Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Tuổi Già Ngày Nay



Bao nhiêu tuổi được coi là già? Theo các nhà sinh vật học và nhân chủng học, tuổi thọ mà 
con người ngày nay mong đạt tới là 120 tuổi. Như vậy nếu chia đều tuổi thọ ở mức 120, 
thì khi một người bước vào tuổi 60 là đã bắt đầu già. Cụ Tam Nguyển Yên Ðỗ cũng đã viết:
 “Sáu mươi ông đã lão ru mà!”. 



Nhưng có một câu nói của người xưa mà mãi đến khi học lớp tâm lý người cao niên tôi
mới thực sự hiểu phần nào, đó là “một già một trẻ bằng nhau”. Và sự hiểu biết của tôi đã
đi tới kinh nghiệm sống khi tôi làm việc trong chương trình trị liệu người cao niên tại hai
bệnh viện Pacifica ở Huntington Beach và Fountain Valley thuộc Fountain Valley, cũng như
 chương trình nghiên cứu lão hóa ở người cao niên thuộc đại học Irvine, California. 



Xét về ba phương diện thể lý, tâm lý và tâm linh, mối liên hệ tuổi tác qua sự so sánh với cái
 nhìn tâm lý, có những điều tương đồng và những điểm này thực sự cần thiết cho những ai
 đang có ông bà cao niên, cha mẹ già, hoặc cô, chú, bác, anh, chị lớn tuổi cần chăm sóc
 và phụng dưỡng.




Thể lý: 

Về thể lý, cái yếu ớt của người già tương tự như sự yếu ớt của một em bé. Tuy nhiên, ở tuổi 
trẻ những yếu ớt kia đang từ từ được củng cố, và phát triển theo thời gian; ngược lại, sự
 yếu ớt của người lớn tuổi lại từ từ đi xuống cho đến khi sức khỏe thể lý không cho phép họ 
làm được gì nữa. Câu nói xem như diễu cợt: “Ông lão là đứa bé sống lâu” đã trở nên đúng 
khi so sánh về mối tương quan thể lý và phát triển của một đời người. 



Từ sự yếu đuối thể lý dẫn đến những căn bệnh ngặt nghèo mà không ai trong lứa tuổi này
 muốn có. Thân thể, tứ chi và nội tạng như một chiếc máy rệu rạo, hoạt động rất giới hạn. 
Trí thông minh cũng bị hạn chế! 



Những nghiên cứu gần đây cho biết 10% người già 65 tuổi và 50% người già 85 tuổi mắc hội 
chứng lú lẫn (Alzaheimer). Trí thông minh trước đây sắc bén, linh hoạt bao nhiêu thì bây giờ
 đang trở nên lẩn thẩn, chậm chạp và lú lẫn bấy nhiêu. Ðó là những gì mà chúng ta nhìn thấy
 và khảo cứu được. Còn ảnh hưởng rệu rạo, rã rời của thân xác do ảnh hưởng của bệnh tật
 gây ra thì chỉ người cao niên mới thực sự cảm nhận rõ ràng hơn qua khía cạnh tâm lý. 



Tâm lý: 

Tuy nhiên, về mặt tâm lý mới là điều mà chúng ta cần thiết phải quan tâm. Theo tâm lý, người
 cao niên sống với ký ức và hoài niệm của mình. Với tuổi đời chồng chất, trải qua bao thăng
 trầm, vinh nhục, cả một khung trời đầy kỷ niệm ấy, tuổi già là thời gian để người cao niên
 sống lại với những kỷ niệm ấy trong sinh hoạt thường ngày của họ. Ðây là những gì mà họ
cho là rất gần gũi và thực tế đối với họ. Chính ở điềm này nẩy sinh một mâu thuẫn giữa 
quá khứ và hiện tại. Lý trí cho họ biết sức đào thải của thời gian, nhưng thực tế nhiều khi
 không cho phép họ chấp nhận thực tế này.



Cũng từ tâm lý nhìn lại quá khứ tạo nên một quan niệm và lối sống nhiều khi không theo 
kịp với hiện tại. Cái mà tuổi trẻ thường gán cho tuổi già là “cổ hủ”, là “quê mùa” chính là sự
 khác biệt về quan niệm và ảnh hưởng của tâm lý này. 



