Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Ngày Hôm Nay Bạn Đã Cười Chưa?

 -

Người viết đang ngồi suy nghĩ hôm nay sẽ viết về chủ đề gì cho mục "Một Cõi Thiền Nhàn" thì  chợt thấy tâm hình em bé cười  thật vui  và con chó bên cạnh em cũng cười thật vui của một người bạn từ phương xa gửi đến đã giúp người viết có hứng khởi viết về Nụ Cười hôm nay. vì Nụ Cười sẽ đem đến niềm vui cho bạn. Cười rất dễ lây lan vì thấy ai đó đang cười vui vẻ, tự nhiên bạn cũng sẽ cười theo, nếu không,bạn sẽ thấy mình lạc lõng chi lạ.

Bây giờ chúng ta đi tìm lý do để cười nhé:

10 lý do để mỉm cười:

 - Mỉm cười đẹp hơn cái nhíu mày của chúng ta.

- Mỉm cười làm chúng ta vui vẻ thêm.

- Mỉm cười khiến ngày tháng chúng ta đã và sắp đi qua trở nên có ý nghĩa.

- Mỉm cười giúp ích đối với việc kết bạn.

- Mỉm cười biểu thị sự thân thiện, dễ gần.

- Mỉm cười tạo nên một ấn tượng tốt cho người khác.

- Mỉm cười với người khác, người khác cũng sẽ mỉm cười với bạn.

- Nếu bạn mỉm cười thì bạn càng trở nên tự tin và thu hút hơn.

- Nụ cười của bạn sẽ làm giảm bớt sự lo lắng của người khác.

- Một nụ cười có thể giúp bạn có tình yêu đích thực.

(nguồn:  Sưu Tầm trên internet)

 Bây giờ người viết sẽ kể cho bạn nghe lý do vì sao tôi có "nick name" là "Suong Lam Xì Mai" nhé.

Lúc còn bé, người viết là một cô bé mập mạp, tròn trịa, có cặp mắt to giống “đầm lai” và có cái miệng móm ưa cười nên được ba má của tôi của tôi “cưng” lắm vì tôi giống cả ba lẫn mẹ.  Lúc  đó,  ba má tôi có một cửa hàng buôn bán ở Phú Nhuận.  Nhiều khách hàng của ba má tôi thường đến mua hàng nhà ba má tôi và giới thiệu với bạn bè, nếu muốn mua hàng nhà tôi thì đến tiệm nào có cô bé có cái miệng móm hay cười là đúng tiệm của ba má tôi rồi.

Lớn lên, tôi không còn mập mạp, trắng trẻo giống đầm lai nữa mà lại ốm nhách, đen đen  giống Ấn Độ hơn nên bị các anh bạn sinh viên QGHC  đặt tên là Sương Mangala, một tài tử Ấn Độ ngày xưa.

Khi đi học trường Quốc Gia Hành Chánh ở Sài Gòn ngày xưa,, mỗi lần tôi vào lớp trễ học, tôi phải nở “nụ cười duyên”  với giáo sư đang dạy trong lớp, lí nhí lời xin lỗi  thì đã nghe ở cuối lớp, mấy anh  bạn sinh viên “quỷ sứ”  cười ầm lên: “ Sương Mangala cười! Sương Mangala cười!” để chọc quê tôi, nhưng tôi vẫn tỉnh queo không nói gì cả.

Khi đi làm ở Bộ Xã Hội cũ  ở Việt Nam, và khi phục vụ trong ngành giáo dục thuộc Sở Học Chánh  Portland ở Mỹ, người viết thường được các bạn đồng sự và học trò phê bình rằng: “Chưa thấy mặt cô Sương nhưng đã nghe tiếng cô cười ở văn phòng rồi!”

Bây giờ, người viết được bạn bè cõi ảo và cõi thật thương mến tặng cho “nick name” là  “Sương Lam Smile” vì tính ưa cười và tính thích viết chữ Smile trên các email (điện thư) hay trong  bài viết của tôi.

