Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

Nguyên nhân gây táo bón và cách khắc phục


Dù bạn đã cố gắng ăn nhiều rau, ăn nhiều khoai lang nhưng vẫn có lúc "đi cầu" gặp phải khó khăn và không ít đau đớn. Khi đó bắt buộc chúng ta phải tìm đến các loại thuốc chống táo bón để giải thoát khỏi cảm giác cực kỳ "đau khổ" mà hầu như ai cũng phải trải qua một lần trong đời này.

Vậy nguyên nhân gây bệnh táo bón là gì, cách phòng ngừa và chữa trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu để có thể chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình qua bài viết sau.

Nguyên nhân gây bệnh táo bón

Thiếu chất xơ

Chất xơ là loại chất quan trọng giúp ruột và hệ thống tiêu hóa của chúng ta hoạt động tốt.

Nhiều người từ trẻ em tới người lớn không thích ăn rau và loại chúng ra khỏi thực đơn hàng ngày dẫn đến tình trạng thiếu chất xơ khiến phân bị cứng dẫn tới tình trạng táo bón.

Để khắc phục tình trạng này, bạn nên hạn chế thịt, sữa, đạm động vật và tăng cường chất xơ để giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru. Hãy cố gắng bổ sung chất xơ đầy đủ bằng cách ăn nhiều rau, hoa quả trong các bữa ăn hàng ngày.

Không uống đủ nước

Chất xơ hút nước nên nếu bạn nạp quá nhiều chất xơ mà không uống nhiều nước khiến thức ăn nằm lại trong dạ dày lâu hơn và vón lại như "đá cuội" vậy.

Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường chất xơ, chúng ta cần uống đủ nước mỗi ngày giúp chất thải trong đường ruột di chuyển trơn tru.

Lười vận động

Lười vận động khiến hệ tiêu hóa bị trì trệ

Nếu chúng ta ít vận động, ngồi hoặc nằm quá nhiều sẽ khiến ruột và hệ tiêu hóa bị trì trệ hoặc đảo lộn. Hoạt động của ruột sẽ bị chậm đi so với bình thường khiến hệ thống tiêu hóa bị rối loạn, khó tiêu.

Dù đang luyện tập thể thao chăm chỉ nhưng nếu bạn ngừng một thời gian thì vẫn có thể bị táo bón tìm tới như thường. Chính vì vậy, hãy chịu khó đứng dậy, vận động đi lại nhiều hơn nhất là dân văn phòng.

Căng thẳng quá độ

Hệ tiêu hóa là một bộ phận của hệ thống thần kinh trung ương nên mọi thứ diễn ra trong đầu chúng ta sẽ ảnh hưởng tới những gì diễn ra trong đường ruột. Khi bạn ăn uống điều độ, vận động thường xuyên mà vẫn bị táo bón thì có thể bạn đang bị stress. Trạng thái mệt mỏi, tức giận làm tăng huyết áp, nhất là vùng hậu môn gây ảnh hưởng xấu tới các cơ và gây táo bón nặng.

Lời khuyên cho bạn là hãy thư giãn, thả lỏng tinh thần, tránh tức giận quá mức ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa và sức khỏe.

Căng thẳng quá độ có thể gây bệnh táo bón

Đi du lịch

Các món ăn mới là một phần hấp dẫn của những chuyến du lịch, đôi khi hệ tiêu hóa không kịp thích ứng gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. Mặt khác sự thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng khiến quá trình tiêu hóa bị gián đoạn.

Hãy đi du lịch nhưng đừng quên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, và cố giữ cho thói quen sinh hoạt giống ngày thường.

Bệnh mãn tính và lạm dụng thuốc tây

Sử dụng thuốc tây để điều trị một số bệnh mãn tính trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tới hormone, hoạt động co bóp của dạ dày, dây thần kinh xung quanh ruột già... gây ra chứng khó tiêu và táo bón.

Với nguyên nhân này, bệnh táo bón chỉ có thể thuyên giảm khi bệnh mãn tính của giảm và dừng điều trị bằng thuốc tây.

Rối loạn tuyến giáp

Tuyến giáp tiết ra nhiều hormone điều tiết nhiều cơ quan trong cơ thể. Khi tuyến giáp bị rối loạn tiết ra ít hormone có thể gây giảm chức năng đường ruột. Khi đó ruột già cần nhiều thời gian tái hấp thụ các chất cặn bã từ hệ tiêu hóa dẫn đến táo bón.

Nhịn "đi cầu"

Bệnh táo bón không gây nguy hiểm nhưng gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày

Nhiều người vì công việc bận rộn mà thường bỏ qua "tiếng gọi của tự nhiên". Việc này khiến cho cơ quan thụ cảm tự nhiên trong cơ thể dần bị mất khả năng thông báo cho chúng ta đến lúc phải đi giải quyết. Mặt khác, phân ở lâu trong cơ thể sẽ bị hấp thụ hết nước khiến chúng trở nên khô cứng gây ra bệnh táo bón.

