Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Bệnh Suyễn


Suyễn (asthma) là bệnh kinh niên hành nhiều người. Tại Mỹ, cứ 100 người, có 4-5 người bị suyễn (4-5%), tiền bạc đổ ra để chữa suyễn không ít.

Suyễn xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng tới thăm người trẻ nhiều hơn. Khoảng nửa số người bệnh suyễn bắt đầu có triệu chứng trước 10 tuổi. Với trẻ con, suyễn là bệnh kinh niên xảy ra nhiều nhất.
Cơ chế chính gây suyễn là sự nhạy cảm quá đáng (hypersensitivity) của hệ thống các ống phổi. Thí dụ, vào mùa xuân, một người bình thường tha hồ thưởng thức cái thay hình đổi dạng của trời đất, nhìn ngắm cây cỏ thay áo mới, hít thở một không khí mới sau mùa đông ảm đạm. Nhưng nhiều người bị suyễn, khi hít thở khí xuân, trong đó có những bông phấn (pollens) bay ra từ cây cỏ, ống phổi nhạy ứng, lập tức co thắt lại, và cơn suyễn xảy ra. Nhiều chất gây nhạy ứng (gọi là allergens) có thể làm đường thở đột ngột nhạy ứng trong vòng vài phút, sau đó sự nhạy ứng có thể kéo dài vài tuần. Nếu vô phúc lúc ấy chất gây nhạy ứng lại quá nhiều trong không khí, chỉ sau một lần tiếp xúc với chất ấy, người bệnh cũng có thể bị suyễn hành mỗi ngày, trong nhiều tháng sau đó.

image
Người ta chưa thực sự biết rõ nguyên nhân gây nên sự nhạy ứng của đường thở trong bệnh suyễn. Giả thuyết hiện tại được nhiều người tin nhất là sự viêm sưng (inflammation). Trong niêm mạc của các ống phổi, có những tế bào đặc biệt, tiết ra các chất hóa học có tác dụng gây viêm sưng khi người bệnh suyễn tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Khi bị viêm sưng như vậy, các ống phổi co thắt, và cơn suyễn xảy ra.

Các yếu tố gây cơn suyễn

Một số yếu tố có thể làm đường thở bị nhạy ứng, tạo cơn suyễn:

1. Các chất gây nhạy ứng (allergens):
Gần như các chất có thể gây nhạy ứng (hay dị ứng) tạo cơn suyễn đều bay lượn trong không khí. Với những người bị suyễn theo mùa (thường là trẻ con và người trẻ tuổi), các chất gây dị ứng là những phấn hoa (pollens) bay ra từ cây (mùa xuân), hoặc cỏ (mùa hè) hay cỏ dại (mùa thu). Những người bị suyễn quanh năm, không theo mùa, thường là do bị nhạy ứng với những chất lúc nào cũng có trong môi trường quanh người bệnh như lông chim chóc, lông thú vật, bụi bặm, nấm mốc (molds).

image
Ngay sau khi ngửi phải chất gây nhạy ứng, người bị suyễn có thể nổi suyễn trong vòng vài phút, sau đó cơn suyễn dịu dần. Ở một số người, 6 đến 10 tiếng sau, suyễn công kích đợt thứ nhì.

2. Thuốc dùng: 
Một vài loại thuốc dùng có thể gây cơn suyễn cấp tính, thí dụ như thuốc Aspirin, các “thuốc chống viêm không có chất steroid” (thường được dùng để chữa đau nhức: Advil, Motrin, Naprosyn, ...), thuốc chữa cao áp huyết (Inderal, Tenormin, Lopressor, ...).

3. Ô nhiễm không khí
:
Trong những vùng kỹ nghệ nặng, dân cư đông đúc, thường có những chất được xem có thể gây suyễn như ozone, nitrogen dioxide, sulfur dioxide.

4. Những chất trong kỹ nghệ:

Rất nhiều chất trong kỹ nghệ có thể gây suyễn. Trong trường hợp này, suyễn được xem là một trong những bệnh gây do nghề nghiệp. Người bị suyễn gây bởi những chất hiện diện nơi sở làm, lúc mới tới sở thì còn khỏe lắm, chưa có triệu chứng, sau đó triệu chứng từ từ xuất hiện vào lúc sắp xong việc, nặng dần sau khi rời sở làm, rồi lại lặng lẽ bớt dần. Thường nhiều người trong sở cũng có những triệu chứng tương tự.

