 thì ông này có thể bệnh nặng hơn nhiều.”

Đã có nhiều báo cáo năm nay rằng có những người không thể hết ho hoặc sổ mũi kéo dài, nhưng điều đó bình thường và không có nghĩa là bị nhiễm nhiều loại vi trùng.

Một cơn nhiễm trùng đường hô hấp thông thường cũng có thể mất vài tuần mới hồi phục.

Bác Sĩ Scott khuyên tỉ lệ nhiễm trùng cao là lý do chính đáng để cập nhật vaccine COVID-19 và cúm.

Bác Sĩ Phillips cho biết, những người từ 65 tuổi trở lên, đang mang thai, hoặc bị suy giảm miễn dịch, thuốc kháng sinh Paxlovid có thể giúp tránh phải nhập viện nếu dùng trong vài ngày đầu khi bị COVID-19. Nếu bệnh cúm, bác sĩ có thể cho toa thuốc Tamiflu.

Đối với những người không có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, lời khuyên của Bác Sĩ Scott rất đơn giản – hãy ở nhà nghỉ ngơi.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là chích ngừa.

“Nếu ai đã cập nhật vaccine ngừa COVID-19 và cúm thì không cần lo lắng.

(theo nguoiviet.com)