Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Bạn Có Bận Lắm Không?

Gần ngày Lễ Giáng Sinh ai nấy bận rộn mua sắm quà tặng cho nhau và nấu nướng ăn uống cho buổi cơm tối sum họp gia đình mừng lễ Giáng Sinh.

Thực tế thì ai cũng than rằng mình bận suốt năm suốt tháng. Người trẻ bận lo bon chen trong cuộc sống hằng ngày nơi hảng xưởng, xí nghiệp; người già thì bận “giúp nhau tìm lại niềm vui” trong những buổi họp mặt của các tổ chức dành cho người cao niên.  Chỉ có những cụ già sống âm thầm lặng lẻ nơi những viện dưỡng lão hay sống neo đơn một mình là không bận mà thôi!

Người trẻ người già, người nào cũng có những giây phút bận rộn trong cuộc sống.  Chính những giây phút bận rộn đó đôi khi lại có ích cho đời sống tinh thần và sức khỏe của bạn hơn là “ăn không ngồi rồi” đấy vì người xưa vẫn thường nói “Nhàn cư vi bất thiện” dù rằng có người đã nói: “Bận rộn khiến cho ta không thấy được cái đẹp của người mà ta thương yêu”.

Chữ Nhàn ở trong câu “Nhàn cư vi bất thiện” chỉ sự làm biếng, không thích làmviệc  gì cả, khác với thú hưởng nhàn  tao nhã của các bậc văn nhân trí sĩ như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi đã:

 “Trong lang miếu, ra tài lương đống

Ngoài biên thùy rạch mũi can tương

Làm sao cho bách thế lưu phương

Trước là sĩ, sau là khanh tướng »

Bạn đồng ý chăng ? 

Khi bận rộn với cuộc sống, người già hay người trẻ cũng cần biết sắp xếp thứ tự ưu tiên và giá trị của những sự việc phải làm, để giải quyết  công việc thế nào cho hợp lý và có lợi ích tối đa. Sau đó, cũng phải biết dành thời giờ để nghỉ ngơi, trò chuyện với bạn bè chứ lị.

Xin mời bạn đọc  mẫu chuyện dưới đây để  biết cách giải quyết những cái bận rộn của ta một cách hữu hiệu, bạn nhé:

Cái bình rỗng và hai tách cà phê


Giờ triết học, vị giáo sư già ngồi yên ở bàn với một số đồ lỉnh kỉnh trước mặt. Khi giờ học bắt đầu, giáo sư không nói lời nào mà đặt một cái bình lớn lên trên mặt bàn và đổ đầy vào đó những quả bóng bàn. Sau đó ông hỏi tất cả sinh viên trong lớp và mọi người đều đồng ý rằng cái bình đã đầy.

Tiếp đó, ông giáo sư lấy ra một hộp đầy sỏi nhỏ và đổ chúng vào bình. Ông lắc nhẹ cái bình, sỏi rơi đầy các kẽ hở giữa những quả bóng bàn. Một lần nữa ông hỏi các sinh viên của mình và tất cả đều đồng ý là cái bình đã đầy.

Tiếp tục công việc, vị giáo sư lấy tiếp một cái hộp đựng đầy cát và trút tất cả số cát vào bình. Tất nhiên là cát nhanh chóng lấp đầy những kẽ hở còn lại.

 Thêm một lần nữa giáo sư hỏi cả lớp chiếc bình đã đầy chưa. Lần này, rất quả quyết, đám sinh viên trong lớp khẳng định cái bình không thể chứa thêm một thứ gì nữa.

  Mỉm cười, vị giáo sư ra ngoài lấy hai tách cà phê rồi trút cả vào trong bình. Ðám cát có sẵn nhanh chóng hút hết, và cà phê đã lấp đầy khoảng trống dù rất bé nhỏ giữa những hạt cát.     

- “Nào các trò”, ông giáo sư ngồi xuống ghế và bắt đầu. “Tôi muốn các trò hãy coi cái bình này như cuộc sống của các trò. Những trái bóng bàn kia là những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của các trò: Gia đình, con cái, sức khoẻ, những người bạn và những niềm đam mê. Nếu những thứ đó còn, cuộc sống của các trò vẫn coi như hoàn hảo”.   

Những viên sỏi kia tượng trưng cho những thứ khác trong cuộc sống như công việc, nhà cửa hay xe hơi.    