5. Nhiễm siêu vi (virus)
:
Nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp (cảm, cúm) được xem là tác nhân hay gây cơn suyễn cấp tính nhất. Suyễn nổi dậy sau khi bị cảm hay cúm có thể kéo dài từ 2 đến 8 tuần lễ. Người ta nghĩ rằng khi bị cảm hay cúm, siêu vi làm đường thở bị viêm sưng, khiến các ống thở trở thành nhạy ứng hơn đối với các tác nhân gây dị ứng bên ngoài (giống như một người có sẵn chuyện buồn bực trong nhà, dễ nổi nóng với các bạn đồng sở, dù với một câu bông đùa thường ngày người ấy vẫn xem là rất có duyên).

image
Hiện tượng này xảy ra cho cả người bình thường không bị suyễn. Sau một cơn cảm hay cúm, một người bình thường không bị suyễn cũng có thể ho liên miên từ 2 đến 8 tuần (người bệnh bực bội, mà bác sĩ cũng khổ: người bệnh đòi trụ sinh cho ho mau hết, bác sĩ biết rõ trụ sinh cũng chẳng ăn thua gì trong trường hợp này, chỉ biết đem sách vở ra giảng giải, người bệnh không tin, đi bác sĩ khác xin trụ sinh, thì đúng lúc ho cũng đã đến lúc hết. Người bệnh từ đó đâm ra tin rằng phải có trụ sinh khi bị cảm, cảm mới mau đi). Người bị suyễn hàng năm nên chích ngừa cúm (flu) trong khoảng tháng 10-11 để tránh bị cúm. Còn cảm (cold), cho đến nay vẫn chưa có thuốc ngừa.

6. Vận động:
Vận động cũng rất hay gây cơn suyễn cấp tính. Chạy làm nổi suyễn nhiều hơn đi. Chơi thể dục, thể thao trong khí lạnh (ice hockey, ice skating) làm nổi suyễn nhiều hơn trong một môi trường ấm áp.

Triệu chứng

Triệu chứng của suyễn chẳng xa lạ gì với người bị... suyễn nặng: ho, khò khè, khó thở, ngực như bị ép chặt (chest tightness). Trong trường hợp điển hình, suyễn là bệnh lúc ẩn lúc hiện, và các triệu chứng đều đồng thanh làm khổ người bệnh. Khi lên cơn suyễn, đầu tiên người bệnh cảm thấy ngực bị siết lại, và ho khan. Sau đó, người bệnh ngộp thở, thở nhanh để cố hít lấy dưỡng khí, tim đập như trống làng, thở ra hít vào đều có tiếng khò khè. Nếu cơn suyễn bớt dần, cơn suyễn sẽ chấm dứt với một tràng ho khạc ra đàm đặc, có dây. Nếu chẳng may cơn suyễn kéo dài và nặng dần, người bệnh càng lúc càng thở khó hơn, phải sử dụng cả đến những bắp thịt thở phụ ở cổ và ngực để thở. Người bệnh càng lúc càng mệt, thở yếu dần, tiếng khò khè cũng yếu đi. Người bệnh ở trong tình trạng chỉ mành treo chuông nếu không được chữa trị khẩn cấp. Một đặc điểm của bệnh suyễn là các cơn suyễn hay xảy ra về đêm, làm ta phải thức dậy để thở, khò khè.

image
Nhiều người bị suyễn không lên những cơn suyễn với các triệu chứng điển hình ho, khò khè, khó thở tả trên, nhưng cứ ho khan lai rai nhiều tháng hay năm, hoặc khó thở khi vận động. Người ho hoài, ho mãi, nếu không tìm thấy nguyên nhân nào rõ rệt khác có thể giải thích cái ho, thường là ho do bị suyễn.

