Từ sau khi thực hiện bầu cử dân chủ, hai vị trưởng thôn do người làng Vương tự bầu đều chẳng ra gì. Bị bà con nguyền rủa mắng nhiếc là quan tham, quan ngu. Nhưng đã làm quan thì vẫn phải ngu đầy túi, tham đầy túi rồi mới cúp đuôi về vườn.
Dân làng Vương đều tự trách mình không có mắt, coi kẻ xấu thành người tốt. Đã có bài học của hai lần trước, lần thứ ba bầu cử, dân làng Vương lại càng thận trọng hơn, dứt khoát phải bầu ra viên quan thanh liêm.
Ngày bầu cử, ánh mắt mọi người đều tập trung vào Vương Thực Tại. Anh chàng ngay từ nhỏ đã hiền lành, vui vẻ giúp người, chấp hành nghiêm mọi phép nước lệ làng. Lớn lên, Vương Thực Tại thi đỗ vào trường phổ thông trên huyện. Tốt nghiệp lại trở về làng vừa học vừa làm, bây giờ đã cầm được tấm bằng đại học. Một chàng trai tốt như thế làm trưởng thôn là quá thích đáng. Cuộc bầu cử tiến hành thuận lợi, Vương Thực Tại được bầu làm Trưởng thôn làng Vương. Bà con làng Vương hớn hở: “Làng Vương có quan thanh liêm rồi!”.
Vương Thực Tại hăng hái sôi nổi làm nhiều việc tốt, mở rộng diện tích trồng ngô lai, phổ biến bón phân theo khoa học, cải thiện điều kiện nước ăn cho dân làng, thay đổi tình trạng giao thông của thôn Vương… đều được mọi người hết lời ca ngợi.
Nhưng ngày tháng lâu dần, lời bàn tán về tư cách đạo đức Vương Thực Tại do những kẻ ganh ghét lan truyền ra. Rằng Vương Thực Tại ngày càng ra vẻ quan cách, thấy mọi người không chào hỏi như trước nữa. Bà con chỉ trích: “Anh ta là trưởng thôn, các người có hiểu không? Xưng hô anh anh em em với các người còn ra thể thống gì nữa? Hai trưởng thôn trước chửi bới các người đến tổ tông tám đời, tại sao không nói xấu đi?”.
Rằng Vương Thực Tại phản bội vợ, lăng nhăng với Hội trưởng Hội Phụ nữ. Tận mắt thấy hai người đó “mây mưa” trong phòng ủy ban. Dân làng phản đối: “trưởng thôn Vương làm sao có thể là người như thế? Chắc chắn là vu khống, mà nếu thật có chuyện ấy thì đã sao? Hai trưởng thôn trước còn bỏ cả vợ đấy! Ngày xưa ai làm quan mà chẳng năm thê bảy thiếp”.
Còn có lời đồn Vương Thực Tại ăn chặn tiền công để xây nhà riêng. Dân làng quở trách: “Trưởng thôn Vương lúc nhỏ đến một quả táo của nhà khác cũng không dám hái, bây giờ làm sao lại ăn chặn công quỹ? Anh ta ăn sung mặc sướng hơn một chút thì can hệ chi đến cha mẹ họ”.
Dân làng đưa Vương Thực Tại ngồi lên ghế Trưởng thôn, và sau khi nhận định anh ta là quan thanh liêm thì cho rằng đã tròn việc nên an phận làm dân lành. Khi quyền lực vị trưởng thôn bị động chạm, dân làng không làm ngơ, hăng hái đóng vai người bảo vệ trung thành.
Hai năm sau xảy ra một chuyện bất ngờ. Đội trưởng thầu công trình xây dựng khai Vương Thực Tại đã đòi và nhận hối lộ năm vạn tệ. Đó là những đồng tiền xương máu mồ hôi của nhân dân thôn Vương. Xe Cảnh sát hú còi chạy vào thôn, còng số tám sáng loáng khóa trên cổ tay Vương Thực Tại. Cả thôn Vương chấn động. Ai ai cũng chỉ nói một câu: “Có thể nhầm lẫn bắt sai người không?”.
Cảnh sát giải Vương Thực Tại đi, cuốn bụi mờ mịt mấy dặm đường, để lại phía sau dân làng Vương như một đàn ong đột nhiên mất ong chúa.
– Chó thật! Từ quan thanh liêm biến thành quỷ hút máu người!
– Biến gì mà biến, từ đầu vốn dĩ đã là quỷ rồi.
Hiếu Văn (dịch) / Truyện vui của Lưu Quang Thuận