Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

Dịch COVID 19 đang tăng cao, phải làm sao?


Hiện tại chưa có vaccine phòng ngừa bệnh do virus Corona (COVID-19). Tuy nhiên, nếu biết tự chăm sóc bản thân một cách cẩn thận, đúng cách, và bình tĩnh, mỗi chúng ta sẽ có thể tự bảo vệ mình trong cao trào này của đại dịch một cách hữu hiệu.

Sau đây, là các hướng dẫn của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC), được cập nhật lần chót vào ngày 28 Tháng Mười, 2020 (https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/how-covid-spreads.html).

Cách tốt nhất để không nhiễm bệnh là tránh phơi nhiễm, tiếp xúc (exposed) với virus này.

Virus được cho là lây lan chủ yếu từ người sang người.

COVID-19 lây lan phổ biến nhất khi tiếp xúc gần

-Những người ở gần (trong phạm vi 6 foot) với người mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc trực tiếp với người đó sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

-Khi những người nhiễm COVID-19 ho, hắt hơi, ca hát, trò chuyện hoặc hít thở, họ sẽ tạo ra các giọt bắn từ đường hô hấp. Những giọt bắn này có thể có kích thước từ những giọt lớn (một số giọt có thể nhìn thấy được) đến những giọt nhỏ hơn. Các giọt nhỏ cũng có thể tạo thành các hạt khi chúng khô nhanh trong luồng không khí.

-Lây nhiễm xảy ra chủ yếu do tiếp xúc với các giọt bắn từ đường hô hấp khi một người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19.

-Các giọt bắn từ đường hô hấp gây nhiễm bệnh khi người khác hít vào hoặc các giọt đó đọng lại trên các màng nhầy, chẳng hạn như các màng nhầy bên trong mũi và miệng.

-Khi các giọt bắn từ đường hô hấp từ người nhiễm COVID-19 di chuyển ra xa hơn, mật độ các giọt bắn này sẽ giảm xuống. Các giọt bắn lớn hơn sẽ rơi xuống trong không khí do trọng lực. Các giọt bắn và hạt nhỏ hơn phát tán trong không khí.

-Theo thời gian, số lượng virus lây nhiễm trong các giọt bắn từ đường hô hấp cũng giảm dần.

COVID-19 đôi khi có thể lây lan qua không khí

-Một số lây nhiễm có thể lây lan khi phơi nhiễm với virus ở dạng giọt bắn nhỏ và các hạt nhỏ có thể tồn tại trong không khí từ vài phút đến hàng giờ. Những virus này có thể lây nhiễm sang người ở cách xa người bị nhiễm với khoảng cách hơn 6 foot hoặc sau khi người này rời khỏi chỗ đó.

-Loại lây lan này được gọi là lây truyền qua không khí và là một con đường quan trọng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh lao, bệnh sởi và thủy đậu.

-Có bằng chứng cho thấy trong một số điều kiện nhất định, những người mắc COVID-19 dường như có thể lây nhiễm bệnh sang người khác với khoảng cách xa hơn 6 foot. Sự lây truyền này xảy ra trong không gian kín, không có đủ hệ thống thông gió. Đôi khi người bị nhiễm bệnh đang thở mạnh, chẳng hạn như khi đang ca hát hoặc tập thể dục.

Trong những tình huống đó, các nhà khoa học tin rằng lượng giọt bắn và các hạt nhỏ hơn có thể gây lây nhiễm bệnh do người mắc COVID-19 phát ra, nếu tập trung ở mật độ đủ để lây lan virus sang người khác. Người bị nhiễm bệnh có thể ở trong cùng một không gian trong cùng khoảng thời gian, hoặc ngay sau khi người mắc COVID-19 rời đi.

-Dữ liệu hiện có cho thấy virus gây ra COVID-19 lây lan do tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 phổ biến hơn nhiều so với lây truyền trong không khí.

COVID-19 lây lan ít phổ biến hơn khi tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn

-Các giọt bắn từ đường hô hấp cũng có thể rơi trên các bề mặt và đồ vật. Một người có thể bị nhiễm COVID-19 khi chạm vào bề mặt hoặc đồ vật có dính virus trên đó và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của họ.

-Lây nhiễm do chạm vào các bề mặt không được cho là cách lây truyền phổ biến của COVID-19

-COVID-19 hiếm khi lây lan giữa người và động vật.

Bảo vệ bản thân và người khác

Cách tốt nhất để không nhiễm bệnh là tránh phơi nhiễm với virus này. Ta có thể thực hiện các bước sau đây để làm chậm sự lây lan:

-Duy trì khoảng cách tối thiểu 2 mét (6 foot) với người khác bất cứ khi nào có thể. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

-Che miệng và mũi bằng khẩu trang khi ở gần người khác. Điều này giúp giảm nguy cơ lây lan cả khi tiếp xúc gần và lây truyền qua không khí.

-Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch sát trùng tay có chứa tối thiểu 60% cồn.

-Tránh không gian đông đúc trong nhà và đảm bảo không gian trong nhà có hệ thống thông gió thích hợp bằng cách tăng lưu thông không khí ngoài trời vào trong nhà nhiều nhất có thể. Nói chung, ở không gian ngoài trời và trong không gian có hệ thống thông gió tốt giúp làm giảm nguy cơ tiếp xúc với các giọt bắn từ đường hô hấp có thể gây lây nhiễm bệnh.

-Ở nhà và cách ly với những người khác khi bị bệnh.

-Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt hay chạm vào.