Định bệnh


Cũng như mọi tật bệnh khác trong y học, sự định bệnh dựa vào kể bệnh, thăm khám, và các trắc nghiệm. Luôn luôn, một lời kể bệnh mạch lạc, có đầu có đuôi của người bệnh sẽ giúp người bác sĩ khỏi lạc lối trên con đường tiến đến một định bệnh chính xác. Khò khè tuy là một triệu chứng quan trọng của suyễn, nhưng khò khè cũng có thể gây do một vật lạ trong phổi, ung thư phổi, bệnh tim, .... Một người bị nặng ngực, khó thở không chắc do suyễn, biết đâu do nguyên nhân tâm lý. Định phải đúng, chữa mới trúng. Chúng ta hãy cùng ôn lại 3 hình thái của suyễn, và thử xem nên kể bệnh thế nào để cung cấp những chi tiết cần thiết cho bác sĩ định bệnh:

1. Hình thái suyễn điển hình với những cơn ho, khò khè, khó thở:

image
Bạn có những triệu chứng bất thường này đã bao lâu? Bao lâu chúng xảy ra một lần? Thường thường chúng hay xảy ra trong trường hợp nào? Có khi nào vào ban đêm, lúc bạn đang ngủ không? Khi chúng đến thăm bạn, lúc đó đích xác các triệu chứng như thế nào, và chúng ở chơi với bạn bao lâu? Bạn đã được chữa trị từ trước đến giờ như thế nào, kết quả ra sao? Nếu bạn còn nhớ, xin cho biết “phim phổi” (đúng ra phải gọi là “phim ngực”, cho phù hợp với tiếng Anh là “chest X-ray”, và cũng không nên dùng chữ “phim ngực” để chỉ “phim vú”: “mammography” trong tiếng Anh) của bạn chụp lần cuối cách đây đã bao lâu, có gì lạ không?

2. Hình thái ho kinh niên:

Bạn bị ho đã bao lâu? Bao lâu lại ho một lần? Ho khan hay ho có đàm? Thường ho xảy ra trong trường hợp nào: ngày hay đêm, khi bạn tiếp xúc với khí lạnh, với chất gì đặc biệt,...? Có bao giờ bạn bị khò khè, khó thở hay không? Trong vòng 2 tháng vừa qua, bạn có bị cảm, cúm hay không? (bạn chưa quên, sau cảm, cúm, ta có thể ho kéo dài từ 2 đến 8 tuần, có khi lâu hơn). Bạn có bị bệnh dị ứng mũi, và thường xuyên thấy như có nước mũi chảy xuống cổ họng hay không? (post nasal drip: nước mũi chảy xuống cổ họng có thể gây ho), Bạn có hay bị ho, nóng ngực, ợ chua sau khi ăn hoặc về đêm hay không? (bệnh dội ngược bao-tử thực-quản, một bệnh rất hay xảy ra, có thể gây ho, nhất là về đêm, do nước bao tử dội ngược lên cổ), bạn đã được chữa trị từ trước đến giờ như thế nào, và kết quả ra sao? Nếu bạn còn nhớ, xin cho biết “phim ngực” (chest X-ray: lần này ta dùng chữ đúng hơn) của bạn chụp lần cuối cách đây đã bao lâu, có gì lạ không? Còn điều này nữa: bạn có hút thuốc lá không nhỉ?

3. Hình thái khó thở khi vận động:

Bạn bị như vậy đã bao lâu? Đích xác, khó thở xảy ra khi bạn vận động như thế nào, trong bao lâu: đi, chạy, bơi, ...? trong môi trường nào: lạnh hay ấm áp? Lúc đó, bạn có bị đau ngực hay không? (bệnh hẹp hay tắc động mạch tim có thể gây đau ngực, khó thở lúc vận động), Lúc khó thở như vậy, có bao giờ bạn bị thêm ho hoặc khò khè? Trong quá khứ, bạn có bao giờ bị suyễn hay không?
Bạn đem theo tất cả các thuốc men đang dùng ở nhà cho bác sĩ xem, vì bạn còn nhớ, nhiều thuốc uống có thể gây suyễn, gây ho.

image
Sau khi lắng nghe và cám ơn bạn đã kể bệnh một cách hết sức mạch lạc, có phương pháp, sau khi xem xét các thuốc men bạn đem đến, bác sĩ bắt đầu thăm khám cho bạn. Thường là có hai trường hợp: bạn đang bị suyễn hành (dĩ nhiên chắc không nặng lắm, nên nãy giờ bạn mới vui vẻ chuyện trò với bác sĩ), hoặc đây đang lúc suyễn làm hòa cùng bạn, nên bạn hiện không có triệu chứng.

