Nhân mùa Phật
Đản kỷ niệm đức Thích Ca giáng trần cứu độ chúng sinh, chúng ta hãy thử
đi tìm Phật. Hầu hết mọi Phật tử đều thuộc lòng lịch sử Phật Thích Ca
giáng sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, trị
vì thành Ca Tỳ La Vệ, nước Ấn Độ bấy giờ; ngài lớn lên lấy vợ, rồi xuất
gia thành đạo, chuyển Pháp Luân cứu độ chúng sinh, nhập Niết Bàn ở vườn
Ta La. Vậy câu hỏi Tìm Phật Ở Đâu thật là dễ, ai cũng trả lời được.
Tượng Phật ở chùa Thái Lan Pha Sorn Kaew, tỉnh Phetchabun.
Nếu
chữ Phật có nghĩa là đức Phật Thích Ca, một vị Phật lịch sử, thì câu
trả lời sẽ là Phật ở Ấn Độ, cách đây hơn 2500 năm. Nhưng nếu Phật đã
nhập Niết Bàn thì làm sao chúng ta tìm gặp Phật được nữa? Và tại sao
kinh điển lại có câu "Phật biến nhất thiết xứ," nghĩa là Phật biến hiện ở
tất cả mọi nơi? Để hiểu rõ danh từ Phật, ngoài cái nhìn lịch sử thông
thường là đức Phật Thích Ca, chúng ta nên vươn tầm mắt vượt qua lịch sử
mà nhìn vào chỗ sâu kín nhiệm mầu mà danh từ ngôn ngữ không đạt đến
được, đó là lý cao siêu của chữ Phật
Phật
là Giác, là thức tỉnh ra khỏi giấc mê, là người đã rũ sạch bụi trần, là
vượt ra ngoài ba cõi, là hiểu biết đến chỗ vô cùng, vô tận, là Toàn Trí
(Omniscient), là xuất hiện khắp nơi (Omnipresent), là giác ngộ giải
thoát, là từ bi hỷ xả, là vô ngã lợi tha, là tình thương, là sự sống...
Nếu những ai đạt đến những đức tính quý báu đó, thực hiện được những
tinh thần cao cả đó thì được tôn xưng là Phật.
Theo
giáo lý nhà Phật thì có rất nhiều Phật: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca,
Phật Dược Sư... nhưng mỗi vị Phật giáo hóa một cõi có nhân duyên với
ngài. Thí dụ như Phật Thích Ca giáo hóa chúng sinh ở cõi Ta Bà, Phật
Dược Sư giáo hóa chúng sinh ở các cõi phương Đông, Phật A Di Đà giáo
hóa chúng sinh ở các cõi phương Tây. Mỗi tam thiên đại thiên thế giới
chỉ có một vị Phật giáo hóa, có chư Bồ Tát và Thiên Long Bát Bộ hộ trì.
Nhưng chính kinh Phật lại nói rõ là Phật biến hiện khắp nơi, có vô số
Phật đồng hiện diện ở các cõi, như vậy có mâu thuẫn không?
Nếu
đứng về Sự mà nói thì mỗi cõi chỉ có một vị Phật giáo hóa, các Phật
khác đều thị hiện làm Bồ Tát, Trời, Rồng, Quỷ, Thần, chúng sinh, sông
núi, cây cỏ... để hộ trì vị Phật kia. Nhưng nếu đứng về Lý mà luận thì
Phật ở khắp nơi, trong mỗi chúng sinh đều có một vị Phật ẩn tàng, đó là
Phật tánh, là Chân Tâm, vì vậy trong kinh có câu: "Tâm, Phật, chúng
sinh, tam vô sai biệt."
Phật
ở ngay trong chúng ta mà ít người biết tới. Theo quan niệm tín ngưỡng
bình dân thì ở hai vai mỗi người lúc nào cũng có hai vị thần ghi chép
những việc lành dữ của chúng sinh gây tạo; hoặc có nhiều vị Phật tử mỗi
khi làm việc gì cũng nói là có đức Phật chứng minh, tin rằng đức Phật có
nghìn mắt, nghìn tai, thấy và nghe tất cả mọi điều. Đó là những hình
thức giản dị mà giới bình dân thường quan niệm, không ngờ lại đúng với ý
nghĩa cao siêu của Phật giáo. Hai vị thần ghi chép hoặc Phật chứng
minh, chính là tượng trưng cho Chân Tâm đã ghi nhận mọi hành động và tư
tưởng lành dữ, chính là A Lại Da Thức đã huân tập chủng tử để rồi khi
thời gian thuận tiện, đủ duyên cho hạt giống nẩy mầm, nhân quả hiển
nhiên, công tội thưởng phạt rõ ràng.
