- Nhồi máu cơ tim cùng với đột quỵ vẫn luôn là hai nguyên nhân đứng số 1 và số 2 gây tử vong cho con người trên toàn thế giới. Vào mùa đông giá rét, tỷ lệ người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim lại tăng lên thấy rõ.
Cứ mỗi độ đông về hay Tết đến, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ (Tai biến mạch máu não) và nhồi máu cơ tim tăng lên rõ rệt. Rất nhiều người ra đi hoặc để lại những di chứng nặng nề. Và đến thời điểm này, sau rất nhiều năm thống kê thì nhồi máu cơ tim cùng với đột quỵ vẫn luôn là hai nguyên nhân đứng số 1 và số 2 gây tử vong cho con người trên toàn thế giới.
Dưới đây là lý giải nguyên nhân tại sao tỷ lệ người bị đột quỵ lại tăng lên vào mùa đông, nhất là khi thời tiết lạnh sâu.
Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của chúng ta bị giảm hoặc mất hoàn toàn do mạch máu não bị tắc hoặc bị vỡ, các mô não không nhận được oxy và chất dinh dưỡng
Có hai loại đột quỵ chính theo thương tổn đó là: Thể mạch máu não bị tắc nghẽn (thiếu máu cục bộ)) và thể mạch máu não bị vỡ (Xuất huyết não). Một số người có thể chỉ bị gián đoạn tạm thời lưu lượng máu đến não, gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (Transients Ischemic Attack-TIA), chúng thường không gây ra các triệu chứng lâu dài tuy nhiên đây cũng là "điềm báo" về nguy cơ chúng ta sẽ bị đột quỵ về sau nếu không được dự phòng sớm.
Nhồi máu cơ tim (Heart Attack hay Myocardial Infarction) về cơ chế giống như thể nhồi máu não, tức là các tế bào cơ tim bị thiếu máu cấp tính do mạch nuôi tim (Mạch vành) bị tắc nghẽn, tim bị "chết" một phần hoặc toàn bộ khiến bệnh nhân tử vong rất nhanh.
Vì sao mùa đông tỉ lệ đột quỵ tăng lên?
Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người bị đột quỵ tăng lên trong mùa đông, nhất là khi thời tiết giá rét:
1. Mùa đông cơ thể chúng ta tăng tiết chất Catecholamine làm co mạch, tăng huyết áp
Vào màu đông, cơ thể tăng tiết chất Catecholamine để làm các mạch máu ngoại vi co lại bơ,s nhằm giữ nhiệt cho cơ thể. Khi co mạch thì khiến các vấn đề về huyết áp, tim mạch của mọi người trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ tai biến mạch máu não cao hơn.
2. Tăng độ nhớt (độ quánh) của máu
Mùa đông mọi người ít uống nước, đồng thời cơ thể tăng sản xuất các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) dẫn đến độ quánh của máu tăng lên. Tình trạng này dẫn đến tăng nguy cơ xuất hiện các huyết khối gây tắc mạch máu, dẫn đến nhồi máu não tăng lên.
3. Cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột
Vào mùa đông, cơ thể con người rất dễ rơi vào tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhất là khi bạn vừa ngủ dậy, không mặc đủ ấm đã ra ngoài, tập thể dục; đang trong phòng ấm đi ra ngoài đột ngột, tắm nước lạnh...
Khi cơ thể trong môi trường ấm áp, tập thể thao, ăn uống thì các mạch máu ngoại vi giãn ra. Việc đột ngột ra môi trường lạnh hơn khiến các mạch máu ngoại vi co đột ngột, lượng máu đột ngột dồn vào trung tâm quá nhiều khiến các động mạch chủ chịu áp lực đột ngột, tăng nguy cơ nhồi mạch máu, xuất huyết.
4. Ít vận động thể dục, thể thao
Vào mùa đông, mọi người có xu hướng ít vận động, ngồi nhiều trong khi lại tăng lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Bởi vậy, mùa đông mọi người thường tăng cân nhanh, chỉ số mỡ máu tăng cao hơn, cholesterol tích tụ nhiều hơn và dễ hình thành các cục máu đông và có thể dẫn tới tắc mạch não, xuất huyết não...
Nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp dự phòng thì có thể ngăn ngừa được 80% các trường hợp đột quỵ trong cuộc sống hàng ngày.
9 biện pháp chủ động dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim
Việc DỰ PHÒNG để không cho nó xảy đến là yếu tố quyết định nhất. Vì với hai tổn thương này, khi nó đã xảy ra thì cơ hội cứu sống/chữa lành là vô cùng bé nhỏ, dù nhà bệnh nhân có ở ngay cạnh cổng….viện đi chăng nữa.
Với tổn thương đột quỵ và nhồi máu cơ tim, mỗi người trong chúng ta cần nắm rõ các giải pháp dự phòng và thực hành chúng chính là YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH giúp bảo vệ chính mình, bảo vệ ông bà cha mẹ mình để tránh "những cuộc chia ly trong đường đột".
Dưới đây, là 9 nội dung dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim bác sĩ Khánh khuyến khích mọi người nên thực hiện để tự bảo vệ sức khỏe:
1. Luôn tuân thủ điều trị & kiểm soát đường máu, mỡ máu và huyết áp với những người cao huyết áp, tiểu đường hay tăng mỡ máu. (điều này rất quan trọng.)
