“Già rồi tay chân vụng về, mắt mờ, lỗ tai nghễnh ngãng, đi người ta cười”, mẹ thường trả lời như thế khi con cháu rủ đi du lịch hay đơn giản chỉ là ra nhà hàng làm một bữa cuối tuần với đại gia đình.
Hai cụ đã ngoài 80, mắc một số bệnh của người già như cao huyết áp, tiểu đường..., nhưng bệnh tình chỉ mới trở nặng trong vài ba năm nay. Trước đó, ông bà rất tráng kiện, việc ăn uống, sinh hoạt đều bình thường. Thậm chí, bà còn xỏ kim giúp cô con gái lớn, tức chị gái tôi, mỗi khi chị cần khâu vá lặt vặt trong nhà. Lũ cháu chắt thường hay lấy chuyện này để chọc quê mấy ông cậu, bà dì của chúng, những người mới chỉ ở tuổi trung niên thôi mà mắt mũi đã kèm nhèm.
Tuy nhiên, sự tráng kiện về thể chất và dư dả về tiền bạc không giúp gì nhiều cho ông bà trong việc tận hưởng cuộc sống. Có lẽ, do thói quen đếm số tuổi mà mình có và tự gắn vào đó những chuyện “nên làm”, “không nên làm” theo suy nghĩ cũ nên ông bà gần như lệ thuộc hoàn toàn vào con cháu.
Hai cụ quan niệm, tuổi già vui hay không là nhờ vào con cháu. Thế nên, mỗi khi nằm viện là ông bà muốn 5 đứa con cùng hơn chục đứa cháu phải liên tục tập hợp trong phòng bệnh để thấy mình được quan tâm. Lỡ đứa nào vài ba ngày chưa thấy mặt là ông bà giận dỗi, cho rằng con cháu thờ ơ.
Mấy đứa cháu trong nhà hay nói với nhau, ngán nhất câu “ăn gì cũng được” của ông bà vì mỗi lần như thế là tụi nhỏ phải căng đầu nghĩ coi mua thứ gì, nấu món gì cho hợp ý. Nhưng kết quả cuối cùng thì thường không như ý muốn vì đâu ai biết bữa đó ông bà thực sự muốn ăn gì.
Cả nhà hay “dụ” ông bà đi ra ngoài, đi du lịch, bằng cách rù rì kể những câu chuyện chẳng hạn chuyện nhiều cụ già ở nước ngoài dù phải kè kè bình dưỡng khí vẫn ra công viên thư thái ngắm hoa, tận hưởng không khí trong lành; có những cặp đôi lớn tuổi, chân yếu phải dùng gậy để đi lại nhưng vẫn ung dung lên du thuyền chu du đây đó; hay có những người khỏe hơn nhờ đi học các lớp dưỡng sinh, học những điệu nhảy nhẹ nhàng, đi biển nghỉ ngơi...
“Già rồi ham hố nhảy nhót chi, lỡ té gãy tay chân người ta lại cười cho xấu mặt”, ông bà thường trả lời như thế sau những màn “dụ dỗ”. Tuổi tác cùng những định kiến về tuổi tác vô tình đã trở thành sợi dây cột chặt ông bà vào căn nhà và chiếc ti vi hàng chục năm dài.
Cũng gần như ngang độ tuổi và có cùng điều kiện sống nhưng ông chú của tôi và cậu mợ bên chồng tôi lại khác. Cậu mợ tận hưởng thời gian rảnh rỗi của tuổi già một cách tối đa. Thời gian trong tuần được chia ra để đi tán gẫu với bạn bè, đi bơi và đạp xe đạp chậm... vì cho rằng mấy môn này tốt cho xương khớp của người lớn tuổi. Mấy đứa con cháu chúng tôi thường rất thoải mái vào mỗi kỳ giỗ chạp vì chẳng bao giờ bị mắng nếu lỡ bận quá không về kịp ngày cúng giỗ; nếu ngày giỗ đúng vào ngày làm việc thì ông bà sẽ thắp hương tưởng nhớ tổ tiên rồi chờ đến cuối tuần mới cùng con cháu làm bữa cơm sum họp. Thỉnh thoảng, ông bà tự mua tour đi du lịch với nhau để “ra bên ngoài cho biết”.
Ông chú 90 tuổi cũng có cách sống tương tự. Cụ sống cùng con trai ở Thái Nguyên nhưng vẫn thường đi Sài Gòn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Đồng Nai... để thăm con cái, họ hàng và kết hợp đi du lịch. Con cháu thu xếp được ngày nghỉ thì về quê đón, không thì chỉ cần sắp xếp người đưa đón ở sân bay, nhà ga là ông cụ vui vẻ lên đường. Trong ba lô hay trên đầu giường của ông lúc nào cũng có sẵn những loại thuốc cần thiết cùng ghi chú về liều lượng, giờ giấc uống thuốc, để dùng trong các chuyến đi và phòng khi có chuyện thì các cháu nhỏ cũng biết cách để mà sử dụng.
Có lần bà chị tôi đùa, ông chú già rồi mà “gân” thiệt, có đến 2 cái stent trong tim còn nội tạng thì thứ gì cũng đã “hết hạn bảo hành” rồi mà vẫn tươi roi rói. Tôi nhớ ông cụ trả lời: “Già rồi thì bệnh thôi. Bệnh nhiều thì vô bệnh viện, bệnh ít thì ở nhà uống thuốc, khỏe thì đi chơi. Mình phải tự vui trước thì mới khỏe chứ ngồi mà chờ người khác làm cho mình vui thì mệt lắm đó con”.
Chắc hẳn, tuổi già của cụ thong dong là nhờ vào lối nghĩ đó.
Minh Duy-www.thesaigontimes.vn