Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Chuẩn Bị Cho Lúc Nằm Xuống..

Câu "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" giờ đây  đã không còn mấy đúng nữa, tuổi thọ con người ngày nay đã lên đến con số 90 cũng khá bình thường. Nhưng dù có kéo dài đến đâu thì cũng có lúc phải chia tay cõi nhân gian để về với cát bụi. Vậy chúng ta phải chuẩn bị thế nào để ngày ra đi nhẹ cho mình và gọn cho con cháu?

Chúng tôi hiện cũng chưa gọi là già lắm đâu, chỉ mới U70 thôi (xin cho ảo tưởng tí nhé..). Những bạn bè cùng lứa vẫn đang khỏe mạnh iêu đời, và tận hưởng những năm tháng phiá trước, sau khi con cái trưởng thành, nghề nghiệp ổn định, đã thành gia lập thất.

Vài tuần trước gặp nhau trong đám tang con người bạn, nghĩa trang này người Châu Á khá đông. Lúc di quan hạ huyệt, tụi mình đi bộ ngang qua những ngôi mộ mới cũ, trong buổi sớm mai nắng nhẹ, một người bạn đột nhiên nói: Thằng T mua nhà rồi mà chưa chịu dọn vô. Ông xã mình ngạc nhiên quay qua hỏi: Trời! bây giờ mà mua nhà mới chi nữa bạn?. Ý ông là già rồi, ở đâu ở đó chứ mua nhà mới làm chi?. Thế là ông bạn bên cạnh cười lớn chỉ một dãy đất trống ở gần tượng phật Quan âm xa xa..: Kia nè, tụi tui rủ nhau mua nhà bên kia, mua lâu rồi, có đều chưa biết khi nào mới dọn vô thôi.!

Lúc này tôi mới vỡ lẽ là các bạn đã mua sẳn những huyệt mộ gần nhau, cùng một dãy để sau này dù kẻ trước người sau ra đi cũng được nằm gần gủi. Bạn nói xong cả đám phụ họa cười đùa rất nhẹ nhàng, cho thấy các bạn đã có sự chuẩn bị từ sớm, không hề kiêng dè, lo lắng về cái chết trong tương lai.

Thật vậy, ở thế hệ của chúng tôi đã khác nhiều so với bật cha ông trước đây. Các cụ hầu hết rất sợ chết. Không dám nhắc đến chữ "chết", không dám chuẩn bị. Như Ba mẹ tôi, chuyện gì cũng không muốn quyết định, câu nói tôi thường nghe nhất là: chừng nào còn một người rồi tính.. Nhưng không ai lường được những việc thình lình xảy ra, cuộc sống luôn có những bất ngờ không thể đoán trước. Lắm khi trở tay không kịp

 

Câu "sinh lão bịnh tử" là câu nói chung chung về diễn biến cuộc đời. Ai cũng sinh ra, rồi già, rồi bịnh, rồi chết. Ba chữ Sinh, già, chết thật đơn giản nhưng chữ Bịnh luôn là một ẩn số vô cùng nguy hiểm. Ai cũng mong khi về già, bỏ qua được giai đoạn bịnh, được ngủ một giất rồi .. đi luôn. Nhưng mấy ai được phúc đức như vậy?.

 

Nhớ lại khi anh chồng tôi mất, Nhờ trước đó Anh chị đã chuẩn bị chu đáo: mua đất, mua luôn gói tẩm liệm, mọi thứ sẳn sàng nên lúc tang gia bối rối đã có dịch vụ lo giúp khá đầy đủ. Khi chôn cất xong, chị Dâu tôi soạn ra cơ man là quần áo và đồ dùng của anh, chất đầy một cái phòng khách rộng. Chị iêu cầu các anh em xem cái nào xài được thì làm ơn đem về dùng.. chứ toàn đồ tốt bỏ uổng..

Mấy năm sau khi Ba tôi mất, Mẹ về Mỹ sống, tôi có dịp về VN để thu dọn căn nhà. Nhà chỉ có hai người già mà đồ đạt nhiều vô số kể. Toàn đồ mới còn nguyên tem, nguyên nhãn. Con cháu sắm cho, ông bà không dám xài, cứ để dành. Thời gian sau, con cháu tưởng dùng hết rồi, lại gởi cho tiếp. Đợt trước, đợt sau, chất chồng một căn phòng.. khi tôi soạn ra thì đã ố vàng, quá hạn, hư hết..chỉ có nước quăng bỏ, một số ít còn dùng được thì đem cho.

Tôi mất hơn ba ngày hì hục dọn dẹp.

 

Chứng kiến nhiều cũng rút ra được bài học cho riêng mình. Sau đó về nhà chúng tôi bắt đầu dọn dẹp những thứ không cần thiết, từ quần áo, sách vở, đến những cuốn album hình dày cộm nhiều năm trước, khi chưa có những lưu trử gọn gàng trong điện thoại, trên máy tính.. Giờ mấy ai còn ngồi xem lại những hình ảnh cũ theo cách này?.nhiều thứ đã lỗi thời, có giữ lại cũng chẳng làm chi. Ngày nay mọi thứ đã nhanh gọn lẹ..

Làm cách nào mà khi chúng ta rời đi, các con không cần phải soạn ra rất nhiều đồ không dùng tới, không cần thiết để vứt bỏ. Thôi thì chúng ta tự đơn giản chính mình cho nhẹ gánh. Trước sau gì cũng vứt, thì sao mình không vứt trước cho khỏi phiền người ở lại.

Ánh chiều tà dù chói mắt, nhưng cuối cùng rồi cũng tắt. Quẳng gánh nặng, cứ vui vẻ mà sống, thanh thản ra đi khi tới kỳ.. hà tất phải lo nghĩ.

QUINHON11