Hãy lắng nghe những nhu cầu tự nhiên nhất của cơ thể dù bận rộn thế nào đi nữa.

Tiểu đường

Theo thống kê, có tới 60% người bệnh tiểu đường bị táo bón. Khi lượng đường trong máu quá cao làm giảm lượng nước trong ruột đồng thời khiến hệ thần kinh tự chủ bị tổn thương làm trống rỗng dạ dày, giảm nhu động ruột và dẫn đến tình trạng táo bón ở bệnh nhân.

Rối loạn thần kinh vận động

Chứng xơ cứng, bệnh Parkinson, những chấn thương tủy sống hay đột quỵ đều làm suy giảm chức năng thần kinh, làm cứng các cơ thành ruột, giảm nhu động ruột khiến ruột làm việc kém hiệu quả gây ra táo bón.

Nếu không may mắc một hoặc nhiều rối loạn thần kinh vận động và táo bón hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.

Biến chứng và hậu quả nguy hiểm của táo bón

Táo bón không phải là một căn bệnh nan y nhưng gây nhiều khó chịu, đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu bệnh để lâu mà không chữa trị sẽ gây ra nhiều biến chứng để lại những hậu quả nặng nề.

Đi ngoài ra máu

Niêm mạc ống hậu môn trực tràng dễ bị rách do phân quá rắn.

Nứt khẽ hậu môn

Khi khó đi ngoài, bệnh nhân thường rặn mạnh khiến niêm mạc bị rách, lớp dưới niêm mạc có thể lan tới lớp cơ thắt ống hậu môn. Điều này không chỉ gây ra hiện tượng đi ngoài ra máu mà còn gây đau đớn cho những lần đi ngoài kế tiếp.

Khi bệnh nhân mắc chứng táo bón kéo dài đa số sẽ gây ra bệnh trĩ

Trĩ nội, trĩ ngoại

Táo bón làm gia tăng áp lực xuống vùng hậu môn trực tràng gây ra bệnh trĩ. Chứng táo bón kéo dài khiến búi trĩ ngày càng to ra, mỗi lần đi ngoài thường bị chảy máu.

Viêm ống hậu môn trực tràng - rò hậu môn

Khối phân luôn gây sang chấn gây viêm vùng niêm mạc trực tràng, ống hậu môn tăng nguy cơ gây viêm nhiễm, rò hậu môn...

Tắc ruột

Khối phân rắn tích trữ lâu ngày trong đại trực tràng có thể gây ra hiện tượng bán tắc ruột hoặc ruột ngoài.

Suy kiệt, nhiễm độc hệ tiêu hóa

Phân ứ đọng trong đại trực tràng lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển sinh ra các chất độc hại ngấm vào máu dẫn tới nhiễm độc mãn tính.

Nên duy trì tập thể dục thể thao điều độ hàng ngày để tránh bị táo bón

Tăng nguy cơ bị ung thư hậu môn, trực tràng

Phân của người bệnh táo bón có nhiều chất độc hại và chất gây ung thư như lithocholic acid, deoxycholic acid và các phức hợp nitroso (NOCs) nhiều hơn phân người bình thường. Do nằm lâu trong trực tràng nên thời gian tiếp xúc với niêm mạc trực tràng tăng lên dễ gây ung thư.

Tăng biến chứng cho những bệnh nhân mạn tính

Người cao tuổi, người bệnh cao huyết áp, người có bệnh tim mạch, bệnh tâm phế mãn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu bị bệnh táo bón sẽ rất nguy hiểm. Do phải rặn nhiều khi đi nặng làm tăng áp lực máu, xuất huyết não hoặc tăng nguy cơ tắc mạch máu não...

Tăng nguy cơ viêm ruột thừa

Người mắc bệnh táo bón dễ bị viêm ruột thừa hơn những người bình thường do áp lực trong ruột tăng, phân và dịch bị ứ đọng. Táo bón lâu ngày còn khiến ruột già bị suy yếu, dãn ra tạo các túi thừa đại tràng và tăng nguy cơ thủng ruột.

Cách phòng ngừa bệnh táo bón

  • Tăng cường lượng rau xanh, hoa quả trong thực đơn hàng ngày.
  • Bổ sung cá vào các bữa ăn.
  • Thường xuyên ăn các loại thực phẩm nhuận tràng như khoai lang luộc, chuối chín...
  • Hạn chế tối đa rượu bia, đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp, các đồ ăn cay nóng.
  • Không nên ngồi lâu một chỗ, thường xuyên vận động.
  • Duy trì tập thể dục hàng ngày.

quantrimang