Ngoài cái
lý ẩn tàng sâu kín trong Tâm, chúng ta có thể tìm thấy Phật qua Chánh
Pháp của Phật để lại, vì Pháp chính là Phật. Chánh Pháp mà còn thì Phật
còn, nhưng nếu Chánh Pháp biến thành Tà Pháp, những ý nghĩa cao siêu của
Phật bị diễn tả sai lạc, những lời dạy dỗ của Phật biến thành mê tín dị
đoan thì bóng dáng Phật đã bị vô minh che kín mất rồi. Chính đức Thích
Ca đã căn dặn các đệ tử: "Hãy tuân theo Chánh Pháp mà tu, hãy giữ gìn
giới luật mà sống, thì Như Lai lúc nào cũng gần gụi. Nếu không theo
Chánh Pháp, không giữ giới luật, thì có Như Lai bên cạnh cũng chẳng giúp
được gì.”
Chúng
ta cũng có thể tìm thấy Phật qua hình dáng các vị Cao Tăng tu hành chân
chánh, giới đức tròn đầy; các vị là Trưởng Tử của Như Lai, đại diện cho
Phật để chúng sinh có chỗ quy ngưỡng; nhưng nếu là Kiêu Tăng phạm giới,
không giữ lục hòa, thì Phật sẽ ẩn, ma sẽ hiện. Các vị Kiêu Tăng chính
là người phá Phật, hại Pháp mạnh hơn tà ma ngoại đạo nhiều lắm.
Chúng
ta có thể tìm thấy Phật khắp nơi, chỗ nào có Tình Thương ngự trị, có Từ
Bi Hỷ Xả hiện tiền, có chân lý hiện hữu, là có Phật ở ngay đó. Một
người nào, bất cứ xuất gia hay tại gia, mà trong một khoảng thời gian
phát tâm Bồ Đề, khai mở Chân Tâm, tu hành tinh tấn, thực hành Từ Bi Hỷ
Xả, thì ngay trong phút giây đó, người ấy đã là Phật, vì Phật là Giác.
Nhưng sau phút giây giác ngộ, người ấy trở lại sống tầm thường, ích kỷ
thì Phật lại tiềm ẩn, để chờ cơ hội phát huy. Phật chỉ khác chúng sinh ở
chỗ Phật vĩnh viễn giác ngộ, lúc nào cũng sáng, còn chúng sinh thì chỉ
lòe sáng trong giây phút, rồi lại chìm đắm trong bóng tối vô minh.
Một
hiền phụ hy sinh cơm áo, thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, chẳng ngại đói
rét, nhọc mệt để lo cho các trẻ mồ côi, một lính cứu hỏa xông pha vào
nhà cháy để cứu người bị kẹt, một thanh niên nhảy xuống sông cứu người
chết đuối, một y tá quên mình chữa chạy cho bệnh nhân, một tù nhân cải
tạo chịu đói để chia xẻ nắm cơm cho một người bạn đồng cảnh ngộ... tất
cả những hành động đầy tình thương đó đều là những việc làm của Phật,
của Bồ Tát, và trong giây phút mà Từ Bi Hỷ Xả ngự trị, quên mình (Vô
Ngã) để cứu người (Lợi Tha), thì những vị đó chính là đức Phật Thích
Ca, đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân. Chúng ta chẳng cần tìm Phật ở đâu
xa, ngài luôn luôn ở ngay trong cuộc đời, nhưng chúng ta không thấy, vì
chúng ta chỉ nhìn đời bằng đôi mắt thịt, mà quên sử dụng trí tuệ để quan
sát những gì tiềm ẩn trong hoặc đằng sau những việc làm đó.