- Nếu bạn đang bị suyễn hành, sự định bệnh thường hiển nhiên: khám thấy trong phổi bạn đang có dàn nhạc hòa tấu bản “Cò ke”, nhất là khi bạn thở mạnh. Câu chuyện bạn kể nãy giờ lại phù hợp với thăm khám. Đồng thời, phim ngực bạn chụp trong thời gian gần đây bình thường. Định bệnh: “Bạn có suyễn”.

- Nếu hiện tại bạn không có triệu chứng, phổi bạn có thể có tiếng khò khè khe khẽ hoặc là “trong”, không có gì lạ trong lúc thăm khám. Định bệnh: Dựa theo lời kể rất có duyên của bạn, bạn có thể bị suyễn. Nếu trong thời gian gần đây, bạn chưa chụp phim ngực, bác sĩ sẽ cho bạn chụp phim, để loại trừ những định bệnh khác như ung thư, bệnh tim, bệnh tắc phổi kinh niên (chronic obstructive lung disease: hay gây triệu chứng giống suyễn), vật lạ trong phổi, ... Trong nhiều trường hợp, bác sĩ đo cơ năng phổi (pulmonary function test) của bạn để xem có đúng bạn bị suyễn không.

Chữa trị


Sự chữa trị nhắm mục đích làm các triệu chứng của suyễn biến hẳn, hoặc ít nhất, cũng trở thành nhẹ, giúp người bệnh vui sống, ngủ, làm việc, vận động bình thường, lâu lâu không phải viếng phòng cấp cứu của bệnh viện, trong lúc cố tránh các phản ứng phụ do việc dùng thuốc.

image

Tránh các yếu tố có thể gây cơn suyễn

Chúng ta đã biết, nhiều yếu tố có thể gây cơn suyễn cấp tính, như các chất dễ gây nhạy ứng (allergens: phấn hoa, bụi, lông thú, ...); nhiễm trùng đường hô hấp; các chất dễ kích thích đường hô hấp (inhaled irritants: khói thuốc lá, dầu thơm mùi nồng, các sản phẩm để lau chùi chứa chất chlorine, ...); sự vận động; sự căng thẳng về tinh thần; bệnh dội ngược bao tử thực quản. Một số người lên cơn suyễn khi dùng thuốc aspirin hoặc thuốc chống viêm không có chất steroid (Advil, Motrin, Naprosyn, ...).

Nhận diện các yếu tố có thể gây cơn suyễn cấp tính cho mình, và tìm cách tránh chúng là việc trọng yếu trong sự chữa trị. Hoặc là tránh chúng hoàn toàn, thí dụ như bạn nhạy ứng với thú vật, thì trong nhà đừng nuôi thú vật. Hoặc nếu khó tránh hoàn toàn, cũng cố không tiếp xúc nhiều với yếu tố gây suyễn, thí dụ cố ngồi xa người hút thuốc lá, người dùng dầu thơm nặng mùi; trước khi Đông tới, bạn cũng nhớ chích ngừa cúm, vì trong mùa Đông, khi nhiều người chung quanh nhiễm cúm, bạn rất khó tránh nó.

Bất đắc dĩ không thể tránh được yếu tố biết hay gây cơn suyễn cấp tính cho bạn, bạn dùng thêm thuốc suyễn trước khi phải tiếp xúc với nó. Điều này, bạn bàn với bác sĩ xem thuốc nào bạn có thể dùng thêm.

Tự theo dõi triệu chứng và cơ năng phổi


Bạn nên thường xuyên ghi chép, theo dõi triệu chứng của mình (bao lâu cơn suyễn nổi lên một lần, sự nặng nhẹ của cơn suyễn), và đo cơ năng phổi bằng một dụng cụ đo gọi là peak expiratory flow meter.

image
Dụng cụ này rẻ, rất dễ dùng, có loại nhỏ, bỏ được trong túi. Trên dụng cụ có những khấc ghi số. Nó giúp bạn và bác sĩ điều chỉnh sự chữa trị chính xác hơn, vì bằng con số, nó cho biết mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng của bạn, cùng sự hữu hiệu của việc chữa trị.

