Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Chia sẻ kinh nghiệm về tập Dịch Cân Kinh


Tập Dịch Cân Kinh giúp mình luôn luôn ngủ ngon và không bao giờ bị táo bón, máu huyết được lưu thông mạnh trong thời gian tập, nhờ đó da dẻ chúng ta luôn được hồng hào và bệnh tật tan biến đi.


Sau đây tôi xin nói về cách tập thế nào cho đúng.




Tư thế và việc phải làm của một người tập Dịch Cân Kinh:



1.   Người tập Dịch Cân Kinh nên đi giầy hay dép, không nên đi chân đất,

Hai chân dang ra, khoảng cách giữa hai ngói chân cái bằng khoảng cách của hai vai, hai bàn chân bám chặt xuống giầy hay dép



  2.  Gồng cứng bắp chuối và bắp vế chân, hậu môn nhíu lại và thót lên.     Suốt buổi tập hai chân như trồng cây xuống đất, từ thắt lưng trở  xuống luôn luôn cứng nhắc, không suy suyển

Tóm lại đó là thế đứng tấn của người luyện võ. Nếu đã dang hai chân đúng tầm, đã gồng (lên gân) hai chân thật chắc, bám mười ngón chân thật chặt xuống dép hoặc giầy, nhíu hậu môn lại và thót lên rồi thì ta thấy từ thắt lưng trở xuống chân thật là chắc nịch.

Và trong suốt buổi tập ta phải luôn chú ý đến phần từ thắt lưng trở xuống và làm đúng như thế.

Nếu ta không chú ý đến phần này thì công phu luyện tập sẽ mất gần hết, không mang lại kết quả mong muốn. 



3.   Đầu như dây treo (giống như có sợi dây treo mình lên vậy) để cổ được thẳng, mặt ngó về phía trước, nhìn một điểm cao hơn mình một tí để cổ không rùng xuống.



4.   Ở miệng, hai môi chạm nhẹ vào nhau, không mím môi cũng không hở môi. Hai hàm răng chạm nhẹ vào nhau (đầu chót luỡi chạm nướu răng trên để luồng điện được lưu thông)



5.    Ở mỗi bàn tay, các ngón luôn dính vào nhau (chớ không phải xòe ra, sách có vẽ hình rất rõ về điểm này). Khi đánh tay, lòng bàn tay hướng về phía sau (tức là mu bàn tay đưa ra phía trước). Động tác duy nhất là đánh hai tay từ phía trước ra phía sau. Khi đưa hai tay ra phía trước, hai cánh tay sẽ hợp với thân người thành một góc 30 độ. Khi đánh tay ra phía sau, một góc 60 độ.



Tóm lại khi đánh tay ra phía sau, đánh hết tay. Khi đưa hai tay ra phía trước chỉ là một cái trớn của việc đánh tay ra phía sau còn lại mà thôi, do đó chỉ có 30 độ.



Mỗi lần đánh tay từ phía trước ra phía sau thì kể một cái đánh tay. Khi mới bắt đầu tập, nên khởi sự đánh tay 200 cái mỗi lần tập. Nếu muốn mau có kết quả thì tập mỗi ngày hai lần, sáng và chiều. Còn nếu có ý chí lớn hơn nửa thì tập ba lần mỗi ngày (sáng, trưa, chiều) càng tốt.

Tập ở ngoài sân hay ở trong nhà đều được miển là thoáng khí và yên tĩnh.



Không nên tập sau khi ăn cơm no. Khi thấy mệt là nghỉ ngay, không nên tập quá sức, và khi còn có thể tập nữa mà không mệt thì nên tiếp tục tập cho đúng sức mình.  



Khi mới tập, khởi sự bằng 200 cái đánh tay mỗi lần tập, về sau khi thấy còn có thể tập thêm thì tăng lên dần, thí dụ 250, 300, 350, v.v... Hồi tôi mới tập một thời gian ngắn sau là tôi lên đến 1200 cái đánh tay cho mỗi lần tập (trong 15 phút). Hồi đó còn trẻ nên tôi đánh rất nhanh, và mỗi ngày tôi chỉ tập một lần . Sau khi tập xong ta thấy khát nước (nên uống nước ngay), đó là tập vừa sức . Sau khi tập tôi  thường đi chậm bằng cách giở chân lên cao, vừa co giản hai cánh tay.



