Thứ Ba, 1 tháng 7, 2025

Són Tiểu

 Image result for són tiểu

 Són tiểu (tiểu không kiểm soát – urinary incontinence) là tình trạng rò rỉ nước tiểu ngoài ý muốn. Có khi chỉ vài giọt thoát ra khi cười, ho hoặc vận động mạnh; có khi là cơn mắc (buồn) tiểu bất chợt khiến ta không kịp đến nhà vệ sinh. Đây là chứng bệnh không phải của riêng ai – đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, ai cũng có thể gặp phải. Điều đáng mừng là phần lớn các trường hợp đều có thể cải thiện được nếu ta hiểu rõ và điều trị đúng cách.

Phân loại són tiểu

Són tiểu được chia thành nhiều loại, tùy theo lúc và cách nước tiểu bị thoát ra:

– Són tiểu do áp lực (stress incontinence): Nước tiểu thoát ra khi ho, ách xì (hắt hơi), cười, chạy nhảy – nói chung là khi có áp lực lên bàng quang (bọng đái – bladder).

– Són tiểu do thôi thúc (urge incontinence): Cảm giác mắc tiểu đến bất ngờ và mãnh liệt khiến ta không kịp vào nhà vệ sinh.

– Són tiểu do ứ đọng (overflow incontinence): Bọng đái không thải hết nước tiểu nên lúc nào cũng tràn, khiến nước tiểu nhỏ giọt liên tục.

– Són tiểu do giới hạn chức năng (functional incontinence): Thân thể hoặc trí óc có giới hạn, khiến người bệnh không kịp đi tiểu – như người bị liệt, lãng trí, run tay chân v.v.

– Són tiểu hỗn hợp (mixed incontinence): Kết hợp từ hai loại trở lên – thường gặp nhất là vừa bị loại stress vừa bị loại urge.

Cấu tạo và hoạt động của hệ tiết niệu

Nước tiểu được thận tạo ra, chảy qua hai ống niệu quản (ureters) xuống bàng quang – nơi chứa tạm. Khi bàng quang đầy, các dây thần kinh báo lên não. Nếu hoàn cảnh thuận lợi, não truyền lệnh cho các cơ bàng quang co bóp và cơ vòng (sphincter) mở ra, nước tiểu theo ống niệu đạo (urethra) thoát ra ngoài.

Bình thường, cơ vòng và sàn chậu giữ bàng quang ở vị trí ổn định và ngăn không cho rò rỉ. Khi một trong các cơ chế này suy yếu – cơ vòng không còn siết chặt, cơ sàn chậu chùng xuống, hay dây thần kinh truyền tín hiệu sai – nước tiểu có thể thoát ra ngoài không đúng lúc.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tùy loại són tiểu mà nguyên nhân có thể khác nhau:

– Loại stress: Thường gặp ở phụ nữ từng sinh nở, nhất là sinh thường. Khi ấy, sàn chậu bị kéo giãn, cơ vòng yếu đi. Mãn kinh cũng góp phần làm mỏng niêm mạc niệu đạo. Cân nặng dư thừa, ho kinh niên do hút thuốc cũng là thủ phạm.

 – Loại urge: Có thể do nhiễm trùng tiểu, bàng quang tăng hoạt động (overactive bladder), tổn thương thần kinh (tai biến mạch máu não, Parkinson, đa xơ cứng…), tiểu đường.

– Loại overflow: Do tắc nghẽn đường tiểu – như phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới, hoặc cơ bàng quang quá yếu.

– Loại functional: Thấy ở người cao tuổi, lú lẫn, hay khuyết tật vận động.

– Loại hỗn hợp: Thường là kết hợp của hai loại đầu.

Ngoài ra, các yếu tố như tuổi tác, dư cân, di truyền, hút thuốc, uống rượu bia, dùng thuốc lợi tiểu, trầm cảm, táo bón kinh niên… đều làm tăng nguy cơ mắc chứng són tiểu.

Khám và chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, thói quen uống nước, ăn uống, đi tiểu, sinh hoạt, thuốc đang dùng… Sau đó là khám tổng quát, khám phụ khoa (nếu là nữ), hoặc khám tuyến tiền liệt (nếu là nam).

Một số xét nghiệm thường dùng:

– Xét nghiệm nước tiểu: Tìm dấu hiệu nhiễm trùng hay máu trong nước tiểu.

– Nhật ký tiểu tiện: Ghi lại giờ uống nước, giờ đi tiểu, lượng nước tiểu, và các lần bị rò rỉ.

– Đo lượng tồn dư sau tiểu: Để xem bàng quang có hết sach hẳn nước tiểu sau khi đi tiểu không.

– Thử nghiệm urodynamic: Đo áp lực bàng quang và niệu đạo – dùng trong những trường hợp khó chẩn đoán.

