Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Đố vui Tết Giáp Thìn - 2024

 Câu Đố Tết Hay Nhất: 136+ Câu Đố Vui Về Ngày Tết

 Phần Câu Hỏi

 Câu số 1 : Tết Con Rồng ( 2024 ) tới rồi, mục Đố Vui các Bạn biết mần chi đây hè ! Bí quá, Lão Phan đành… chỉ dám đố các Cô, các Cậu dân Mỹ gốc Việt nhà ta từ 18 tuổi trở xuống, còn đang đi học…mấy Lớp Việt ngữ, nói tiếng Việt phải có…thông dịch viên để dịch tiềng Việt ra…tiếng Việt thì bà con ta mới hiểu thôi. Không có chạy tứ tung đi hỏi các vị phụ huynh đâu đấy nghe ! 

1.-Ngày đầu năm âm lịch là ngày Lễ gì của dân tộc Việt Nam ? 

2.- Tháng 12 Âm lịch gọi là gì ? 

3.- Tháng 01 Âm lịch gọi là gì ? 

 4 -Tết Nguyên Đán nhằm ngày nào của năm Âm Lịch 

5 - Tên của bốn mùa trong năm là gì ? 

6 - Trong năm, lá cây rụng nhiều vào mùa nào ? 

 7 - Mùa nào lạnh nhất trong năm? 

 8 - Mùa nào nóng nhất trong năm? 

 9 - Hoa mai thường trưng bày trong ngày Tết có màu gì ? 1

10 - Hạt dưa ngày Tết là hạt dưa gì ? 

11 - Bao lì xì màu gì? 

12 - Bánh chưng làm bằng gạo chi ? 

13 - Câu “Cung chúc tân xuân ” có nghĩa là chi ? 

14 - Ngày Tết thường có một đoàn múa biểu diễn gọi là chi ? 

 15 -Tên 3 vị Thần tượng trưng cho sự giầu sang, hạnh phúc và sức khỏe, trong dịp Tết nguyên đán là gì ? 

16 - Ruột trái dưa hấu màu chi ? 

17 -Bánh chưng hình gì và tượng trưng cho cái chi ? 

18 - Bánh dầy hình gì và tượng trưng cho cái chi ? 

19 – Tại sao dân ta dùng bánh dầy và bánh chưng để cúng Tổ Tiên ? 

20- Tối 30 Tết, gia đình Việt Nam thường xum họp đông đủ để chuẩn bị đón giao thừa. Vậy giao thừa là chi ? 

21-. Sống ở Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt có tổ chức đón mừng Tết không ? Hình thức tổ chức, nói chung như thế nào? Hãy kể ra. sơ sơ cho bà con nghe với… 

 22-.Diễn hành và hội chợ Tết có ý nghĩa như thế nào ? Nói sơ qua xem sao !

 

 Câu số 2 : Các cô, các cậu nhà ta cho biết vài câu ca dao, tục ngữ nói về con Rồng xem ra sao ! Cho tụm lại từng nhóm vài ba người bàn bạc với nhau coi xem có nhớ được câu nào không . OK ! -

 

 Câu số 3 : Nói đến Tết Nguyên Đán của dân Việt mình mà không nói vế cái vụ…” Mâm ngũ Quả “ thì coi như thiếu sót nặng nề, mà theo ngôn ngữ của dân ta ở quê nhà thì phải nói là…siêu nặng mới đúng. Vậy bà con ta ai biết, ai rành về cái dzụ “ Mâm ngũ quả “ thì nói sơ sơ cho bà con chúng tôi nghe với, nhất là các cô, các cậu sinh trưởng ở hải ngoại , lại càng mù tịt về những tập tục truyền thống của Tổ tiên, Ông bà chúng ta đối với ngày Tềt cổ truyền. Nói được chừng mô hay chừng đó, nghe bà con ! - 

 

Câu số 4 : Đã định sì-tốp ở đây để…đi nhậu với mây ông bạn già , nhưng hệ thống….an ninh, tình báo thời đại siêu nguyên tử này báo động tùm lum cho hay rằng bà con độc giả khắp nơi yêu cầu Lão Phan mần tiếp chút nữa kẻo không…bà con xuống đường biểu tình loạn cả lên bây giờ… 

A/- Em như cô gái hãy còn xuân, trong trắng oanh chưa lấm bụi trần. Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở. Gái xuân giũ lụa trên sông Vân… Là đoạn mở đầu của bài hát nào ? Tác giả bài hát là ai ? 

B/- Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống . Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…. Là mở đầu của bài hát tên là gì ? Tác giả là ai ? 

