Nếu quan sát kỹ lưỡng, quý vị có thể sẽ thấy ngạc nhiên trước sự khác biệt rõ rệt ở những cụ đang ngấp nghé tuổi 80. Một số cụ bị bệnh quên (hay còn gọi là bệnh lú lẫn, Dementia), nhưng cũng có một số cụ vẫn rất minh mẫn và nhớ rất dai, dù đi đứng đã lọm khọm lắm rồi.
Điều này trái ngược với những định kiến phổ biến về sự lão hóa, rộ lên ngay từ đầu cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 và nhắm vào những ứng viên cao niên như tổng thống Biden. Nhưng thực ra, những định kiến này không phải là mới và cũng không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực chính trị, mà đã tồn tại từ rất lâu và ở khắp mọi nơi. Nhà tâm lý học Laura Carstensen, giám đốc sáng lập Trung tâm Trường Thọ Stanford (Stanford Center on Longevity), cho biết: “Rất nhiều người nghĩ rằng người cao niên đều lẩm cẩm như nhau, và càng già người ta càng trở nên kém cỏi, lú lẫn,” và đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Một nghiên cứu mới cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về trí óc giữa những người cao niên. Ở độ tuổi 40, các hoạt động của trí óc ở hầu hết người bình thường khá là giống nhau. Tuy nhiên, những khác biệt về khả năng sử dụng trí óc giữa mọi người bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 60. Theo bác sĩ John Rowe, giáo sư về chính sách y tế và lão khoa tại Trường Y khoa Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia, khi bước vào tuổi 80, những khác biệt này sẽ trở nên rất rõ ràng. Đúng là sẽ có một số cụ gặp khó khăn với trí nhớ và dễ bị quên trước quên sau, nhưng cũng có nhiều cụ vẫn rất minh mẫn và thuộc hàng “thông thái nhất thế giới” với kinh nghiệm sống phong phú của họ.
Nếu chỉ tập trung vào những cụ có trí óc không còn minh mẫn, tức là chúng ta đã bỏ qua hơn một nửa số người cao niên còn lại. Theo nghiên cứu do giáo sư Rowe dẫn đầu, trong vòng 6 năm sau khi bước sang tuổi 75, khoảng một nửa số người cao niên không có nhiều thay đổi về sức khỏe thể chất và não bộ. Một nghiên cứu khác đã quan sát hơn 2,000 người cao niên với độ tuổi trung bình là 77 trong vòng 16 năm, và phát hiện ra rằng có khoảng 75% không bị bệnh quên hoặc có bị thì cũng rất nhẹ.
Một phần của quá trình lão hóa có liên quan đến di truyền. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 30 % - 50% những thay đổi về thể chất và trí óc trong quá trình lão hóa là do gen di truyền. Tuy nhiên, các yếu tố khác như lối sống lành mạnh và cái nhìn tích cực về bản thân cũng rất quan trọng. Vì vậy, đây là một tin vui vì quý vị có thể kiểm soát phần nào tuổi xế chiều của mình.
Nghiên cứu của giáo sư Rowe cũng đã phá bỏ quan niệm sai lầm rằng già cả chẳng có lợi ích gì. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phát hiện rằng, có nhiều khía cạnh thực sự đúng với câu gừng càng già càng cay,” thí dụ như khả năng giải quyết xung đột. Ngoài ra, thường thì càng có tuổi, người ta càng trầm tính hơn, ít bị cám dỗ và ít đưa ra những quyết định bốc đồng hơn.
Denise Park, một nhà thần kinh học tại Đại học Texas ở Dallas, cho biết khi con người già đi, não bộ cũng sẽ có thay đổi. Não thùy trước (frontal lobe) bị co rút lại và một số tế bào thần kinh bị tổn thương, làm cho quá trình giải quyết thông tin trong bộ não bị chậm lại. Tuy nhiên, sự chậm trễ này thường chỉ ở mức mili giây và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Và để bù đắp, bộ não của người cao niên có thể sử dụng thêm các phần khác, tạo ra những “con đường mới” giúp họ thực hiện các hoạt động như đọc sách, dù không nhanh nhạy như người trẻ nhưng vẫn có hiệu quả.
Câu “gừng càng già càng cay” cũng có cơ sở khoa học đàng hoàng chứ không phải là câu nói suông. Park giải thích: “Các cụ cao niên trải đời nhiều nên biết nhiều thứ lắm.” Nếu ví bộ não là một cái máy tính, thì cái máy tính của các cụ chứa rất nhiều dữ liệu, đó là kinh nghiệm sống họ đã tích lũy cả đời. Các cụ sống lâu, từng trải qua nhiều tình huống, nên các cụ cũng có nhiều kinh nghiệm ứng phó và giải quyết vấn đề tốt hơn so với người trẻ. Và đó là lợi thế lớn của các cụ.
Lợi thế này thường thể hiện rõ trong việc ra quyết định và giải quyết xung đột. Một nghiên cứu được công bố năm 2010 trên Proceedings of the National Academy of Sciences USA, đã yêu cầu hàng trăm người đọc các câu chuyện về xung đột cá nhân và nhóm, và phát hiện ra rằng những người trên 60 tuổi thường xem xét vấn đề từ nhiều góc độ, sẵn sàng thỏa hiệp và chấp nhận rằng hiểu biết của bản thân mình là có hạn.
Nghiên cứu quan sát của Carstensen cũng củng cố cho điều này. Bà cho biết: “Khi người ta đã có tuổi rồi, thì các quyết định mà họ đưa ra thường cân nhắc đến nhiều yếu tố khác nhau và nhiều khía cạnh khác nhau.” Các cụ ít khi nhìn sự việc theo kiểu “không trắng thì đen, không đen thì trắng.” Trong nghiên cứu, thông tin tuổi tác của những người tham gia được ẩn đi, nhưng kết quả cuối cùng cho thấy các cụ ở nhóm cao niên thường đưa ra câu trả lời khôn ngoan hơn, thâm thúy hơn so với những người trẻ tuổi.
Theo Carstensen, “cái khôn” của các cụ đến từ việc họ dần thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ về cuộc sống, để tập trung vào những điều tích cực hơn vì các cụ quá hiểu rằng thời gian của mình không còn nhiều. Nghiên cứu phân tích tổng hợp dữ liệu từ hơn 7,000 người cao niên chỉ ra rằng các cụ thường đón nhận và đối mặt với vấn đề bằng thái độ tích cực, lạc quan hơn so với người trẻ.
Có thể thấy rõ điều này trong thời đại dịch COVID-19. Theo một cuộc khảo sát năm 2020 với gần 1,000 người tham gia, mặc dù thuộc nhóm có nguy cơ bị nhiễm bịnh và tử vong cao, người cao niên lại có thái độ bình tĩnh hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác.
Thực tế mà nói, các bộ phận khác nhau trên cùng một cơ thể sẽ
bị lão hóa với tốc độ khác nhau. Thí dụ, người ta có thể bị loạng choạng khi
leo cầu thang do chân cẳng họ yếu, chứ không phải vì trí óc họ lú lẫn. Chừng
nào mà não bộ còn dẻo dai và khỏe mạnh, thì tuổi tác không phải là trở ngại mà
là lợi thế. Carstensen chia sẻ: “Nói về những quyết định quan trọng, có tầm
cỡ như quyết định của tổng thống chẳng hạn, nếu phải so sánh giữa người có tuổi
và người trẻ tuổi, thì tôi xin đặt niềm tin vào một tổng thống có tuổi.”
Cung Đô biên dịch/nguoiphuongnam