Điều trị tại nhà và điều chỉnh lối sống

– Tập cơ sàn chậu (Kegel): Co thắt cơ dùng để ngưng tiểu, giữ 5 giây rồi thả ra. Làm ba lần mỗi ngày, mỗi lần 10 nhịp.

 – Huấn luyện bàng quang: Lên lịch đi tiểu định kỳ, cố gắng trì hoãn khi có cảm giác buồn tiểu (nhưng cũng tránh để cho bàng quang đầy đến mức chạy đến toilet không kịp – không trong lúc tự huấn luyện bàng quang).

– Đi tiểu hai lần: Sau khi tiểu xong, đợi vài phút rồi cố tiểu thêm để làm rỗng hoàn toàn.

– Tránh các chất kích thích bàng quang: Cà phê, rượu, nước có gas, thức ăn cay.

– Giảm cân: Nếu thừa cân, giảm vài ký cũng giúp nhẹ gánh cho bàng quang.

– Ngưng hút thuốc: Giúp giảm ho kéo dài và giảm kích thích bàng quang.

– Đi vệ sinh đúng giờ, giữ lối đi thông thoáng: Giúp người già hay người yếu có thể đến nhà vệ sinh kịp thời.

Thuốc điều trị

Đều là các thuốc cần toa bác sĩ. Không nên xin, mượn thuốc người khác, vì mỗi thuốc đểu có tác dụng phụ và chỉ có thể dùng sau khi bác sĩ thăm khám và thấy thuốc thích hợp và không gây hại cho từng bệnh nhân (không có trường hợp nào hoàn toàn giống nhau)

Thuốc kháng cholinergic: Như oxybutynin, tolterodine – giúp thư giãn cơ bàng quang, giảm thôi thúc.

Thuốc beta-3 agonist: Như mirabegron, vibegron – mở rộng khả năng chứa của bàng quang, ít gây khô miệng hơn.

Thuốc alpha blocker (cho nam giới): Tamsulosin, alfuzosin – làm giãn cơ tuyến tiền liệt và cổ bàng quang, giúp tiểu dễ hơn.

Estrogen tại chỗ (cho phụ nữ sau mãn kinh): Làm niêm mạc niệu đạo và âm đạo khỏe hơn.

Một số thuốc khác: Duloxetine (có thể giúp co cơ vòng), desmopressin (giảm đi tiểu đêm)

Các phương pháp khác

– Vật lý trị liệu: Với chuyên viên hướng dẫn, dùng thêm máy biofeedback nếu cần.

-Kích thích điện: Đưa dòng điện nhẹ vào cơ sàn chậu để giúp tập cơ.

– Dụng cụ hỗ trợ: Pessary đặt trong âm đạo giúp nâng niệu đạo; nút chặn niệu đạo dùng tạm thời.

– Kích thích dây thần kinh: Qua mắt cá (TNS), qua xương cùng (SNS), hay dùng thiết bị cấy dưới da (eCoin).

– Chích Botox vào bàng quang: Giảm co thắt quá mức ở người bị urge incontinence nặng.

– Chích chất làm đầy: Tăng độ kín của niệu đạo – hiệu quả vừa phải, phải làm lại nhiều lần.

– Phẫu thuật: Treo niệu đạo, đặt sling, sửa sa tạng chậu, hay đặt cơ vòng nhân tạo (ở nam giới sau phẫu thuật tiền liệt tuyến).

Phòng ngừa

Giữ cân nặng hợp lý.

Tập cơ sàn chậu định kỳ, nhất là sau sinh.

Uống nước vừa đủ, tránh giữ tiểu quá lâu.

Ăn nhiều chất xơ, tránh táo bón.

Không hút thuốc.

Tập thể dục đều đặn.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu có bệnh mạn tính như tiểu đường, phì đại tiền liệt tuyến.

Những tiến bộ mới

– Vibegron: Thuốc mới giúp thư giãn bàng quang, ít tác dụng phụ.

– Máy kích thích eCoin: Cấy dưới da ở mắt cá chân, giúp điều trị tiểu gấp.

– Laser âm đạo: Dùng cho stress incontinence mức nhẹ, không mổ xẻ.

 – Tế bào gốc: (Vẫn) Đang nghiên cứu để tái tạo cơ vòng niệu đạo.

– Thiết bị điều khiển bằng điện tử: Như InterStim – máy điều chỉnh thần kinh bàng quang, cải tiến nhẹ hơn, dễ dùng hơn.

– Ứng dụng di động: Hướng dẫn tập luyện, nhắc giờ tiểu tiện, tăng hiệu quả điều trị.

 

Són tiểu là bệnh phổ biến, nhưng không phải là bản án chung thân. Ngày nay, với hiểu biết và phương tiện hiện đại, phần lớn người bệnh có thể kiểm soát được triệu chứng, sống thoải mái và tự tin hơn. Nếu có dấu hiệu rò rỉ nước tiểu bất thường, hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ – điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, nhẹ nhàng hơn.

 

 Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng ( bài do bạn Bá Trần giới thiệu)