Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Tàn nhang

 

Nhiễm độc ánh nắng và nỗi buồn tàn nhang

Tàn nhang được xem như một bất thường lành tính của da hơn là căn bệnh và không gây bất cứ khó chịu nào, ngoài phương diện thẩm mỹ. Tuy nhiên, nhiều người vì không tự tin khi có gương mặt nhiều tàn nhang nên đã tìm mọi cách tẩy sạch, không kể lợi hại. Từ đó đưa đến một số trường hợp tiền mất nhưng các vết tàn nhang vẫn còn, thậm chí còn nhiều lên, kèm theo những bệnh khác về da.

Thuốc và hoá chất cũng là thủ phạm

Tàn nhang thường xuất hiện ở cơ địa có làn da nhạy nắng, đặc biệt ở người da trắng, tóc hung đỏ. Tuy nhiên không phải vì thế mà người da vàng lại không vướng phải nỗi buồn này. Sự xác nhận các gene thụ thể melanocortin -1 như là sự quy kết tính di truyền cho da bị tàn nhang, đã là một tin buồn với nhiều người. Các yếu tố ảnh hưởng lên sự phát triển của tàn nhang được kể đến là tuổi, di truyền, sự phơi nắng, thuốc dùng và chế độ dinh dưỡng. Trong đó tác hại phơi nắng và ảnh hưởng của một số chất, thuốc gây nhiễm độc ánh nắng, làm nổi thêm tàn nhang hoặc sạm da là nguyên nhân khá phổ biến nhưng ít được mọi người chú tâm, có thể kể đến như:

Thuốc và hoá chất dùng theo đường toàn thân: kháng sinh vòng (tetracyclin; doxycyclin; lymecycline; metacycline; minocycline…), nhóm quinolon (acide nalidixique; acide oxolinique; acide pipemidique; acide pyromydique; flumequine; ciprofloxacine; ofloxacine, rosoxacine; pefloxacine...); nhóm phenothiazine (chlorpromazine; thioridazine; promethazine…); nhóm sulfamides (sulfonamide; sulfonynamide; thiazidique…); các thuốc chống ung thư (dacarbazine; 5fluouraxin; mitomycine; vinblastin…)
Thuốc và hoá chất thoa: các thuốc màu (eosin, fluorescein, hồng bengale…); kháng sinh vòng cyclin (tétracyclin và các thuốc tương tự); nhóm goudron và hợp chất (acridine anthracène, benzopyrene, naphralenè, phenanthrene…); phenonthiazine, promethazine, chlorpromazine; sulfamide và hợp chất; thuốc có halogène; peroxyde de benzoyle; tretinoine…

Có diệt được tàn nhang?

image

Các thuốc thoa thông thường chỉ giúp làm mờ đi phần nào các vết tàn nhang. Chúng có thể là các chất lột da hoặc chất có công dụng tẩy sắc tố. Ưu điểm của biện pháp này là rẻ tiền, có thể sử dụng lâu dài. Tuy nhiên chúng có thể gây ra kích ứng mà một vài cá nhân có thể không chấp nhận. Mặt khác, tránh nắng không đúng cách cũng có thể mang lại hiệu ứng ngược. Riêng các chất tẩy sắc tố tuy giúp cải thiện độ đậm tàn nhang, vết nám nhưng cũng có thể gây kích ứng, làm mất sắc tố; hoặc ngược lại, gây tăng sắc tố cho một số người. Đặc điểm chung của các chất thoa trên da là đem lại hiệu quả mờ tàn nhang rất chậm, phải kéo dài nhiều tháng. Sau thời gian dùng thuốc, vùng bên ngoài các nốt tàn nhang cũng ảnh hưởng, nhạt màu theo và do đó vẫn lộ rõ các tàn nhang đang có. Nên kết hợp các chất có công dụng mờ sắc tố và lột sừng nhẹ trong các sản phẩm chăm sóc da. Có thể dùng mặt nạ tẩy trắng đã được bào chế hoặc mặt nạ lột nhẹ (nước cốt chanh, thơm...) Các biện pháp vật lý như đốt điện, đốt bằng laser carbonic hoặc chấm nitơ lỏng cũng cho kết quả tốt song có thể để lại sẹo. Sự ra đời của các thiết bị laser không xâm lấn, IPL… đem lại nhiều hy vọng. Ưu điểm là làm mất hẳn tàn nhang sau nhiều lần chiếu và không để lại sẹo. Tuy nhiên chi phí còn quá cao. Tình trạng sạm da sau làm laser cũng là trở ngại cần cân nhắc.

Phòng ngừa khả thi hơn tẩy sạch

Dù tẩy nhạt màu một phần hay toàn bộ tàn nhang, cũng không có nghĩa sẽ không bị nổi thêm các nốt tàn nhang mới. Do đó, phòng ngừa sẽ khả thi hơn là tìm cách làm tàn nhang biến mất. Tránh nắng là việc quan trọng. Nên giới hạn ra nắngvào thời điểm từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Bảo vệ da trước nắng phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khi còn trẻ, lúc da chưa tàn nhang. Những vùng da phơi bày như mặt, cổ, tay, tai nên che kín bằng khăn vải, trang phục, mũ nón rộng vành hoặc bảo vệ bằng thuốc chống nắng. Với người tàn nhang, nên chọn thuốc chống nắng có chỉ số chống nắng tối thiểu từ 30 trở lên. Sử dụng thuốc chống nắng không chỉ giới hạn các tàn nhang mới mà còn bảo vệ “thành tích” những biện pháp làm mờ tàn nhang mang lại, hỗ trợ chống lão hoá da, cũng như ngăn ngừa ung thư da.
Ngoài ra cũng lưu ý, không dùng các sản phẩm chứa hương liệu khi ra nắng, bởi chúng sẽ làm tăng sự nhạy cảm da với nắng. Cẩn thận với một số thuốc uống và bôi tại chỗ. Tốt nhất nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.


BS Võ Thị Bạch Sương (theo baomai)