Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Lý giải dễ hiểu về sóng hấp dẫn

Một vài nhà khoa học đưa ra những lý giải dễ hiểu về sóng hấp dẫn, để giúp các độc giả  hiểu hơn về  sóng hấp dẫn mà Albert Einstein tiên đoán cách đây 100 năm.
 
giai-thich-cho-doc-gia-nho-ve-song-hap-dan
Mô phỏng hai hố đen xoay chuyển và tạo ra các sóng hấp dẫn. Ảnh: Extrem Tech

Theo Guardian, Daniel Holz, nhà vật lý học ở đại học Chigaco, Mỹ đưa ra giải thích như sau về sóng hấp dẫn. Khi ta thả một món đồ chơi, nó rơi xuống đất là do trọng lực, tức lực hấp dẫn của Trái Đất, kéo nó xuống. Ta có thể nhìn thấy nó rơi, nhưng không thể sờ nắm được quá trình nó rơi.

Trong vũ trụ xa xôi, các hố đen có lực hấp dẫn mạnh hơn Trái Đất nhiều lần. Những lực hấp dẫn này mạnh đến nỗi ngay cả ánh sáng, giống như ánh đèn chớp cũng bị nó hút vào và không thể thoát ra. Những hố đen này di chuyển liên tục trong không gian, khi va chạm, chúng sẽ tạo ra những chấn động sóng cực lớn.Alber Einstein đã tiên đoán điều này 100 năm trước, rằng chuyện như thế thường xuyên xảy ra. 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn không biết chắc cho đến khi các nhà khoa học ở Trạm quan sát sóng hấp dẫn bằng tia laser giao thoa (Laser Interferometer Gravitational-Wave Observatory=LIGO) thu được tín hiệu tứ vụ nổ sáp nhập của hai hố đen cách đây 1,3 tỷ năm ánh sáng, chứng minh sóng hấp dẫn có tồn tại.
[ LIGO là hai máy chuyên phát hiện những rung động siêu nhỏ từ sóng hấp dẫn lan truyền. Nó giống như một đôi tai khổng lồ thu tín hiệu ngoài vũ trụ].

Vicky Kalogera, giáo sư vật lý thiên văn học, Đại học Northwestern, Mỹ giải thích rằng, các ngôi sao giống như những quả bóng xoay tròn trong vũ trụ. Khi già đi, chúng chuyển màu đen, biến thành các hố đen. Tuy nhiên, ngay cả khi đã già đi, chúng vẫn xoay chuyển và có thể va vào nhau. Khi va chạm, giống như khi chúng ta nhảy xuống một hồ nước, sẽ tạo ra một vụ chấn động cực lớn, tạo thành các gợn sóng lan khắp hồ.

Fulvio Melia, giáo sư vật lý, toán học và thiên văn học đại học Arizona, Mỹ lại giải thích về sóng hấp dẫn như sau: Khi một con tàu nhấp nhô trên mặt biển, những vật thể nhỏ hơn sẽ nổi lềnh bềnh quanh nó, như là phao cứu sinh hoặc chai nước. 
Vũ trụ cũng như đại dương, còn các hành tinh, ngôi sao và thiên hà giống những con tàu và vật thể ngồi trên bề mặt nó. Mặc dù ta không sờ nắm được, nhưng sóng vũ trụ khiến Trái Đất di chuyển bập bềnh, với biên độ nhỏ. Những con sóng này do lực hấp dẫn gây ra.

Tưởng tượng lực hấp dẫn như một thỏi nam châm, còn mọi thứ trong không gian đều có lực hấp dẫn. Vật thể càng lớn, thỏi nam châm càng lớn. Mặt Trời rất lớn, đủ để hút Trái Đất, còn Trái Đất lại hút Mặt Trăng, chúng cứ thế thu hút lẫn nhau bởi lực hấp dẫn. Lúc này, lực hấp dẫn chính là cánh tay của các vật thể, dùng để ôm ấp những vật thể khác. 

Muốn đo những con sóng này rất khó, tuy nhiên, cách đây 1,3 tỷ năm ánh sáng, có hai ngôi sao chết đã gửi những con sóng đó ra vũ trụ vào khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời chúng, và chúng ta đã tìm thấy nó nhờ máy phát LIGO, theo giáo sư Melia.
Các nhà khoa học ở LIGO ước tính khoảng 1,3 tỷ năm về trước, hai hố đen va chạm ở tốc độ bằng một nửa vận tốc ánh sáng. Sóng hấp dẫn xuyên qua mọi vật thể và băng qua vũ trụ trước khi đến Trái Đất. Sóng hấp dẫn kéo giãn và đè nén không gian xung quanh Trái Đất giống như làm biến dạng miếng thạch.
Các nhà khoa học nghe thấy âm thanh của hai hố đen va vào nhau kéo dài 0,2 giây. Tuy sóng hấp dẫn không phải là sóng âm thanh, tần số mà vụ va chạm phát ra trong 0,001 giây cuối cùng khi hai hố đen ở cách nhau vài kilomet là tần số con người có thể nghe được. Sóng hấp dẫn được phát hiện tháng 9 năm ngoái, nhưng phải đến hôm 11/2, các nhà khoa học LIGO mới chính thức công bố phát hiện này.

Hồng Hạnh-DanTri

Doc them

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/song-hap-dan-co-the-he-lo-nhieu-bi-an-trong-vu-tru-3354541.html