Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

Bệnh đến từ vật dụng nhà bếp

Nguy cơ gây bệnh đôi khi không ở đâu xa, mà xuất phát từ chính gian bếp. Dưới đây là một số cảnh báo hữu ích.


MIẾNG BỌT BIỂN RỬA CHÉN

Trong một miếng bọt biển chứa hàng trăm loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau, dù có rửa sạch bao nhiêu lần cũng không thể tiêu diệt được. Trong một báo cáo khác của Charles Gerba – nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ), miếng rửa chén bẩn gấp 200.000 lần bồn cầu và gấp 20.000 khăn lau bếp. Nó là ổ chứa các loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau như coliform, E.coli, Staphylococcus aureus và Campylobacter… làm cơ thể tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa cấp và thậm chí là ung thư. Tốt nhất là sau mỗi lần rửa chén, nên rửa sạch và vắt thật khô rồi treo ở nơi thoáng mát. Nếu miếng bọt biển đã quá cũ thì nên vứt đi, hãy trữ sẵn một lốc để thay mới liên tục mỗi tuần.

CÁC LOẠI CHÉN, ĐĨA GIẢ SỨ

Theo một vài nghiên cứu, những sản phẩm giả sứ đều chứa chì và formaldehyde có hại cho sức khỏe, thậm chí là gây ung thư nếu dùng lâu ngày. Những tác hại này sẽ càng rõ rệt khi đồ sứ chất lượng kém được dùng để đựng đồ ăn nóng, chua và nước hoa quả. Bởi vì nhiệt độ và axit sẽ làm các chất độc trong hoa văn được giải phóng nhanh hơn. Vậy nên, hãy ưu tiên mua các loại phẩm chất cao, dù có đắt tiền một chút nhưng đảm bảo an toàn với sức khỏe.

ĐŨA, THỚT GỖ DÙNG LÂU NGÀY

Hai vật dụng này thường được sử dụng thường xuyên nên dễ bị mài mòn theo thời gian, khiến chúng xuất hiện các vết nứt trên bề mặt. Những phần nứt này sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn và nấm mốc ký sinh, bao gồm cả aflatoxin – một độc tố mạnh tương đương 10 lần kali xyanua và gấp 68 lần so với asen.

Do thớt gỗ dùng để băm chặt thực phẩm nhưng lại thấm hút nước và các loại mùi, dễ tạo mùn, vì thế sau khi sử dụng, nếu không vệ sinh sạch sẽ, phơi khô thì rất dễ bị nấm mốc, tạo mùn theo thức ăn vào cơ thể gây nhiều bệnh hiểm. Vậy nên, cần phải phơi thật khô đũa gỗ và thớt để tránh nấm mốc, tốt nhất là 6 tháng hãy thay mới.

HỘP NHỰA ĐỰNG THỰC PHẨM PHẨM CHẤT KÉM

Nhiều hộp nhựa đều được dán nhãn “an toàn với lò vi ba”, nhưng nếu dùng lâu ngày sẽ xuất hiện những vết xước. Cuối cùng khi hâm nóng đồ ăn lên thì thực phẩm sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc, gây rối loạn nội tiết, ung thư lẫn những vấn đề về sinh sản. Hãy chuyển sang các loại hộp thủy tinh để vừa cất tủ lạnh được mà còn hâm nóng lại an toàn, không sợ bị ngộ độc. Chỉ dùng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không nên dùng quá lâu.

TÔ, CHÉN, DĨA, LY, THAU BẰNG NHỰA

Ngoài chất liệu nhựa, tô, chén, dĩa, ly, thau bằng nhựa còn có các chất phụ gia như chất gia cường, chất chịu thời tiết, chất chống dính, chất chống oxy hóa, bột màu và các chất độn khác. Nếu sử dụng loại nhựa rẻ tiền, nhựa phế liệu, chất độn không đúng tỉ lệ quy định, hoặc sử dụng phụ gia dẻo sai và tỉ lệ từng chất không phù hợp dẫn đến tình trạng sản phẩm có độc tố cao gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Ngoài ra, khói bốc ra từ quá trình chiên xào thức ăn chính là nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh ung thư, đặc biệt là phụ nữ. Khói dầu ăn sinh ra trong lúc nấu nướng chính là nguyên nhân gây ra các bệnh nhuy hiểm về đường hô hấp như: viêm phổi, hen suyễn, ung thư phổi… hay đục thủy tinh thể. Khi nấu nướng ở nhiệt độ càng cao, dầu ăn sinh ra nhiều chất độc hại. Ở nhiệt độ khoảng 100 độ C, các axít béo bắt đầu phân hủy thành nhiều hợp chất có hại. Độc tính của dầu ăn sẽ trở nên mạnh hơn ở mức trên 200 độ C đến mức dầu bốc lửa.

(sưu tầm)