Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Những Người Già Ở Đâu ?

Người già nhất thế giới qua đời ở tuổi 117 | VOV.VN


Khi Má tôi đau phải bắt buộc nằm trên giường luôn thì tôi mới nhận thấy ở cái tuổi chín mươi hai của bà là đã già lắm rồi. Bác sĩ nào cũng dè dặt phương pháp chữa trị cho Má. Có một bác sĩ cũng là trong vòng quen biết nói với tôi cứ để bác nghĩ ngơi thoải mái là tốtnhất, chẳng cần chữa trị nữa đâu. Vậy sao, má già vậy sao?

Đầu óc má tôi tuy có lãng quên nhưng vẫn còn tinh tế lắm. Bà vẫn còn nhắc nhở tụi tôi việc này việc nọ. Có lẽ vì thế mà tôi chẳng nghĩ đến tuổi tác của bà. Nhưng từ ngày má tôi đau đến nay, tôi hay để ý thử có thấy người nào lớn tuổi như Má tôi không. Đi mua đồ trong Walmart hay Target tôi hay nhìn xung quanh. Và rõ ràng là tôi không thấy người già đâu cả. Những người đi shopping hay đi chợ ở trạc tuổi ba mươi, bốn mươi, năm mươi, hay sáu mươi như chúng tôi. Hình như tôi không nhìn thấy ai ở tuổi tám mươi nói chi đến chín mươi như Má.

Những người già ở đâu? Lòng tôi phân vân hỏi. Nếu Má tôi còn đây thì họ cũng còn đó chứ? Những người già có lẽ đang nằm trong những nursing homes bên trong căn phòng nhỏ. Ngày tháng mơ màng trôi qua khung cửa và chờ đợi người thân vào thăm. Có phải vậy không? Lòng tôi thắt lại khi nghĩ đến tám mươi, chín mươi năm trong cuộc đời của họ. Như Má tôi đây, bà đã lớn lên trong lịch sử Việt Nam như thời kỳ Pháp thuộc, Việt minh, thời kỳ quân phiệt Nhật và hiệp định chia đôi đất nước. Bà đã lớn lên và buôn bán tảo tần ở một làngquê xa. Lớn lên lập gia đình rồi lại tiếp tục buôn bán tảo tần để nuôi các con ăn học. Bà đã từng quăng chị tôi vào bụi cây từ chiếc xe ngựa bà đi khi con ngựa hoảng sợ nhảy tứ tung trước tiếng máy bay trực thăng. Bà cũng đã từng ẵm con trốn bom trong hầm đào ở dưới đất sau nhà. Cái chín mươi hai năm cuộc đời của bà và của bao nhiêu người già khác là cả một kinh nghiệm sống mà không phải ai cũng có.

Những người già ở đâu? Tôi đang đi kiếm họ bởi vì tôi không tìm thấy họ trong parking lot, ở các nhà hàng, hay ở những bữa tiệc tùng của gia đình. Tôi đi tìm kiếm họ bởi vì tôi không muốn mất họ. Một ngày kia rồi tôi cũng phải đưa Má tôi về Rose Hills nơi mà tôi đã đưa Ba tôi cách đây gần mười năm. Cái năm cậu Bốn tôi mất, mấy chị em bà chung nhau mua đất ở đó hết. Bà sẽ về đó, theo chị em của bà, bay lang thang trên những cụm mây trắng ngang qua thành phố Los Angeles. Chẳng phải cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết, Những Hẹn Hò Từ Nay Khép Lại, Thân Nhẹ Nhàng Như Mây, đó sao?

Tôi nhớ đến những tấm hình chụp vẽ chân dung người già của một hai nhiếp ảnh gia có tiếng. Tấm hình chú trọng đến từng nếp nhăn trên khuôn mặt họ. Có người cười rất ngây thơ như nụ cười của trẻ con. Có người chỉ nhìn một cách im lặng. Những người già trên tấm ảnh đó chắc đã ra đi hết rồi. Nhưng tôi tin rằng họ vẫn còn ở lại đây với ta qua những bãi cỏ xanh có tiếng chân của trẻ con chạy tung tăng. Vẫn còn ở lại đây qua những đứa cháu và bao đời sau của chúng. Họ vẫn còn ở lại đây xung quanh ta qua những lăng miếu, thành quách cũ, con đường đi vào làng quê, tiếng hát, câu hò. Những người già vẫn còn đấy chứ không đi đâu hết. Tôi chưa hề biết mặt nhưng sao thấy họ ở quanh đây thôi. Phải rồi, cái đám ruộng xanh kia cũng đã từng có bàn tay của họ vun xới. Con kênh đưa nước chảy cũng là từ cái sức lao động họ đã bỏ ra. Còn có biết bao nhiêu là điều mà ngày hôm nay tôi đang thừa hưởng được cũng là từ do những người già trước. Má tôi đã góp phần nên. Vậy thì họ không đi đâu hết. Họ vẫn còn ở xung quanh ta mà đôi khi mình phải nhắm mắt lại mới nhìn thấy được.

Tuyết Vân