Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Một nhân sinh quan TỐT


Con người ta hình như đến một tuổi nào đó sẽ ngộ ra rằng cuộc đời thật ra chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng rồi như nhau cả. Bạn có thể có một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc hay bạn đã phải lầm than, nghèo túng, khổ đau. Cuối con đường có khác gì nhau đâu. Lúc xuôi tay, quân vương hay kẻ cơ hàn đều là sự giã biệt. Có thể có kẻ sẽ có tiền hô hậu ủng, kèn trống vang trời. Có người bó trong chiếc chiếc chiếu rách đi giữa mưa rơi. Nhưng cả hai đều chẳng còn biết gì, tất cả đều đang làm cho người sống.


Đến một tuổi nào đó, người ra sẽ nghiệm thấy rằng cuộc đời chỉ là con số không to tướng. Sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất hút. Mọi thứ danh vọng chỉ là trò hư ảo. Mọi thứ của cải làm ra cũng chỉ là thứ phù phiếm có rồi mất. Mọi thứ hoan lạc hay khổ ải cũng chỉ là gia vị của cuộc đời. Sinh ra thì phải sống, phải chiến đấu để tồn tại, phải khát vọng để vươn lên. Thế rồi, khi tuổi già đã tới, những bi kịch của tàn phai tác động đến mỗi người, sẽ thấy hoá ra mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân để chạy theo toàn những thứ ảo vọng. Tranh dành nhau cái danh, lấn lướt nhau đoạt lợi. Được danh lợi rồi lại tham vọng nhiều hơn, lớn hơn. Cuối cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, để rồi trắng tay lúc trở về cát bụi.


Đến một thời điểm nào đó của cuộc sống, nhìn lại đọn đường ta đã đi, ta phát hiện ta chỉ để lại lắm điều lầm lỗi. Lầm lỗi với cha mẹ, với những người thân yêu. Lầm lỗi với bạn bè, với xã hội. Lầm lỗi với những người ta đã gặp, những người đã đi qua đời ta. Tất cả đều do cái tôi quá lớn của mỗi người. Không biết quên mình mà chỉ sống cho mình. Do vậy, những suy nghĩ và hành động ích kỷ cứ mãi quẩn quanh để đưa đến lỗi lầm tiếp nối nhau.


 Sống đến tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng tự thắng được mình mới là điều quan trọng. Tuổi trẻ háo thắng chỉ chăm chăm thắng người, hơn người. Cảm thấy tự mãn và sung sướng trong thắng lợi. Có biết đâu rằng cái thắng lợi mình có là cái thất bại và đớn đau cho người khác. Đâu có biết rằng chính cái thắng lợi ấy là chiếc bẫy tiếp theo của cuộc đời mình. Trong mọi hoàn cảnh, tự thắng chính mình là điều khó nhất. Làm được điều đó là ta đã có thể tự hào.


Đến một tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng lắng nghe mới là điều cần thiết. Biết lắng nghe là biết thu thập cả thế giới cho riêng mình. Biết lắng nghe thì mới phân biệt được phải trái phân minh. Biết lắng nghe thì mới có chia sẻ. Muốn lắng nghe thì phải học im lặng. Con người ta chỉ mất vài năm để học nói, nhưng mất cả đời để học im lặng. Im lặng để lắng nghe. Không chỉ lắng nghe ngôn ngữ của con người, ta phải tập lắng nghe tiếng của thiên nhiên, tiếng của cỏ cây, giun dế, của gió, của nắng, của mưa bão. Tiếng sóng vỗ, tiếng chim kêu đều mang lại cho ta những cảm xúc của cuộc đời. Thiếu chúng nó, cuộc đời chỉ là khoảng trống vô vị.


Tới một tuổi nào đó, con người nên đến với thế nhân bằng những nụ cười. Hãy cười với nhau bằng tâm hồn mở tất cả các cửa, với tấm lòng thân thiện. Hãy chào nhau dù chỉ gặp một lần vì biết đâu ngày mai không còn cơ hội để gặp, không còn dịp để gởi nhau nụ cười. Sinh tử là ranh giới mỏng manh. Đời vốn vô thường. Già sẽ đưa đến tật bệnh, bệnh làm cho người ta héo úa, đau đớn khó chịu. Nếu lạc quan và trang bị nụ cười với mọi người, nỗi đau sẽ giảm đi, héo úa sẽ bớt đi, nụ cười chính là son phấn trang điểm cho tuổi già.


Đến một tuổi nào đó, con người sẽ hiểu được rằng điều cơ bản của con người là sự cô đơn. Con người sinh ra một mình và mất đi cũng chỉ một mình. Không ai sống thay ta và cũng chẳng ai chết thay ta. Gia đình, chồng vợ, con cái, bạn bè đều là người thân đấy, nhưng mỗi người có một cuộc sống, mỗi người có mỗi số phận và định mệnh riêng. Do vậy, mỗi người phải tự quyết định đời mình, không chờ đợi một ai có thể thay mình. Trong hành trình sống, con người là một thực thể cô độc, không ai hoán đổi được. Tới tuổi già chính là lúc gặm nhấm nỗi cô đơn nhiều nhất.

Tới một lúc nào đó, người ta hiểu được là sống là để làm cho đủ bốn bổn phận đối với cuộc đời. Bổn phận với quá khứ là trả hiếu với mẹ cha. Bổn phận với tương lai là nuôi dạy con cái. Bổn phận với cuộc sống là giúp đỡ kẻ hoạn nạn, yêu thương mọi người và cuối cùng là bổn phận lấp đầy đời mình bằng tiêu pha, sinh hoạt hàng ngày. Con người làm ra tiền dù ít hay nhiều cũng chỉ quẩn quanh từng đó bổn phận. Có kẻ làm không đủ thì là thiếu trách nhiệm. Thế cho nên làm người là làm tròn bổn phận. Tới tuổi già, làm xong bổn phận ta có thể ung dung để hưởng những ngày còn lại trong sự thanh thản.


Đến một lúc nào đó người ta sẽ có những nuối tiếc. Tiếc vì chưa làm được những điều muốn làm, chưa đến được những nơi muốn đến. Quỹ thời gian không còn, chuyến tàu sầm sập đến hoàng hôn. Chợt giật mình thời gian quá ngắn. Bởi thế nên muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đừng lần lửa. Có ước muốn thì hãy thực hiện, kể cả việc trả thù một ai đó. Nhưng mà nếu tha thứ được thì nên tha thứ, nếu quên được thì nên quên. 


Sống tập quên cái cần quên cũng là một thứ thuốc chữa tâm hồn. Nhớ nhiều chỉ vác nặng. Sống mà mang nặng quá chỉ khổ thân
.

Đỗ Duy Ngọc (bài do bạn Bá Trần giới thiệu)