Bám lấy quá khứ, lo sợ tương lai khiến sự thay đổi lối sống và khả năng hội nhập trở nên khó
 lòng đối với người già. Ðiều này đã dẫn đến thái độ tham quyền cố vị nơi những người có 
chút quyền lực hay địa vị. 



Ðối với người Việt Nam, do ảnh hưởng Nho Giáo, nhiều cha mẹ già còn dành quyền giáo 
dục con cháu, tạo nên nhiều khó khăn trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt, đối với lớp người
 trẻ lớn lên hoặc sinh đẻ tại các quốc gia Âu Mỹ. Sự bất đồng về ngôn ngữ. Sự khác biệt 
văn hóa. Quãng cách tuổi tác là những chướng ngại đang làm cản trở nhiều cho việc hội
 nhập của con cháu vào dòng chính nơi đang sống. 



Ngoài việc người cao niên bị choán ngợp bởi những kỷ niệm của thời gian đã qua. Trí 
nhớ của họ cũng quay về với quá khứ và không chấp nhận những tư liệu, hình ảnh, suy tư 
mới. Khả năng chất xám của họ cũng bị co cụm và sự suy thoái này ảnh hưởng khiến khả
 năng nhớ của tuổi già bị suy thoái và giới hạn. Vì thế, những gì họ mới nghe, mới thấy, và
 mới nói đây chỉ mấy phút sau là quên mất. Ngược lại, họ nhớ rất kỹ những kỷ niệm, những 
chuyện đã xẩy ra trong quá khứ. Tuổi hồi hưu bắt đầu từ 65 ở các nước Âu Mỹ là kết quả 
khảo cứu về khả năng trí tuệ theo thời gian của con người. 



Một trong những lý do gây ra bệnh lú lẫn hay lãng trí là ảnh hưởng tâm lý từ những căng 
thẳng dồn nén tác động bên trong và bên ngoài cuộc sống. Do đó, ảnh hưởng này cũng 
dẫn đến những tâm lý khác thường nơi người cao niên mang hội chứng Alzheimer hay 
rong trường hợp đang tiến tới lão hóa trí tuệ, đó là thái độ hốt hoảng, giận hờn, bất nhất, và
 hay nghi ngờ con cháu trong nhà. Ðây là một trong những điều thường tạo nên nhiều xáo
 trộn trong cuộc sống gia đình. 



Tâm lý người cao niên cũng cần được nhấn mạnh ở mặc cảm tự ti và tự tôn. Hai mặc cảm 
này khiến cho tuổi già đôi khi hành xử rất bất nhất. Một mặt cho rằng mình có nhiều kinh 
nghiệm, hiểu biết, mặt khác lại thu gọn vào con người hiện tại vì cho rằng mình là vô dụng.
 Mặc cảm tự tôn khiến tuổi già thích đóng góp ý kiến, muốn truyền thụ kinh nghiệm và hiểu
 biết cho con cháu. Bởi vì đối với họ, đấy là những kho tàng rất quí giá. Về mặt tự ti, lại 
muốn cư xử như một đứa trẻ thích “nhõng nhẽo” và muốn trở thành “cái đinh” trong gia 
đình, cần được mọi người chú ý. 



Trong những người bệnh nhân cao niên mà chúng tôi chăm sóc khi đến với chương trình 
thì rất lịch lãm, rất dễ thương. Nhưng đàng sau cái lịch sự dễ thương ấy là những gì lè 
nhè, đòi hỏi đến vô lý mà con cháu phải gánh chịu. Có những người hễ con cháu không hỏi 
tới thì khó chịu, và cho rằng chúng bất hiếu, vô ơn, tệ bạc. Nhưng hễ hỏi tới là có chuyện, 
không tiểu ra quần thì cũng rên rẩm đau nhức chỗ này, chỗ khác đòi con cháu đấm bóp,
thuốc men. Ðó là không kể đến nhiều người còn ép buộc con cháu nhân danh lòng hiếu 
thảo phải cung cấp tiền bạc để họ tiếp tục cờ bạc, đỏ đen. Hiện tượng tuổi già Việt Nam ở hải
 ngoại về Việt Nam tục huyền hay tái giá là một tâm lý sống khác thường của tuổi già Việt 
Nam hiện nay. 