Có người mới khởi sự đã tập trên 1000 cái thì mặt bị nổi mụt ngay. Nếu tập đúng cách tôi thấy không có bị phản ứng gì cả mà càng ngày ta càng thấy khỏe ra. Mình tập đuợc nhiều hay ít là do mình có thể đứng tấn được bao lâu, chứ không phải ai muốn tập bao nhiêu lần cũng được. Còn nếu đánh tay để đếm số lần cho được nhiều mà không gồng (lên gân) hai chân cho thật cứng chắc và nhíu hậu môn lại, thót lên thì sẽ không đạt được kết quả mong muốn.



Về tốc độ đánh tay thì sách nói đánh tay nhanh như người đi đánh đồng xa .  Đánh tay càng nhanh thì máu huyết lưu thông  càng mạnh trong thời gian ấy, và sẽ cuốn theo mọi bệnh tật .

Sách nói muốn tập trị  bệnh thì nên tập từ 2000 - 3000 cái mỗi ngày trong vòng  lối 30 phút. 



Hai nguyên tắc quan trọng cần phải áp dụng trong lúc tập:

       

  1) Thượng tam hạ thất:

Nếu trong thời gian tập mình dùng 10 phần sức lực thì từ thắt lưng trở xuống mình dùng đúng 7 phần và phải luôn luôn chú ý đến việc gồng  cứng (lên gân) hai chân, nhíu hậu môn lại và thót lên.

          Từ thắt lưng trở lên, mình dùng 3 phần sức lực .

Đó gọi là thượng tam hạ thất, là thượng hư hạ thực, trên ba dưới bảy, hay trên hư dưới thực.

Trong việc đánh tay cũng thế. Khi đưa tay ra phía sau dùng 7 phần sức lực, đưa ra trước thì chỉ  dùng 3 phần.

Trước ba sau bảy, hay trước hư sau thực, đánh tay ra phía sau mới là thực cần thiết, và phải đánh cho hết tay.



   2) Tâm bình khí tịnh:

Trong  suốt thời gian tập ta không được suy nghĩ điều gì (điều này hơi khó) ngoại trừ việc nhẩm đếm số lần đánh tay. Đó là tâm bình. Còn khí tịnh là trong thời gian tập ta thở bình thường, chứ không phải thở theo nhịp tay.



Có một môn phái thở theo nhịp tay, nghe nói đó là phái Võ  Đang. Nhưng phái Thiếu Lâm Tự thì không thở theo nhịp tay.

Hồi tôi ở Hoàng Liên Sơn, tôi tập không thở theo nhịp tay, thầy Thuần thở theo nhịp tay, cả hai chúng tôi đều đạt kết quả tốt .



Vài kinh nghiệm bản thân trong khi tập:



Nếu đánh tay nhanh mà ta thấy tê mười đầu ngón tay thì đó là vì ta không nhíu hậu môn và thót lên, hoặc là vì ta để hở mười ngón tay (bàn tay năm ngón phải để dính với nhau, không được hở, điều này trong sách có vẽ hình rõ lắm).



Nếu lúc tập mà ta thấy đầu hơi nặng là vì cổ ta không thẳng, đầu không như dây treo, luồng điện thay vì đi xuống lại đi nguợc lên đầu.

Hồi ở  Hoàng Liên Sơn, tối nào tôi cũng ra sân tập và đeo bao tay vi` trời lạnh. Khi đánh tay được lối 1500 cái trở lên là tôi thấy ấm người, khỏi mang bao tay nữa,  và mỗi cái đánh tay nghe như có hai luồng điện chạy xuống hai chân  vậy.


Bây giờ đã lớn tuổi, tôi chỉ tập nổi tối đa là trên dưới 800 cái đánh tay mỗi lần mà thôi. Thêm vào đó, ngày nào tôi cũng đi bộ ít nhứt nữa giờ và tôi thấy rất tốt cho sức khỏe, rất tốt cho việc tập Dịch Cân Kinh. Trong tất cả các môn tôi đã tập (hồi ở VN tôi tập dưỡng sinh trong vườn Tao Đàn), tôi nhận thấy môn Dịch Cân Kinh của Đạt Ma Tổ Sư là hữu hiệu hơn cả. Nhưng điều cần yếu là phải tin tưởng và kiên nhẫn tập đều đặn thì mới có kết quả.



Huỳnh Bửu Khương