Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Lòng bao dung

Phật Thích Ca Mâu Ni
Kỳ thực, không có một cách thức nào là chung nhất. Tùy thuộc vào cảnh giới tư tưởng cao hay thấp mà người ta thường có những cách ứng đối khác nhau khi gặp phải những điều vô cớ ấy. Thông thường, mỗi người đều có những cảnh giới tư tưởng khác nhau. Những nhân vật kiệt xuất hay những người tu luyện, trí giả thường thông qua việc tu dưỡng tâm tính của bản thân mà đạt được cảnh giới rất cao, vì thế mà cách ứng xử của họ cũng thật là cao siêu hơn người.
Hãy cùng học hỏi cách ứng đối của bậc trí giả khi bị người khác nhục mạ qua hai câu chuyện lịch sử dưới đây:

Đại thần bị nhục mạ nhưng làm ngơ

Theo sử sách ghi chép lại, đại danh thần triều Tống, Phú Bật, là người rất độ lượng. Khi còn trẻ, từng có người nhục mạ ông nhiều lần nhưng ông đều làm ngơ, chỉ chuyên tâm làm tốt việc của mình, giống như không nghe thấy, không nhìn thấy gì hết.
Một lần, Phú Bật gặp một người nổi tiếng hung hãn, lỗ mãng. Người này vô duyên vô cớ đến nhục mạ, mắng nhiếc, chửi đổng Phú Bật, khiến ai nghe thấy cũng đều khó chịu.
Lúc ấy, người ngồi bên cạnh Phú Bật nói: “Ngài xem, hắn đang chửi ngài đấy!”
Phú Bật cười một cách thản nhiên và nói: “Tôi nghĩ là hắn đang mắng chửi người khác đấy chứ!”
Người bên cạnh lại sốt ruột nói tiếp: “Hắn chửi thẳng tên của ngài đấy!”
Phú Bật vẫn như cũ, không hề biểu lộ ra vẻ gì bất bình, nói: “Ngài xem, trên đời này, người trùng tên, trùng họ có rất nhiều. Cho nên, hắn chửi Phú Bật nhưng chưa chắc đã là chửi ta!”
Người lỗ mãng kia sau khi nghe thấy Phú Bật nói với vẻ “không quan tâm” như vậy thì tự nhiên cảm thấy vô cùng xấu hổ. Cuối cùng ông ta đã tự động rút lui và không nhục mạ Phú Bật nữa.
Nếu như lúc ấy, Phú Bật to tiếng đối chọi lại theo cách “hắn chửi ta một câu, ta đáp trả một câu” thì mâu thuẫn sẽ tăng lên trầm trọng và nguy kịch hơn. Nhưng ông lại dùng tâm thái thản nhiên, xem nhẹ, nhường nhịn đi đối đãi nên đã khiến lửa giận trong lòng đối phương tự nhiên tiêu tan, nghiệt duyên được thiện giải.
Người mà có thể nhẫn nại, có thể nhường nhịn người khác thì đức tự nhiên sẽ lớn. Người mà phàm là gặp chuyện gì cũng không thể nhẫn nhịn thì nhất định là có lòng dạ hẹp hòi. Cho nên, điều khó nhất trên thế gian chính là có thể làm một người nhẫn nhịn, không tranh biện.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã làm gì khi bị sỉ nhục?

Lâm Tắc Từ, một vị quan nổi tiếng thời xưa, cũng viết: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực. Đây cũng là nói đến trí huệ của lòng bao dung.
Bao dung là một loại khí phách, cũng là một loại trí huệ. Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của Tể Tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng quảng đại, rộng lớn bao nhiêu thì sự nghiệp sẽ to lớn bấy nhiêu.
Có một câu chuyện kể về tổng thống vĩ đại của nước Mỹ – Abraham Lincoln như thế này:
Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln xuất thân trong một gia đình thợ giày. Lúc đó, xã hội Mỹ rất coi trọng thành phần xuất thân trong gia đình quyền quý. Đại bộ phận nghị sĩ thượng nghị viện Mỹ đều xuất thân trong gia đình thế gia vọng tộc. Là những người của xã hội thượng lưu Mỹ, họ thấy khó chấp nhận một vị Tổng thống là con trai của một thợ giày rất tầm thường.
Ngày đầu tiên làm tổng thống, ngay khi Lincoln lên phát biểu trong lễ nhậm chức Tổng thống, một nghị sĩ đã chen vào giữa bài phát biểu của ông. Ông ta nói: “Thưa ngài Lincoln, đừng quên rằng cha ngài thường đóng giày cho gia đình tôi.” Tất cả các nghị sĩ đều cười ầm lên. Họ nghĩ rằng họ đã khiến Lincoln trở thành trò hề.
Tuy nhiên, khi tiếng cười vừa chấm dứt, Tổng thống Lincoln không cao ngạo, cũng không tự ti mà chân thành nói: “Thưa ngài, tôi biết rằng cha tôi đã đóng giày cho gia đình ngài, cũng như nhiều gia đình các nghị sĩ khác… bởi vì không người thợ nào có thể làm được như ông. Ông là một người sáng tạo. Giày của ông không chỉ là giày, ông đã đổ cả tâm hồn vào nó. Tôi muốn hỏi các ngài rằng, các ngài đã từng phàn nàn về giày của ông chưa? Bản thân tôi cũng biết cách đóng giày; nếu các ngài có phàn nàn gì, thì tôi có thể đóng cho các ngài một đôi giày khác. Nhưng theo tôi thấy thì, chưa ai từng phàn nàn về những đôi giày mà cha tôi đóng. Ông là một thiên tài, một nhà sáng tạo, và tôi tự hào vì cha tôi!”
Toàn bộ các nghị sĩ nín lặng. Họ nhận ra rằng họ chưa hiểu gì về Tổng thống Lincoln. Lincoln tự hào về người cha đóng giày của mình, vì chưa ai từng phàn nàn về những “tác phẩm” của ông. Và mặc dù đã là Tổng thống, Lincoln vẫn sẵn sàng đóng một đôi giày mới nếu có bất cứ ai phàn nàn.
Sau này có người đã khuyên Lincoln trả đũa người nghị sĩ nọ, nhưng Lincoln nói rằng: “Khi chúng ta trở thành bạn thì đối thủ đã không còn!” Chính sự chân thành và lòng khoan dung của Lincoln đã trở thành một phần nền tảng của văn hóa Mỹ.
Nhà thơ nổi tiếng Gibran từng nói: “Một con người vĩ đại có hai trái tim: Một trái tim chảy máu và một trái tim bao dung”. Khổng Tử nói: “Khoan dung thì được lòng mọi người”. Trong kinh Phật cũng dạy: “Chỉ một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi”. Cho nên, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ để khiến cho người xấu quay đầu hướng thiện.
Lẽ trời cũng là lẽ của con người, chính bởi vì có thể bao dung mới có thể thành tựu được biển rộng, núi cao, cũng cải thiện được mối quan hệ giữa con người và con người, thành tựu được sự nghiệp to lớn lưu mãi ngàn đời của các bậc anh hùng, hào kiệt xưa nay.
Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không ai hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi. Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ chi bằng hãy mở rộng lòng mà bao dung hết thảy, chẳng phải chúng ta sẽ được thản nhiên và tự tại sao?
An Hòa (bài do bạn Mậu Trần giới thiệu)