Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

6 biện pháp bảo vệ cơ quan hô hấp trong mùa đông đại địch Covid-19

6 biện pháp bảo vệ cơ quan hô hấp trong mùa đông đại địch Covid-19

Vào mùa đông xuân, tỷ lệ viêm đường hô hấp tăng gấp 2 – 3 lần so với mùa hè và trong dịch bệnh Covid-19 thì việc bảo vệ cơ quan hô hấp của bản thân càng quan trọng hơn.

Trong thời gian qua đã xẩy ra nhiểu ca bệnh viêm đường hô hấp trên do virus, vi khuẩn. Có nhiều đứa trẻ được bố mẹ cho đi kiểm tra vì cháu cứ ho và hắt xì hơi vào buổi sáng, đến trưa ấm lên là hết, thậm chí còn có trẻ chảy nước mũi. Có trẻ thì vào khám trong tình trạng mũi đặc sệt kèm theo sốt cao, đã loại trừ Covid-19.

Theo chuyên gia viêm đường hô hấp chủ yếu do virus và vi khuẩn gây nên, thông thường các triệu chứng viêm đường hô hấp trên thường không nặng và diễn biến tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp sức đề kháng kém như người bệnh mạn tính, trẻ nhỏ, người cao tuổi… bệnh có thể gây biến chứng xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi.

Covid-19 cũng do virus gây ra nhưng cần phân biệt dấu hiệu với Covid-19. Bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thường có triệu chứng sốt trên 38oC, đau họng, ho kèm nặng ngực khó thở. Một số trường hợp giảm khứu giác, giảm vị giác... và các triệu chứng này thường xuất hiện muộn sau đôi ba ngày nhiễm. Tuy nhiên, đôi khi người nhiễm không có triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ thì thường dễ bị nhầm là cảm cúm thông thường.

Hiện nay người dân đã có thể tự xét nghiệm tại nhà để sàng lọc. Khi không phải Covid-19 mà có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên kéo dài, người dân cần tới các cơ sở y tế kiểm tra tránh viêm chuyển nặng sang biến chứng hoặc xâm nhập vào các bộ phận hô hấp sâu như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi xoang.

6 biện pháp bảo vệ cơ quan hô hấp trong mùa đông đại địch Covid-19

Những biện pháp sau rất có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm viêm đường hô hấp trong mùa đông chính là cách: Ngăn chặn sự xâm nhập virus, vi khuẩn từ bên ngoài:

Thứ nhất,  cần thực hiện nghiêm túc 5K; Luôn lau sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật tiếp xúc hàng ngày.

Thứ hai, bảo vệ niêm mạc vùng hầu họng: Uống đủ nước (tối thiểu 2 lít nước/ngày). Giữ ẩm mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, súc họng bằng các dung dịch vệ sinh họng sáng, tối. Đặc biệt là buổi tối cần súc sạch để loại bỏ các bụi, vi khuẩn trong ngày để làm sạch cơ quan hô hấp trên. Khi thời tiết chuyển sang mùa hè thì các bệnh đường hô hấp sẽ giảm hơn.

Thứ ba, giữ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh: Ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng miễn dịch: rau xanh và trái cây giàu vitamin và chất khoáng (Vitamin A giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn; vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng, giảm triệu chứng viêm; vitamin D giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch; vitamin E giúp giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp, hỗ trợ miễn dịch và kháng thể; Kẽm giúp duy trì hệ miễn dịch; Selen giúp nâng cao hệ miễn dịch...). Đặc biệt, có nhiều người quan niệm chỉ cần ăn đủ rau, đủ thịt cá là được, nhưng nếu không bổ sung thêm vi chất thì sẽ không đủ sức đề kháng để chống chọi lại virus, vi khuẩn.

Thứ tư, giữ cơ thể ấm cũng là biện pháp tốt đề phòng các bệnh tai mũi họng. Khi cơ thể bị lạnh sẽ dễ dẫn đến viêm nhiễm mũi họng, viêm phế quản – phổi... làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19 hoặc nếu đã nhiễm Covid-19 sẽ dễ tiến triển nặng.

 Thứ năm, khuyến khích vận động: thường xuyên tập thể dục, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Vận động bằng cách leo cầu thang hoặc có thể chạy bộ trên máy, tập yoga… để nâng cao sức khỏe.

 Thứ sáu, mọi người nên giữ tâm trạng luôn thư giãn, thoải mái. Đây cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến hệ miễn dịch, đồng thời hãy luôn nhớ phải ngủ đủ giấc. Vì mất ngủ sẽ khiến hệ miễn dịch suy yếu làm cho virus, vi khuẩn dễ tấn công cơ thể.

(theo soha.vn)