Úi chào!  Với cái tính ưa cười của tôi, nếu cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) còn sống thế nào người viết cũng bị cụ rầy cho một trận vì cụ rất nghiêm khắc khi nói về “Xét Tật Mình” trong bài viết “Gì Cũng Cười” của cụ như sau:

Gì cũng cười

An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười.  Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười.  Hay cũng hì, quấy cũng hì.  Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền.  Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thẩy, không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày nghĩ ngợi.

NGuồn: trích trong Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển- Gì cũng cười của Nguyễn Văn Vĩnh)

Người viết xin kể vài câu chuyện vui để chúng ta cùng cười cho vui với đời một tí

Chuyện thứ nhất- Lý sự cùn của các bợm nhậu

Đã rất nhiều lần tôi muốn bỏ rượu và bia, nhưng tôi lại cảm thấy xấu hổ.

Mỗi lần nhìn ly bia, tôi lại nghĩ về những người công nhân cực khổ đã làm ra nó. Họ đều có vợ con phải chăm sóc, con cái họ đều có những giấc mơ phải thực hiện. Nếu tôi không uống, có thể họ sẽ mất việc và những giấc mơ của con họ sẽ mãi tan biến. Tôi không thể ích kỷ chỉ lo cho sức khỏe của mình. Tôi uống để biến giấc mơ của rất nhiều người thành sự thật.

Đừng vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng đến những người khác các bạn nhé.

Nào chúng ta hãy cùng nâng ly! Dzô ! Dzô !

 

Chuyện thứ hai- Can you speak Vietnamese

Giáo viên dạy Anh văn nói chuyện với một giáo viên khác:

"Tui không thể chịu nổi sao lại có đứa học trò thế này.

Chuyện là tôi có ra một bài làm là hãy kể một câu chuyện ngắn bằng tiếng Anh, rồi nó kể câu chuyện về hoàng tử và công chúa".

Giáo viên kia thắc mắc: Vậy có gì không ổn?

- Không ổn là bài làm của nó như thế này:

"Hoàng tử và công chúa gặp nhau tại lâu đài. Hoàng tử hỏi :

"Can you speak Vietnamese?"" Công chúa trả lời:""Sure"".

Thế là sau đó cả bài văn nó toàn viết bằng tiếng Việt hết.

(Nguồn: Sưu tầm trên internet)

Riêng thiển ý của người viết là chúng ta cũng cần có thêm một chút máu “tếu” trong người thì cuộc sống sẽ thoải mái, vui vẻ hơn một tí.  Những người ít nói, nhiều khi còn bị hiểu lầm là người có tính khí khó chịu, ít có bạn bè vì người khác cũng ngại ngùng ít dám nói chuyện với quý ông, quý bà ít nói này vì thấy họ sao mà nghiêm trang quá nên cũng không dám đến gần để nói chuyện hơn là nói chuyện với những người tính tình cởi mở, vui vẻ.

 Kinh nghiệm cá nhân của người viết là khi nhìn nụ cười vui vẻ của Đức Phật Di Lặc, người viết cảm thấy tình thần an lạc hơn.  Bởi thế những ngày đầu Xuân, người ta thường thích những người có nụ cười vui vẻ, nhanh nhẹn đến xông nhà xông đất đầu tiên để cho mọi việc trong năm được hanh thông tốt đẹp hơn lên.  Bạn đồng ý chứ?


 

NGÀY HÔM NAY BẠN ĐÃ CƯỜI CHƯA ?

Cả khi mơ mộng

Vẫn biết mỉm cười

Đó là hạnh phúc

 

Những lúc mỏi mệt

Vẫn biết mỉm cười

Đó là an nhiên

 

Dù chịu thiệt thòi

Vẫn biết mỉm cười

Đó là khoan dung

 

Dù có uẩn khuất

Vẫn biết mỉm cười

Đó là rộng lượng

 

Dù đang bế tắc

Lạc quan mỉm cười

Đó là bản lĩnh

 

Dù bị hiểu lầm

Thanh thản mỉm cười

Đúng người tu dưỡng

 

Gặp lúc hiểm nguy

Điềm tĩnh mỉm cười

Khí chất ai bì

 

Lúc bị khinh khi

Yên lặng mỉm cười

Hiểu mình hiểu đạo

 

Khi bị thất tình

Nhẹ nhàng mỉm cười

Đó là tự tại

 

Sương Lam/nguoiphuongnam