C/- Hãy cho biết…chừng 7 bài hát về Xuân ta thường nghe, kèm theo tện tác giả là nhạc sĩ nào ? ( Coi phần trả lời ở ….. ) 

 

 Phần trả lời Câu Đố

Câu số 1 : Mới nghe qua Câu Đố thì bọn cháu, cả con trai lẫn con gái cứ thấy ngon lành quá, cứ tưởng dư sức…qua cầu một cách thoải mái vô tư, ai ngờ cũng phải đi…tra cứu tài liệu ( và có tí ti bấm điện thoại hỏi thêm các bậc đàn anh, đàn chị ) ghê gớm lắm mới có thể trả lời như ri 

1/- Ngày đầu năm âm lịch là ngày lễ gì của dân tộc Việt Nam ? - Là ngày Tết Nguyên Đán 

2/- Tháng 12 Âm lịch gọi là gì ? - Tháng Chạp. 

 3/- Tháng 01 Âm lịch gọi là gì ? - Tháng Giêng. 

 4/- Tết Nguyên Đán nhằm ngày nào của năm Âm lịch ? - Nhằm ngày mồng một tháng Giêng Âm lịch.

 5/- Tên của bốn mùa trong năm là gì ? - Là: Mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu và mùa Đông 

6/- Trong năm lá cây rụng nhiều vào mùa nào? - Lá rụng nhiều vào mùa Thu 

7/- Mùa nào lạnh nhất trong năm ? - Mùa Đông lạnh nhất trong năm 

8/- Mùa nào nóng nhất trong năm ? - Mùa Hạ nóng nhất trong năm 

9/- Hoa mai trưng bày trong ngày Tết có màu gì ? - Màu vàng 

10//- Hạt dưa ngày Tết là hạt dưa gì ? - Hạt dưa hấu 

11/- Bao lì xì màu gì ? - Màu đỏ 

12/- Bánh chưng làm bằng gạo gì ? - Làm bằng gạo nếp 

13/- Câu “Cung chúc tân xuân ” có nghĩa là gì ? - Là Chúc mừng năm mới ! 

14/- Ngày Tết thường có một đoàn múa biểu diễn gọi là gì ? - Múa Lân 

15/- Tên 3 vị Thần tượng trưng cho sự giầu sang, hạnh phúc và sức khỏe, trong dịp Tết nguyên đán là gì ?- Là Phúc , Lộc , Thọ. 

16/- Ruột trái dưa hấu màu gì ? - Màu đỏ 

17/- Bánh chưng hình gì và tượng trưng cho cái gì ? - Bánh chưng hình vuông và tượng trưng cho Đất 

18/- Bánh dầy hình gì và tượng trưng cho cái gì ? - Bánh dầy hình tròn và tượng trưng cho Trời 

19/-Tại sao dân ta dùng bánh dầy và bánh chưng để cúng tổ tiên ? - Để ví công lao Tổ Tiên to lớn như Trời và Đất. 

 20/- Tối 30 Tết, gia đình Việt Nam thường xum họp đông đủ để chuẩn bị đón giao thừa. Vậy giao thừa là gì - Giao thừa là khoảng thời gian giao tiếp giữa năm mới và năm cũ….. 

21-. Sống ở Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt có tổ chức đón mừng Tết không ? Hình thức tổ chức chung chung như thế nào? - Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, Cộng Đồng Việt Nam tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ, tùy theo địa phương và điều kiện, đều có tổ chức Hội chợ Tết và diễn hành ở những đại lộ chính của thành phố.. 

22-.Diễn hành và hội chợ Tết có ý nghĩa như thế nào ?- Diễn hành và Hội chợ Tết là một truyền thống của người Việt sống tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ. Điều đó có ý nghĩa là đem lại niềm vui cho mọi người, giữ được bản sắc và văn hoá dân tộc của người Việt Nam đang sống nơi hải ngoại, nhất là trên đất nước Hoa Kỳ. 

 

Câu số 2 : Tụi cháu mà nói về Ca dao, tục ngữ Việt , về Rồng thì coi bộ …dám chết quá …Thôi cho tụi cháu bấm…Cell phone coi sơ sơ xem ra sao, may ra kiếm được ít chữ, chớ không thì đành chịu thua ở chỗ này quá ! OK! Cho coi sơ sơ …3 phút, 59 giây thôi đấy nghe ! Đây rồi ! Vài câu về ca dao, tục ngữ nói về Rồng đây nè !!! 