Đại dịch có thể gây căng thẳng, đặc biệt là khi ta phải duy trì khoảng cách và tránh xa với những người khác. Trong thời gian này, điều quan trọng là phải ta cần duy trì các kết nối xã hội và chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch sát trùng tay có chứa tối thiểu 60% cồn. (Hình minh họa: Business Wire)

Rửa tay thường xuyên

-Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong tối thiểu 20 giây đặc biệt là sau khi đến khu vực công cộng hoặc sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.

-Điều đặc biệt quan trọng là cần rửa tay:

+Trước khi ăn hoặc chuẩn bị đồ ăn.

+Trước khi chạm vào mặt.

+Sau khi dùng toa-lét.

+Sau khi rời khỏi khu vực công cộng.

+Sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.

+Sau khi cầm khẩu trang mình đang đeo.

+Sau khi thay tả.

+Sau khi chăm sóc người bệnh.

+Sau khi chạm vào động vật hoặc thú nuôi.

-Nếu không có xà phòng và nước, sử dụng dung dịch sát trùng tay chứa tối thiểu 60% cồn. Xoa dung dịch đều ra toàn bộ bàn tay và chà hai tay vào nhau cho đến khi khô.

-Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.

-Bên trong nhà của mình: Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.

+Nếu có thể, hãy duy trì khoảng cách 2 mét (6 foot) giữa người bị bệnh và những người sống cùng nhà.

-Bên ngoài nhà: Giữ khoảng cách 2 mét (6 foot) với những người không cùng sống trong nhà với mình.

+Hãy nhớ rằng một số người không có triệu chứng có thể có khả năng lây truyền virus.

+Giữ khoảng cách tối thiểu 6 foot (tương đương chiều dài 2 sải tay) với người khác.

+Duy trì khoảng cách với người khác là điều đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao hơn mắc bệnh rất nghiêm trọng (người lớn tuổi và đang bị các bệnh kinh niên khác như tiểu đường, bệnh tim, phổi, ung thư…).

+Ta có thể lây lan COVID-19 cho người khác ngay cả khi ta không cảm thấy mắc bệnh.

+Khẩu trang có thể bảo vệ người khác trong trường hợp ta đang nhiễm bệnh.

+Mọi người nên đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng và khi ở gần những người không sống cùng nhà, đặc biệt khi khó duy trì các biện pháp cách ly giao tiếp xã hội.

+Không nên đeo khẩu trang cho trẻ em dưới 2 tuổi, bất cứ ai bị khó thở, hoặc bất tỉnh, mất khả năng hoặc không thể tự tháo khẩu trang mà không có sự trợ giúp.

+KHÔNG sử dụng khẩu trang dành cho nhân viên y tế. Hiện tại, mặt nạ y tế và mặt nạ N95 là nguồn cung cấp quan trọng cần dành riêng cho nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người ứng phó đầu tiên khác.

+Tiếp tục giữ khoảng cách 6 foot hoặc 2 mét giữa ta và người khác. Đeo khẩu trang không thay thế cho biện pháp cách ly giao tiếp xã hội.

+Luôn luôn che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi hoặc sử dụng bên trong khuỷu tay, và không khạc nhổ.

+Vứt khăn giấy vào thùng rác.

+Ngay lập tức rửa sạch tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có sẵn nước và xà phòng, hãy vệ sinh tay bằng dung dịch sát trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn.

-Vệ sinh và khử trùng những bề mặt thường xuyên tiếp xúc hàng ngày

+Bao gồm bàn, tay nắm cửa, công tắc đèn, mặt kệ bếp, tay nắm, bàn làm việc, điện thoại, bàn phím, toa-lét, vòi nước và bồn rửa…

+Nếu bề mặt bị bẩn, hãy làm sạch chúng. Sử dụng chất tẩy rửa hoặc xà phòng và nước trước khi khử trùng.

+Sau đó, sử dụng chất khử trùng gia dụng. Hầu hết các chất khử trùng gia dụng có đăng ký biểu tượng EPA bên ngoài phổ biến sẽ có hiệu quả.

Cảnh giác với các triệu chứng

Theo dõi sốt, ho, hụt hơi hoặc các triệu chứng khác của COVID-19 như mệt mỏi, đau cơ hoặc đau người, đau đầu, mới mất vị giác hoặc khứu giác, đau họng, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy. Điều này đặc biệt quan trọng nếu ta đang cần phải tiếp tục làm việc ở các môi trường khó có thể giữ khoảng cách 6 foot với người khác.

-Đo thân nhiệt nếu thấy các triệu chứng diễn tiến. Không đo thân nhiệt trong vòng 30 phút sau khi tập thể dục hoặc uống thuốc có thể làm hạ thân nhiệt như acetaminophen (vì kết quả sẽ không chính xác).

-Làm theo hướng dẫn của CDC nếu các triệu chứng tiến triển.

Phòng cúm

Virus cúm và virus gây ra COVID-19 cả hai đều có thể sẽ lây lan vào mùa thu và mùa Đông này. Hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể bị quá tải khi điều trị cả bệnh nhân mắc bệnh cúm và COVID-19. Điều này có nghĩa là tiêm phòng vaccine cúm trong giai đoạn 2020-2021 đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Mặc dù việc tiêm phòng vaccine cúm sẽ không bảo vệ mọi người khỏi lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng, chẳng hạn như:

-Vaccine cúm đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, nhập viện và tử vong.

-Tiêm phòng vaccine cúm cũng có thể giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực lo cho bệnh nhân cúm,  để có thể tập trung vào việc chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19.

 Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng/nguoiviet