2. Xây dựng và duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe hằng ngày như không hút thuốc lá, giảm rượu mạnh, ngủ trước 23h và dậy sớm thể dục (Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, tập yoga, dưỡng sinh, bài tập với bóng gym tại nhà...). Trong các kỳ nghỉ, mọi người hay phá vỡ những thói quen này và rất dễ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Khi chúng ta thể dục thể thao thường xuyên, hệ thống tim mạch được cải thiện, thành mạch máu tăng cường sức bền và những khối xơ vữa cũng được loại bỏ.
3. Tránh những thói quen không tốt trong ăn uống làm tăng nguy cơ bị đột quỵ/nhồi máu cơ tim như ăn quá mặn, ăn nhiều thực phẩm xào-rán-quay-nướng, thịt nguội, xúc xích hay những thực phẩm đóng hộp công nghiệp. Chúng ta nên tạo thói quen ăn sáng đủ đầy, ăn trưa vừa phải và ăn tối ít, thực phẩm thì nên ưu tiên kho nhạt, luộc, hấp, nấu canh, salad.
4. Tránh ngồi lâu 1 tư thế vì rất dễ hình thành những cục huyết khối bắn đi gây tắc mạch não, mạch vành, mạch phổi. Khi ngồi máy bay-ô tô dường dài, ngồi làm việc lâu... Cứ tối đa 60 phút bạn nên rời khỏi vị trí, vận động ép giãn cơ thể, vươn thở, co duỗi tay chân vài phút!
5. Thuốc lá, rượu mạnh, tiểu đường, béo phì, cao huyết áp và bệnh rung nhĩ, loạn nhịp là những nguy cơ "hạng nặng" dẫn đến đột quỵ/nhồi máu cơ tim. Mọi người cần loại bỏ hoặc kiểm soát tốt ngay từ bây giờ.
6. Người có nguy cơ cao bị đột quỵ/nhồi máu cơ tim bao gồm: Tăng cân béo phì, ít vận động thể thao, người bị cao huyết áp-tiểu đường-tăng mỡ máu, người có tiền sử người thân bị tai biến-nhồi máu, người đang chữa ung thư, người bị bệnh thận mạn tính hoặc bị bệnh hệ thống-miễn dịch, phụ nữ có tiền sử bị tiểu đường thai nghén hoặc tiền sản giật, người nằm lâu sau phẫu thuật (thay khớp, phẫu thuật ổ bụng...).
Những ai có một hay nhiều những yếu tố trên nên tạo thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm đặc biệt là khám chuyên khoa tim mạch. Nên chụp cắt lớp khảo sát mạch vành tim, chụp cộng hưởng từ sọ não mạch máu não, siêu âm động mạch cảnh hai bên...để phát hiện sớm những bất thường trong hệ thống mạch máu, nếu cần thiết.
7. Stress là một nguyên nhân lớn dẫn đến đột quỵ/nhồi máu cơ tim. Bởi thế, chúng ta buông bỏ bớt và luôn trân quý từng ngày được sống.
8. Trong mùa đông, nên tránh để cơ thể tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt là đối với người già. Sau khi tỉnh giấc hoặc sau tiệc rượu, đừng vội tung chăn rời khỏi giường hoặc "lao" ra đường ngay. Mọi người luôn xoa lòng bàn tay bàn chân vào nhau hoặc khởi động cơ thể trong chăn 1 lúc trước khi ra ngoài hoặc cần mặc ấm trước khi rời tiệc vì ăn mặc phong phanh rất dễ tai biến. Cứ mỗi mùa Noel và năm mới, trên khắp châu âu luôn có nhiều trường hợp tử vong do rời quán rượu ra về giữa băng tuyết, đặc biệt là vùng Đông Âu.
9. Vô cùng để ý đến những dấu hiệu báo trước dù mơ hồ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn để phát hiện và xử lý kịp thời tai biến-nhồi máu. Chúng bao gồm:
- Đột ngột đau nhức đầu hoặc đang ăn cơm tự nhiên rơi đũa hoặc lắp bắp nói khó (Dấu hiệu của đột quỵ). Chúng ta có thể kiểm tra nhanh thêm những dấu hiệu như bảo người đó nói to chứ "A" với hơi dài, hoặc bảo thè lưỡi, huýt sáo...Nếu lưỡi lệch 1 bên, khó khăn khi huýt sáo, méo miệng, không nói tròn vành chữa A... Cần liên hệ xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến viện nhanh nhất có thể. Chủ động chụp cắt lớp vi tính sọ não-cộng hưởng từ sọ não để phát hiện sớm những thương tổn. Vì với bệnh lý này, thà chụp không có gì còn hơn theo dõi chưa chụp mà làm mất đi thời gian vàng trong xử trí.
- Hồi hộp đánh trống ngực, kích thích vã mồ hôi kèm đau thắt ngực trái, cơn đau có thể lan sau lưng hoặc lan lên vai trái... thì cần nghĩ đến nhồi máu cơ tim. Việc cần làm là để bệnh nhân nằm yên nghỉ ngơi tránh lo lắng gắng sức và gọi nhân viên y tế ngay.
- Năm hết, tết đến... mọi người thường ngại đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi có những dấu hiệu ban đầu nghi ngờ rất ngại gọi nhân viên y tế. Nhưng : "Đó chính là sai lầm chết người vì trong bệnh lý đột quỵ/nhồi máu cơ tim... THỜI GIAN LÀ VÀNG!".
BS. Trần Quốc Khánh/nguoiphuongnam