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về Rồngt ta thường thấy :

 - Long Cổn: Áo bào của Vua có thêu Rồng, chỉ dùng khi vua thiết dại triều hay tham dự đại lễ -Long đình: Bàn sơn son thiếp vàng, làm giống như cái nhà, dùng để rước sắc chỉ nhà vua (Nha môn chực dưới, long đình đặt trên - Nhị Độ Mai). Long Hạm: Thuyền Rồng của nhà Vua (trên Long Hạm cờ bay phất phới) -Long Hưng: Chỉ sự hưng vượng, quật khởi của nhà vua. -Long Nhan: Mặt của nhà vua được ví như mặt Rồng. Sách sử ký có viết: Cao tổ vi nhân long chuẩn nhi long nhan. Theo đó về sau gọi mặt vua là Long nhan -Long Phi: Chỉ ông vua đang trị vì. -Long Sàng: Giường chạm Rồng nơi Vua ngủ, theo ý nghĩa của câu: Ngự lê hưng khí phốc long sàng. -Long Thể: Mình Rồng để chỉ thân vua (Vóc Rồng thì để hầu vua, vải thô lụa xấu thì chừa cho dân). -Long, Ly, Quy, Phượng: Rồng, Lân, Rùa, chim Phụng: Bốn con vật cao quý, linh thiêng thuộc về thần thoại. -Rồng Bay Phượng Múa: Chỉ hạng người phóng khoáng không gò bó trong cách viết chữ…. Thôi , khó quá, sắp chêt đến nơi rồi… Như rứa đủ chưa ? Được ! Giỏi ! 

 

 Câu số 3 : Do điều kiện ở các khu vực sinh sống của người Việt có khác biệt nên có nhiều cách bày mâm ngũ quả khác nhau ::. 

 - Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hay chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, táo, lê, lê-ki-ma,... Chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc. Nói chung, người miền Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc.

 - Mâm ngũ quả cỉa người miền Nam gồm mãng cầu Xiêm, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung, với ngụ ý "cầu sung (túc) vừa đủ xài". Đôi khi thêm trái dứa ( người Nam gọi là "thơm") và thường là phải có một cặp dưa hấu để riêng bên cạnh. Khác với người Bắc là gia đình người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có chuối (vì âm chuối đọc như "chúi nhủi", ngụ ý thất bại), cam ("quýt làm cam chịu"), lê ("lê lết"), táo (người Nam gọi là "bom"), lựu ("lựu đạn") và không có cả sầu riêng, dù người Nam bình thường rất thích ăn sầu riêng, và không chọn trái có vị đắng, cay. 

4 loại trái cây sau đây thường dùng để bày mâm ngũ quả hay mâm trái cây : 

- Miền Bắc: - Lê - Lựu - Đào - Phật thủ - Táo: táo tây, táo ta, táo tàu - Hồng - Bưởi - Nải chuối - Na / Mãng cầu - Cam, Quýt -

Miền Nam : - Dưa hấu - Sung - Đu đủ - Xoài - Mãng cầu Xiêm - Thơm / Khóm (Dứa) - Dừa - Nho - Sa pô chê (Hồng xiêm)- Thanh long…. Sơ sơ như rứa về mâm ngũ quả coi bộ các cô, các cậu lớn lên ở hải ngoại coi bộ…ngất ngư con tầu đi rồi đó

 

Câu số 4

A/- Em như cô gái hãy còn xuân, trong trắng oanh chưa lấm bụi trần. Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở. Gái xuân giũ lụa trên sông Vân… Là đoạn mở đầu của bài hát nào ? Tác giả bài hát là ai ? - Bài này coi hơi là lạ tí ti đây, không như mấy bài : Ly rượu mừng, Xuân đã về, Đồn vắng chiều xuân… thì mình cũng thuộc chút chút…À…nhớ ra rồi ! Đó là bài…Gái Xuân của Từ Vũ. 

 B/- Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống . Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…. Là phần mở đầu của bài hát tên là gì ? Tác giả là ai ? – Nhớ mãi không ra, bí quá đành bấm phôn cầu cứu mấy tay ca sĩ…Karaoke… Là bản… Xuân và Tuổi Trẻ, Nhạc và lời : La Hối và Thế Lữ…

 C/- 7 bài hát về Xuân ta thường nghe…là : 1/- Đón Xuân của Phạm Đình Chương. 2/- Xuân họp mặt của Văn Phụng . 3/- Xuân và Tuổi Trẻ của La Hối - Thế Lữ 4/- Anh cho em mùa Xuân của Nguyễn Hiền. 5/- Mộng chiều Xuận của Ngọc Bích. 6/- Đồn vắng chiều Xuân của Nguyễn Văn Đông. 7/- Xuân này con sẽ về của Nhật Ngân…..Đủ 7 …món ăn chơi ! 

Giỏi lắm ! Như thế là đáng thưởng cho 1 chầu nhậu “ Ăn chết bỏ “ ở nhà hàng Buffet nào gần nhất ! 

San Diego, ngày…đón Tết Con Rồng, Lão Phan/bất khuất