Chương trình Giáo dục và Phòng ngừa Suyễn (The National Asthma Education and Prevention Program) khuyên những người bệnh suyễn từ vừa (moderate) đến nặng (severe) nên dùng dụng cụ peak expiratory flow meter để tự đo cơ năng phổi mỗi ngày, vào buổi sáng lúc ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Chữa trị bằng thuốc

Thuốc chữa suyễn gồm hai nhóm chính:

- Các thuốc làm dãn ống phổi (bronchodilators): Albuterol (Proventil, Ventolin), Levalbuterol (Xopenex), Pirbuterol (Maxair Autohaler), v.v..
- Các thuốc chống viêm sưng (antiinflammatory drugs): Prednisone, Vanceril, Beclovent, Flovent, Pulmicort, Intal, Tilade, Singulair, Accolate, v.v..

Ngoàira có thêm những thuốc tổng hợp, chứa cả hai chất làm dãn ống phổi và chống viêm sưng, như thuốc Advair Diskus.

image
Các thuốc dùng dưới dạng uống, bơm xịt, hút, chích, truyền tĩnh mạch. Chúng ta thường quen thuộc với thuốc uống. Thuốc uống dễ dùng, nhưng hay gây phản ứng khó chịu, hoặc bất lợi cho cơ thể. Khuynh hướng chữa trị hiện tại là dùng thuốc bơm xịt nhiều hơn thuốc uống, vì thuốc bơm xịt ít gây phản ứng bất lợi.
 
Sự chữa trị tùy mức độ nặng nhẹ của suyễn:

- Nhẹ (mild): Nếu bạn chỉ có triệu chứng 1 hay 2 lần mỗi tuần, không khó thở ban đêm quá 2 lần mỗi tháng, và ngoài những cơn suyễn, bạn vẫn khỏe mạnh như thường, dụng cụ đo peak expiratory flow meter cho thấy cơ năng phổi bạn không giảm, bạn bị suyễn loại nhẹ thôi. Bạn chỉ cần dùng thuốc bơm xịt làm dãn nở ống phổi như Albuterol vào những lúc suyễn đến thăm.

Suyễn chỉ đến vào những lúc bạn vận động mạnh cũng được xếp vào loại nhẹ, bạn chỉ cần dùng thuốc bơm xịt làm dãn nở ống phổi 10 phút trước khi vận động. Khi phải bất đắc dĩ tiếp xúc với yếu tố có thể gây cơn suyễn cấp tính, bạn cũng nhớ dùng thuốc bơm xịt làm dãn ống phổi 10 phút trước.

image
- Vừa (moderate): Nếu bạn bị suyễn hành, đến phải dùng thuốc bơm xịt làm dãn ống phổi trên 2 lần mỗi tuần (mỗi ngày hay gần như mỗi ngày), các cơn suyễn ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của bạn, bạn thức giấc ban đêm trên 4 lần mỗi tháng vì suyễn, dụng cụ đo peak expiratory flow meter cho thấy cơ năng phổi bạn giảm dưới 80%. Suyễn của bạn trong trường hợp này được xem là vừa, bạn nên dùng đều mỗi ngày thuốc xịt loại chống viêm sưng (Vanceril, Beclovent, Pulmicort, Intal, Tilade, ...), và chỉ dùng thuốc xịt làm dãn ống phổi mỗi ngày 3-4 lần nếu cần.

Nếu cần, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thêm thuốc uống làm dãn ống phổi, nhất là khi bạn hay có triệu chứng về đêm. Khi sự chữa trị thành công, bạn sẽ ít phải dùng thuốc xịt làm dãn ống phổi hơn. Nên kiên nhẫn dùng thuốc xịt chống viêm sưng đều đặn, vì cần khoảng 7-10 ngày, thuốc mới bắt đầu có tác dụng.

image
- Nặng (severe): Nếu bạn gần như lúc nào cũng có triệu chứng, lúc nặng lúc nhẹ, và thường xuyên không ngủ được ban đêm vì bị suyễn hành, đồng thời suyễn ác độc ngăn không cho bạn vận động, dụng cụ đo peak expiratory flow meter cho thấy cơ năng phổi bạn giảm dưới 60%. Trong trường hợp này, bạn cần dùng thuốc xịt chống viêm sưng với lượng cao (4-6 xịt ngày 2 đến 4 lần). Và bạn cần dùng thêm thuốc xịt dãn ống phổi có tác dụng dài như Severent, Foradil, hoặc thuốc uống làm dãn nở ống phổi mỗi ngày, nhất là nếu bạn hay có triệu chứng về đêm. Với sự chữa trị, nếu triệu chứng của bạn không thuyên giảm, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thêm thuốc uống chống viêm sưng như Singulair, Accolate, Prednisone.