Các người cao niên này có biết việc họ làm không? Có. Nhiều người vẫn biết với tuổi 70, cái 
tuổi được gọi là “thất thập cổ lại hy” ấy mà lại đi cưới một cô gái 20 hay 25 tuổi là một
 hành động không mấy được xã hội chấp nhận. Nhưng việc làm này đã nói lên cái tâm lý 
muốn được chú ý. Dĩ nhiên, trong đó cũng có nhu cầu sinh lý như một phần cuộc sống 
người cao niên.



Tâm linh: 

Còn về tâm linh thì sao? Cái tâm lý bám sát quá khứ cũng khiến cho người cao niên trở nên
 cố chấp và máy móc trong sinh hoạt tâm linh của họ. Phải lần 150 kinh Mân Côi mỗi ngày.
 Phải đi lễ mỗi ngày. Phải đọc kinh này, kinh khác mỗi ngày. Nếu như vì lý do nào đó không
làm những việc ấy là mắc tội bỏ đạo, là mất linh hồn... Và điều này khiến cho con cháu rất 
sợ gần gũi ông bà, cha mẹ lớn tuổi và không muốn đề cập đến vấn đề tâm linh với họ. 



Kết luận: 

Vậy là con cháu khi phải lo lắng, săn sóc và giúp đỡ ông bà, cha mẹ và người thân lớn tuổi
 chúng ta phải làm gì? 


1. Chúng ta phải ý thức rằng mình phải rất bình tĩnh và tập cho mình đôi tai “thích” nghe thay
 vì đôi tai “phải” nghe những chuyện quá khứ. Tâm lý tích cực này sẽ giúp chúng ta không
 bị phản ứng khó chịu và bực bội mỗi khi phải nghe những câu chuyện được kể đi, kể lại. 
Hoặc những đòi hỏi mà chúng ta tưởng là không thực tế của những người mà chúng ta
 đang săn sóc và phụng dưỡng.



2. Chấp nhận thực tế. Chúng ta phải chấp nhận điều này là mình sẽ không bao giờ đổi được
 suy tư và lối sống của ông bà, cha mẹ hay người thân cao niên của mình. Không chấp 
nhận tâm lý này sẽ tạo cho chúng ta rất nhiều khó khăn vì bất đồng giữa mình và ông bà,
 cha mẹ, và người thân cao niên. Thực tế đã cho biết, nhiều người chăm sóc người già cả, 
cao niên lại chết trước những người mà họ chăm sóc do sức ép và dồn nén về mặt tâm lý. 



3. Một hiện tượng nữa đang làm cho giới già và trẻ của người Việt hải ngoại gặp những khó
 khăn, đó là truyền thống gia đình và việc gửi cha mẹ, ông bà vào những viện dưỡng lão.
 Mặc dù phần đông con cháu Việt Nam vẫn duy trì việc nuôi dưỡng cha mẹ hay ông bà ở
 nhà, nhưng đây là một điều mà chúng ta cũng cần phải đặt ra để chuẩn bị tâm lý khi phải 
gửi cha mẹ hay ông bà vào viện dưỡng lão. Làm sao giữ trọn đạo hiếu, và làm sao để
 cuộc sống không gặp phải những giằng co, phân rẽ do việc nuôi dưỡng cha mẹ lúc về 
già tại gia đình. 



4. Hơn tất cả, và đây là điều khiến chúng ta phải lưu ý là nhìn tuổi thọ như một hồng ân 
Thiên Chúa ban: “Tuổi già đầu bạc thì đáng kính”. Ðiều này sẽ cho chúng ta một cái nhìn 
tích cực để chu toàn được giới luật “hãy thảo kính cha mẹ”.  


Chính do tình yêu mà họ đem chúng ta vào đời, những người này khi họ đã về chiều và
 không tự mình làm gì để săn sóc cho mình được nữa. Lời Sách Huấn Ca: “Hết lòng tôn trọng
 cha con, và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ con đã sinh ra,
 làm sao báo đền được điều họ cho con.” (Huấn Ca 7, 27-28)

Trần Mỹ Duyệt
http://mancoichihoavn.com