Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Vì sao đột quỵ hay xảy ra vào mùa đông

Vì sao đột quỵ hay xảy ra vào mùa đông: Hiểu rõ nguyên nhân và 6 cách phòng tránh hiệu quả

Đột quỵ có tỉ lệ tử vong cao và thường xảy đến đột ngột đặc biệt là vào mùa đông khi thời tiết chuyển lạnh.

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong tại Việt Nam. 

Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Số còn lại may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Sở dĩ mùa đông là mùa có tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ cao là do thời tiết chuyển lạnh, chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời tương đối lớn. Điều này khiến cơ thể con người dễ bị kích thích bởi không khí lạnh dẫn đến co thắt mao mạch toàn cơ thể, gia tăng sức cản ngoại vi của tuần hoàn máu khiến huyết áp tăng, tiểu cầu cũng dễ bị ngưng kết, tạo thành huyết khối, từ đó làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ. Ngoài ra, việc giảm khả năng thích ứng, thường xuyên chịu áp lực, căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Làm thế nào để ngăn ngừa đột quỵ mùa đông?

1. Giữ ấm

Vào mùa đông, cần chú ý giữ ấm và tránh để cơ thể nhiễm lạnh vì nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ, gây ra các bệnh về tim mạch và mạch máu não. Vào mùa đông nên hạn chế ra ngoài trời lạnh quá lâu. Nếu phải ra ngoài thì có thể đội mũ, đeo găng tay để tránh bị gió lạnh kích thích. Trước khi ra ngoài có thể tắt máy sưởi và không để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá nhiều với nhiệt độ ngoài trời tránh cho cơ thể không thích ứng kịp.

2. Kiểm soát huyết áp

Đối với bệnh nhân cao huyết áp, cần kiểm soát huyết áp hết mức có thể, vì huyết áp cao có thể gây đột quỵ. Theo giới y khoa Hoa Kỳ, việc chú ý điều trị và phòng tránh bệnh cao huyết áp có thể giảm tỷ lệ đột quỵ xuống hơn 50%. Người mắc bệnh huyết áp cao nên uống thuốc đúng giờ theo yêu cầu của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc, thay thuốc, giữ huyết áp ổn định, đo huyết áp thường xuyên, ghi lại diễn biến huyết áp và đi khám bệnh nếu huyết áp có những biến động bất thường.

Vì sao đột quỵ hay xảy ra vào mùa đông: Hiểu rõ nguyên nhân và 6 cách phòng tránh hiệu quả - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Kiểm tra huyết áp giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ

3. Kiểm soát cholesterol

Cholesterol cao cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến đột quỵ... Lượng cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và gián tiếp gây ra đột quỵ. Cholesterol tăng nhẹ có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên, nếu cholesterol cao thì cần phải kết hợp điều trị thêm bằng thuốc.

4. Kiểm soát lượng đường trong máu

Tiểu đường là bệnh chuyển hóa, cũng là một trong những căn bệnh làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, sau 30 tuổi là thời điểm mọi người nên chủ động kiểm soát đường huyết của bản thân và có chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì lường đường huyết ổn định.

5. Chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ. Mọi người nên hạn chế ăn mặn và ăn ít chất béo. Lượng muối nạp vào cơ thể hàng ngày nên giữ từ 3 - 6g, nên ăn càng ít chất béo càng tốt (khoảng dưới 25g). Nên bổ sung nhiều trái cây và rau quả vào trong chế độ ăn để tăng cường hấp thụ chất xơ.

Vì sao đột quỵ hay xảy ra vào mùa đông: Hiểu rõ nguyên nhân và 6 cách phòng tránh hiệu quả - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ

Trong các loại rau củ quả và trái cây chứa hàm lượng vitamin phong phú có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể. Mà sự gia tăng các gốc tự do làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và gây ra đột quỵ

Ngoài ra, các loại rau củ quả cũng rất giàu chất xơ. Hàng ngày, ăn một lượng chất xơ hòa tan từ rau củ quả có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu từ 3% đến 5%, từ đó giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Rau củ và trái cây tươi rất giàu chất dinh dưỡng như kali, magie và axit folic. Kali có tác dụng bảo vệ mạch máu và đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ huyết áp. Magie còn có tác dụng giảm cholesterol và làm giãn nở mạch máu ngăn ngừa các bệnh về mạch máu não.

Vì vậy, một chế độ ăn hoàn hảo giúp phòng tránh đột quỵ chỉ đơn giản là ăn ít thịt, ít đường, ít muối, ít mỡ và nhiều chất xơ từ các loại rau củ quả.

5. Ngừng hút thuốc và uống rượu

Trong quá trình hút thuốc, các chất độc hại có trong thuốc lá hay khói thuốc sẽ bám vào nội mạc mạch máu khiến mạch máu ngày càng mỏng, lâu dần có thể dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, những người có thói quen hút thuốc lá lâu năm nên tập cai thuốc lá để giảm nguy cơ đột quỵ.

Ngoài việc hút thuốc thì uống rượu quá nhiều cũng sẽ kích thích các mạch máu, ảnh hưởng đến khả năng co giãn của mạch máu. Lâu dần có thể dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ, vì vậy những người có thói quen nhậu nhẹt thường xuyên cũng nên cai rượu kịp thời để tránh làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ.

6. Thói quen sinh hoạt

- Hạn chế thức khuya, sắp xếp làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài khiến cơ thể lâm vào trạng thái kiệt sức.

- Tập thể dục thường xuyên ngay cả trong mùa đông lạnh giá. Việc tập thể dục mỗi ngày không chỉ giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể mà đồng thời còn giúp ngăn ngừa xơ cứng động mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện tình trạng thiếu máu lên não.

Tuy nhiên, cần lưu ý không nên tập thể dục quá sớm vào mùa đông, cố gắng tập vào khung giờ 7 - 9 giờ sáng, vì lúc này thời tiết sẽ ấm hơn chút, từ đó giảm bớt sự kích thích của gió lạnh. Ngoài ra cũng cần lưu ý, chỉ nên tập những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, tránh tập gắng sức gây hại cho sức khỏe.

Tóm lại, hiện nay tình trạng tai biến mạch máu não đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, tốt nhất mỗi chúng ta nên chú ý duy trì một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý để phòng tránh đột quỵ. Ngoài ra, nếu cơ thể có những dấu hiệu lạ thì mọi người cũng nên đến bệnh viện thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh gây ra thiệt hại về sức khỏe không đáng có.

Nguồn: Health/Baidu, Jianke/soha

**********