Cát là đại diện cho những điều vặt vãnh khác. Nếu các trò bỏ cát vào bình đầu tiên, sẽ không còn chỗ trống cho sỏi hay bóng bàn. Cuộc sống cũng thế. Nếu bỏ quá nhiều thời gian, sức lực cho những thứ vặt vãnh, các trò sẽ không còn thời gian cho điều gì quan trọng hơn.    

Những thứ cần quan tâm có thể là những thứ quyết định hạnh phúc của các trò. Ðó có thể là chơi với bọn trẻ, có thể là bỏ thời gian để đến khám bác sĩ định kỳ, có thể là dành thời gian ăn tối cùng gia đình, cũng có khi chỉ là công việc dọn dẹp nhà cửa và tống khứ đi một số thứ không cần thiết.      

Hãy quan tâm đến những trái bóng bàn đầu tiên, những thứ thật sự quan trọng. Hãy biết ưu tiên cái gì đầu tiên. Những thứ còn lại chỉ là cát thôi.    

Có một cánh tay đưa lên và một câu hỏi cho giáo sư: “Vậy cà phê đại diện cho cái gì thưa giáo sư?”

Ông giáo sư mỉm cười: “Tôi rất vui khi trò hỏi câu đó. Cà phê có nghĩa là dù trò có bận rộn với cuộc sống của mình đến đâu thì vẫn luôn có thời gian để đi uống một tách cà phê với bạn bè”.

Hạnh Giải dịch

(Nguồn: Sưu tầm trên internet)

 Mời bạn thưởng thức tách cà phê thơm ngon đầy thiền vị qua youtube do người viết thực hiện dưới đây:

Youtube Tách Cà phê Thiền Vị

 


                                 https://www.youtube.com/watch?v=jFXt4SUApYw 

Người viết thiển nghĩ: bài viết nói trên rất hữu ích cho tất cả mọi người dù ở lứa tuổi nào vì đã giúp ta cân phân nặng nhẹ những việc chúng ta cần phải làm và vui nhất là dù chúng ta có bận rộn đến đâu, chúng ta vẫn có những giây phút nhàn nhã trong cuộc sống là đi uống cà phê với bạn bè.  Bạn thấycó vui chăng?

Lại một năm mới sắp đến, chúng ta lại sẽ bận rộn với những tiệc tùng mừng năm mới, với những chương trình kế hoạch cho năm sắp đến và rồi cũng sẽ lo lắng cho “nhan sắc ngày một tàn phai’ với những “dấu chân chim” trên mí mắt đối với quý bà, với mái tóc “càng ngày càng thưa dần” đối với qúy ông. 

Thế là người viết lại phải ra công tìm tài liệu nào giúp cho quý bạn tuổi ”không còn trẻ nữa” như người viết đọc cho thấy vui vui một tí trong năm mới sắp đến.

May thay, một người người em văn nghệ của người viết từ phương xa. mới gửi đến tôi một tài liệu khá hợp tình hợp cảnh cho tuổi già. Người viết bèn “chôm” ngay để làm món quà chúc năm mới cho quý cụ cao niên nhé.  Thật là “của người phúc ta”.

Lời khuyên cho người cao tuổi

 

3 QUÊN 

Một quên mình tuổi đã già

Sống vui, sống khỏe, lo xa làm gì.

Hai là bệnh tật quên đi

Cuộc đời nó thế, chuyện gì nhọc tâm

Ba quên thù hận cho xong

Ăn ngon ngủ kỹ để lòng thảnh thơi.

 

4 CÓ 

Một nên có một gia đình

Vì không – homeless – người khinh lẽ thường

Hai cần phải có nhà riêng

Đói no cũng chẳng làm phiền dâu con

Ba là trương mục ngân hàng

Ít nhiều tiết kiệm sẽ an tuổi già

Ba cần có bạn gần xa

Tri âm, tri kỷ để mà hàn huyên.

 

5 KHÔNG

Một không vô cớ bán nhà

Dọn vào chung chạ la cà với con

Hai không nhận cháu để trông

Nhớ thì thăm hỏi bà ông, cháu mừng

Ba không cố gắng ở chung

Tiếng chì, tiếng bấc khó lòng tránh đâu

Bốn không từ chối yêu cầu

Ít nhiều quà cáp con, dâu cho mình

Năm không can thiệp nhiệt tình

Đời tư hay việc riêng mình của con.

 

Không thầy đề tên tác giả

(Nguồn: tài liệu do email bạn gửi)

 

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

 

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn-Sương Lam/ngguoiphuongnam