Bụng là vùng chứa nhiều cơ quan nội tạng và đau là một trong những dấu hiệu cảnh báo các cơ quan này đang gặp vấn đề. Việc xác định vị trí đau bụng cho phép định hướng và chẩn đoán nguyên nhân dễ dàng hơn. Vậy các vùng đau trên bụng nói lên bệnh gì?
Đau bụng là triệu chứng xuất hiện ở khá nhiều bệnh lý
1. Đau bụng dưới có thể do những bệnh lý gì?
Vùng bụng dưới là vùng bụng nằm ở dưới rốn, vị trí bụng này chứa nhiều cơ quan như: niệu quản, ruột thừa, trực tràng, đại tràng, các phần phụ của nữ giới,…
Những bệnh lý liên quan thường gây đau bụng dưới bao gồm:
1.1. Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa thường gây đau âm ỉ hoặc đau nhói dữ dội ở vùng bụng dưới bên phải. Ngoài đau bụng thì người bệnh còn có các triệu chứng như: táo bón, buồn nôn hoặc nôn, nhiễm trùng gây sốt,…
Nếu có những triệu chứng nghi ngờ trên, bệnh nhân cần được cấp cứu sớm để tránh viêm ruột thừa biến chứng thành nhiễm trùng ổ bụng gây tử vong.
1.2. Viêm ruột mạn tính
Đau bụng dưới theo từng cơn, thường xuyên lặp lại và khiến bệnh nhân chán ăn, tiêu chảy, sụt cân, phân có thể chứa máu,… khả năng cao do bệnh viêm ruột mạn tính (Crohn).
1.3. Sỏi thận, sỏi tiết niệu
Người bị sỏi thận hoặc sỏi tiết niệu thỉnh thoảng gây đau âm ỉ, đau vùng bụng dưới kèm theo tình trạng tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu nhiều,…
1.4. Bệnh lý vùng phụ của nữ giới
Vùng bụng dưới của nữ giới có cơ quan sinh sản nên cần cẩn thận với những cơn đau âm ỉ ở vùng bụng này. Những bệnh lý có thể gây ra như: u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung, sảy thai, lạc nội mạc tử cung, viêm buồng trứng, u xơ tử cung,… Ngoài ra, đau cứng phần bụng dưới cũng thường xảy ra khi sắp hoặc đang trong chu kỳ hành kinh mỗi tháng.
1.5. Thoát vị bẹn
Khi một phần ruột bị mắc kẹt trong túi thoát vị khiến việc cấp máu nuôi dưỡng khó khăn và bị chèn ép nên người bệnh thường xuất hiện những cơn đau thắt bụng dưới từng cơn.
2. Bệnh lý gây đau bụng ngang rốn
Vị trí đau bụng ở ngang rốn thường do các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa gây ra như:
2.1. Viêm đại tràng
Viêm đại tràng thường bị nhầm lẫn với hội chứng ruột kích thích do cùng gây ra cơn đau bụng ngang rốn giống nhau. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể xuất hiện một vài triệu chứng như: mót rặn, đau quặn tăng lên khi buồn đi ngoài, đau bụng ngang rốn bên trái, phải hoặc hai bên,…
2.2. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng này là nguyên nhân phổ biến gây ra những cơn đau bụng ngang rốn dai dẳng kèm theo đầy bụng, chướng hơi, đại tiện bất thường,… hay gặp ở bệnh nhân lo lắng, stress.
2.3. Tiêu chảy cấp hoặc ngộ độc
Cần cẩn thận nếu đau bụng đột ngột, dữ dội kèm theo tiêu chảy, mót rặn,… nguyên nhân có thể do ngộ độc thực phẩm cần được cấp cứu sớm.
3. Đau bụng vùng ức hoặc trên rốn do bệnh lý gì?
Phần bụng trên rốn và vùng ức là vị trí của các cơ quan nội tạng như: dạ dày, mật, gan, tụy,… Do đó, nếu cơn đau xuất hiện ở vùng bụng này, cần đi khám để kiểm tra phát hiện sớm nếu do những bệnh lý như:
3.1. Viêm loét dạ dày, tá tràng
Đau bụng trên rốn dưới ức thường do viêm loét dạ dày, tá tràng. Cơn đau có những đặc điểm sau
Đau theo chu kỳ, đau âm ỉ.
Đau tức bụng thường kèm theo rối loạn tiêu hóa
Người bệnh bị đau bụng kéo dài dẫn đến chán ăn, kém hấp thu và gầy sút.
Nếu đau bụng trên rốn xuất hiện cả khi đói và no thì nguyên nhân có thể do viêm dạ dày, còn viêm tá tràng thường chỉ gây đau khi đói.
3.2. Bệnh lý nội tạng
Nếu đau vùng bụng trên rốn, cơn đau thường dữ dội thì khả năng cao do các bệnh lý như: Viêm túi mật, sỏi mật, viêm tụy cấp, viêm gan, ung thư gan,…
3.3. Tắc ruột
Tắc ruột là hội chứng xảy ra khi hơi và dịch tiêu hóa bị tắc nghẽn trong lòng ruột, người bệnh xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội kèm theo táo bón, khó tiêu, khó hấp thu. Ngoài ra, các triệu chứng tắc ruột kèm theo có thể cùng xuất hiện gồm: nôn nhiều, bụng chướng, bí trung tiện
Tùy vào vị trí ruột bị tắc mà cơn đau có thể khác nhau, song đây là bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến thủng hoặc hoại tử một phần ruột. Do đó, người bệnh cần được cấp cứu sớm và can thiệp tránh ruột bị thủng hoặc nhiễm trùng.
Các vùng đau trên bụng nói lên bệnh gì tốt nhất nên đi thăm khám
Đau bụng và dấu hiệu rối loạn tiêu hóa nhẹ khá thường gặp ít gây nghiêm trọng. Ngoài ra còn có thể là dấu hiệu của đau bụng kinh, do lạnh, táo bón,… sẽ thuyên giảm nếu nghỉ ngơi và áp dụng 1 số biện pháp điều trị đơn giản.
Nên đi khám nếu đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng bệnh nghiêm trọng
Tuy nhiên, nếu đau bụng do bệnh lý khi đi kèm với các triệu chứng sau thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để kịp thời điều trị cấp cứu:
Đau bụng dữ dội bên phải
Khả năng cao do viêm ruột thừa cần phẫu thuật sớm để ngăn ngừa vỡ túi viêm ruột thừa gây viêm phúc mạc.
Đau bụng khi mang thai
Đau bụng kèm theo chảy máu khi mang thai có thể là dấu hiệu động thai hoặc sảy thai cần cấp cứu để tránh nguy hiểm đến tính mạng thai và mẹ.
Đau bụng kèm theo nôn mửa nhiều
Tình trạng này có thể gây mất nước trầm trọng thường liên quan đến các bệnh lý tiêu hóa, bệnh nhân cần nhập viện ngay.
(theo medlatec)