Cần hiểu biết cặn kẽ

Sự chữa trị suyễn cần sự hiểu biết cặn kẽ của bạn về căn bệnh. Bạn là ông thày thuốc tốt của chính mình, lúc nào cũng có mặt, theo dõi bệnh tình của mình ngày đêm, nên cần thấu đáo mục đích của sự chữa trị, cách dùng thuốc bơm xịt.

1. Mục đích của chữa trị:

Cơ chế chính gây suyễn là sự viêm sưng (inflammation). Các thuốc xịt làm dãn ống phổi như Alburterol, Proventil, Ventolin, ... tuy khiến triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng, nhưng thực ra chỉ chữa ngọn. Nếu bạn phải dùng nhiều những loại thuốc xịt này, có nghĩa bệnh suyễn của bạn đang trở nặng. Những thuốc xịt chống viêm sưng mới là những thuốc chính chữa cái gốc suyễn.

Trong những trường hợp suyễn vừa hay nặng, ta cần dùng thuốc xịt chống viêm sưng đều đặn đúng chỉ dẫn để chữa cái gốc suyễn. Đồng thời tìm cách tránh những chất gây dị ứng, nếu có thể. Ngược lại, khi lên cơn suyễn cấp tính, thuốc xịt chống viêm sưng không làm dãn cuống phổi nhanh chóng như các thuốc xịt làm dãn cuống phổi, nên không hữu dụng trong trường hợp này. Xin nhắc lại, điều cần biết là thuốc xịt chống viêm sưng có tác dụng chậm, thường mất khoảng 7 đến 10 ngày, mới bắt đầu có tác dụng.

2. Cách dùng thuốc bơm xịt:

Khác với thuốc uống, thuốc bơm xịt (inhaler) cần được xử dụng đúng kỹ thuật, mới cho kết quả tốt:
- Bạn lắc mạnh chai thuốc trước khi sử dụng.
- Thở ra hết, để đẩy không khí trong ngực ra càng nhiều càng tốt.
- Có 2 cách dùng thuốc: hoặc mở miệng và để miệng của chai thuốc cách miệng của bạn khoảng 1 inch, hoặc đặt miệng của chai thuốc vào trong miệng bạn, và dùng môi ngậm kín quanh miệng chai thuốc.
- Ấn mạnh đầu kia của chai thuốc để bơm thuốc vào miệng, đồng thời hít thuốc vào phổi cho thực sâu.
- Giữ thuốc trong phổi càng lâu càng tốt trước khi thở ra.
- Nghỉ 1 phút trước khi xịt thuốc lần thứ 2.
- Khi xịt thuốc lần thứ 2, bạn bắt đầu lại từ đầu: lắc mạnh chai thuốc, thở ra hết, ...

image
Nhiều người thích dùng một dụng cụ đặc biệt gọi là “spacer device” gắn vào chai thuốc bơm xịt, để dùng thuốc dễ hơn. Các cháu quá bé, các vị có tuổi, quá yếu vì bệnh, hay không biết cách xử dụng chai thuốc bơm xịt, có thể dùng một máy bơm thuốc gọi là “nebulizer”. Thuốc được pha chế sẵn, đổ vào nebulizer, và khi nebulizer hoạt động, máy sẽ bơm hơi thuốc lên để người bệnh hít thuốc vào phổi. Tuy vậy, so sánh tác dụng giữa hai cách dùng, của chai thuốc xịt inhaler và của máy nebulizer, người ta thấy nếu biết cách sử dụng chai thuốc bơm xịt đúng cách, máy nebulizer không đem thuốc vào phổi nhiều hơn chai thuốc xịt inhaler. Máy nebulizer có cái bất tiện là cồng kềnh, không thể bỏ túi, mỗi lần dùng thuốc phải pha chế, lâu lâu lại phải đem ra lau chùi. Chai thuốc bơm xịt có thể bỏ túi, đem ra sử dụng bất cứ lúc nào, chỉ với điều kiện phải sử dụng đúng cách.

image
Tóm lại, hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh, nhận diện và cố tránh các yếu tố có thể gây cơn suyễn, thường xuyên tự theo dõi triệu chứng cùng cơ năng phổi của mình, rành rẽ việc sử dụng các thuốc chữa suyễn, với sự cố vấn của bác sĩ, bạn sẽ đẩy lui căn bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức/baomai