Chúng
ta có thể tìm thấy Phật qua sự sống trong tất cả chúng sinh, cầm thú,
thảo mộc. Sự sống đó bàng bạc trong khắp không gian và thời gian, lan
rộng rì rào trong gió, róc rách trong tiếng suối reo, chim hót, hoa nở,
trăng tròn. Sự sống đó chuyển mình trong vũ trụ cao xa cũng như trong
thâm tâm sâu kín. Nếu lắng tai, chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của
sự sống đó, tiếng của Chân Tâm, của Lương Tâm, của Phật. Trong kinh Pháp
Hoa có diễn tả tiếng tằng hắng, tiếng gẩy móng tay của Phật chấn động
cả tam thiên, đại thiên thế giới, chính là tiếng của Chân Tâm, Phật
Tánh vậy. Vì đã thông cảm với sự sống nhiệm mầu nên một vị Thiền sư, mỗi
sáng ra thăm vườn lại vuốt ve những mầm lá xanh tươi và nói: "Một ngày
kia, chúng cũng thành Phật."
Nếu chúng ta chấp
nhận cái lý Phật là sự sống khắp nơi, trong mỗi chúng sinh đều có Phật,
thì chúng ta không còn dám sát sinh nữa, ai dám giết Phật? Đó là lý do
căn bản của giới thứ nhất do đức Phật đặt ra: Giới sát, cấm giết hại
chúng sinh. Phật tử đã không sát sinh mà còn phải lo phóng sinh, cứu
mạng sống cho cầm thú, tôn trọng sinh mạng muôn loài, do đó nên ăn chay,
không làm điều ác, chỉ làm việc lành, giữ thân tâm trong sạch. Vì Phật ở
ngay trong Tâm, một vọng niệm xảy ra là Phật đã biết; nếu chúng ta chấp
nhận Phật ở trong Tâm thì không bao giờ dám có tư tưởng sái quấy. Một
khi tư tưởng sái quấy đã không có thì tất nhiên không còn hành động tội
lỗi nữa. Đó là lợi ích hiển nhiên của cái lý nhiệm mầu: Phật ở khắp nơi.
Đạo
Nho có câu: Thận Kỳ Độc, nghĩa là giữ gìn cẩn thận tư tưởng và hành vi,
ngay khi chỉ có một mình. Vì sao? Đâu phải một mình, còn Trời Phật,
Thánh Thần soi xét, đèn Trời chiếu rõ, không sao chối cãi được. Nho giáo
cũng chủ trương đạo Hiếu, con cái phải hiếu với cha mẹ: Phụ Mẫu tại
đường như Phật tại thế, vì hiếu với cha mẹ tức là phụng sự đức Phật, là
phổ biến Tình Thương, Đạo Phật còn mở rộng Tình Thương từ cha mẹ, anh em
đến mọi loài chúng sinh, nên kinh điển có câu: "Bố thí cho chúng sinh
tức là cúng dường mười phương chư Phật."
Nếu
đem cái lý Phật ở khắp nơi, trong chúng sinh nào, dù là hành khất hay
cầm thú, cũng có Phật thì câu kinh này thành ra quá dễ hiểu. Bố thí tiền
bạc, bố thí tình thương là bớt lòng ích kỷ, là diệt trừ chấp ngã, là
lợi tha, là bình đẳng, là thương yêu giúp đỡ, đó chính là những việc
làm, những đức tính mà đức Phật thường nhấn mạnh, đề cao. Do đó, bố thí
đứng đầu Lục Độ. Mở rộng Tình Thương, khuếch Tiểu Ngã thành Đại Ngã, phá
bỏ mọi ranh giới phân chia giai cấp, chủng tộc, quốc gia, không còn
nhân ngã bỉ thử, không còn tranh chấp hận thù, chỉ có một thực tại đầy
ánh sáng của Giác Ngộ. Đó là đức Phật ở khắp nơi.
Kính
mong chư Phật tử hãy bỏ tư tưởng rằng Phật ở Ấn Độ, ở Chùa, Phật ở
trong tượng, trong ảnh, trong kinh, mà hãy cố gắng tìm Phật hiện diện
trong tất cả muôn loài chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh,
đều có hạt giống Phật. Hãy làm cho hạt giống Phật nẩy mầm, đơm hoa, kết
quả, đừng làm cho hạt giống đó bị vùi lấp, khô cằn. Nếu nơi nào còn
những tội lỗi xấu xa thì hình ảnh của Phật còn bị vô minh che khuất, chỗ
nào mà tình thương phát triển, chân lý hiện tiền thì chỗ đó vô minh bị
diệt, đức Phật hiện ra, hào quang rực rỡ, an lạc tuyệt vời.
(bài do bạn Mậu Trần giới thiệu)