Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị gia tăng kích thước bất thường, gây khó chịu cho bệnh nhân ở khu vực quanh bàng quang, đường tiểu. Đây là bệnh lý thường gặp ở nam giới lớn tuổi, có thể gây ảnh hưởng nhiều tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1. Biểu hiện của phì đại tuyến tiền liệt
Một số biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt là:
- Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân không kiểm soát được nước tiểu nên số lần đi tiểu thường tăng gấp đôi so với bình thường. Hiện tượng tiểu nhiều lần gặp cả vào ban ngày và ban đêm, đặc biệt là thời điểm gần sáng.
- Tiểu són: Bệnh nhân bị tiểu són ra ngoài không kiểm soát được dù thời gian đi vệ sinh cách nhau không lâu. Tình trạng này khiến người bệnh rất bứt rứt, khó chịu.
- Tiểu khó: Bệnh nhân có cảm giác khó đi tiểu ngay mà phải chờ một lúc mới tiểu tiện được. Khi tiểu được, phải cố rặn, nước tiểu thường rất ít, dòng tiểu yếu, đôi khi gây cảm giác buốt khi đi tiểu.
- Tiểu ngắt quãng: Người bệnh đang tiểu thì bị ngắt quãng, tia nước không bắn mạnh mà rỉ từng chút một (do có sỏi trong bàng quang).
- Triệu chứng khác: Đôi khi người bệnh bị buồn tiểu mà không thể nhịn được dù chỉ trong vài phút, khi tiểu xong thấy không thoải mái, vẫn còn cảm giác muốn tiểu, có thể bị tiểu ra máu, nhiễm trùng nước tiểu. Tình trạng tiểu tắc nghẽn kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, buồn ngủ, nôn ói, có các biểu hiện nhiễm độc đường tiết niệu,...
Các triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến thường nặng lên rõ rệt sau những lần đi xa bằng xe đạp, xe máy. Tuy nhiên, vì các triệu chứng thường tiến triển từ từ nên nhiều bệnh nhân quen dần và khó nhận ra bệnh lý của mình.
2. Biến chứng của phì đại tuyến tiền liệt
Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt gây khó tiểu, tiểu không hết, lâu ngày dẫn tới bàng quang phình to hoặc tích tụ vi khuẩn trong bàng quang gây nhiễm khuẩn. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng như:
- Bí tiểu, tiểu ra máu: Người bệnh có cảm giác không thể đi tiểu được, đau dữ dội ở vùng bụng dưới, trường hợp nặng có thể bị tiểu ra máu trong lúc cố gắng đi tiểu.
- Nhiễm khuẩn niệu đạo: Nước tiểu không thoát ra được gây nhiễm khuẩn, dẫn tới các biểu hiện như nước tiểu đục hoặc tiểu buốt.
- Sỏi bàng quang: Tình trạng nhiễm khuẩn nặng, nước tiểu bị ứ đọng trong cơ thể đã tạo thành sỏi, gây tắc nghẽn đường tiểu. Ngoài ra, sỏi chứa nhiều vi khuẩn nên nếu để lâu ngày có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn.
- Suy thận: Nước tiểu không thoát ra được làm tăng áp lực nước tiểu, gây ứ nước, viêm thận, giãn bể thận, lâu ngày có thể dẫn tới viêm cầu thận hoặc suy thận mãn tính.
3. Điều trị phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt được xem là vô hại nếu không gây các triệu chứng khó chịu như tiểu chậm, tiểu khó, tiểu són,... Nếu tình trạng này gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như mất ngủ, mệt mỏi vì phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu thì bệnh nhân cần điều trị ngay.
Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị bệnh gồm: điều trị nội khoa, khi bệnh phì đại tiền liệt tuyến trở nặng, việc điều trị bằng thuốc không có nhiều hiệu quả thì bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ người bệnh cần chú ý cải thiện thói quen sinh hoạt để đẩy lùi bệnh tật, nâng cao sức đề kháng và có một cơ thể khỏe mạnh hơn. Một số lưu ý quan trọng gồm:
- Ăn thực phẩm lành mạnh: Bệnh nhân nên tăng cường bổ sung vào chế độ ăn các loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt, cải xoăn, bông cải xanh, rau bina,... và cà chua, quả mọng, hạnh nhân, rong biển, hạt óc chó,... Chúng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, bảo vệ tuyến tiền liệt trước tác hại của các gốc tự do.
- Thường xuyên vận động: Các bài tập thể dục thể thao, tăng cường cơ bắp sẽ giúp thúc đẩy cơ thể sản sinh nhiều testosterone hơn, chống lại bệnh tật ở tuyến tiền liệt tốt hơn.
- Người bệnh nên tránh uống nhiều nước vào khoảng 3 tiếng trước khi đi ngủ, không uống các đồ uống chứa chất gây lợi tiểu như cà phê, trà, rượu,... Các thức uống này có thể tác động lên cơ bàng quang, kích thích thận làm việc, gây tiểu tiện nhiều lần trong đêm.
- Người bệnh cần chú ý tránh xa tình trạng căng thẳng thần kinh để chống lại bệnh tật.
Tóm lại: Phì đại tuyến tiền liệt là căn bệnh phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Bệnh không khó để điều trị nhưng cần được phát hiện sớm ngay khi có các biểu hiện khác thường về tiểu tiện để được chẩn đoán, điều trị sớm. Đồng thời, mỗi người cần chú ý tới việc thay đổi lối sống để nâng cao sức khỏe tổng quát và ngăn ngừa bệnh tật.