Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Nhu cầu tâm linh của thế kỷ 21

Con người trong bất cứ thời đại nào đều có “mối quan tâm tối hậu” là đạt đến tâm linh, những chiều cao trong tâm thức của nó. 

Khi nhìn lại văn học nghệ thuật – lĩnh vực nhạy cảm nhất, mang tính dự báo của xã hội con người – thì tại Âu Mỹ trong thế kỷ XX, chúng ta thấy hình ảnh của con người hiện đại là những con người cô đơn và buồn rầu. Những nhân vật trong tiểu thuyết của Franz Kafka (Hóa thân, Tòa lâu đài, Vụ án…); sau Đại chiến thứ 2 với Albert Camus (Kẻ xa lạ, Dịch hạch, Huyền thoại Sysiphe); André Malraux (Thân phận con người), cũng đã tiên đoán vào giữa thế kỷ XX rằng thế kỷ XXI là thế kỷ tâm linh; Hemingway (Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Mặt trời vẫn mọc, Ông già và biển cả…)…; những vở kịch của Beckert, Ionesco…, tất cả đều nói đến thân phận con người: cô đơn, buồn rầu và lạc lõng. Phong trào tiểu thuyết mới của Pháp cũng nói đến một thế giới không có con người. Ngay cả nền văn học châu Mỹ La-tinh, với các tác giả như J.L. Borges (cũng đưa ra lập luận “tính hư ảo là điều kiện của nghệ thuật”); Marquez (Trăm năm cô đơn)… đưa yếu tố mộng và thần thoại vào tiểu thuyết, nhưng hình như cũng không kéo được con người ra khỏi sự cô đơn buồn bã của chính nó. Trong tác phẩm Nghệ thuật tiểu thuyết, Milan Kundera nói về thời kết thúc của tiểu thuyết: “Như vậy, rất rõ ràng là tiểu thuyết có thể tàn lụi, cũng có thể tàn lụi như phương Tây thời hiện đại”.


 Về hội họa, sau những hứng khởi của một số thiên tài như Matisse, Picasso, Paul Klee…, những người đã đưa hội họa đến chủ nghĩa trừu tượng, thì từ sau nửa thế kỷ XX hội họa không còn đà tiến và phát triển thành nhiều trường phái nên đã bước vào ngõ cụt như khuynh hướng ngẫu nhiên, pop art, op art… Thí dụ như chủ nghĩa siêu thực (surréalisme): một khi vượt khỏi (sur) cái thực (réalité) mà không bắt gặp được cái tâm linh thì người ta sẽ trở thành hoang tưởng và mê loạn. Khi không đi vào được chiều sâu của con người, người ta phát triển theo chiều ngang, tạo thêm những môn nghệ thuật mới, như xếp đặt (installation), trình diễn (performance)… nhưng cũng chẳng đi xa hơn được. 

Mỹ tự hòa là Tân lục địa so với châu Âu là cựu lục địa, nên đã lao vào kỹ thuật và kinh tế, vào tham vọng làm cường quốc duy nhất của hành tinh, trong khi đó, con người cá nhân vẫn không thoát khỏi khủng hoảng. Người ta làm ra những phim đầy bạo lực, đầy dục tính, và tạo ra những nỗi sợ giả tạo: sợ khủng long, sợ những sinh vật ngoài hành tinh và đủ thứ kỳ dị khác để khỏa lấp sự cô đơn và khắc khoải. Nhà Triết học Đức Theodore Adorne kết luận: “Ở thời đại của sự vô nghĩa, một tác phẩm nghệ thuật có thể là hiện thân của sự vô nghĩa đó một cách vô lý nhất; bằng cách đó, nghệ thuật có thể giúp con người vượt qua sự phi lý của cuộc sống hiện đại”. Năm 1935, ba năm trước khi chết, Husserl (ông tổ của Hiện tượng luận) đã có những cuộc nói chuyện – trong di chúc triết học của ông – về sự khủng hoảng của con người châu Âu. Cuộc khủng hoảng đó sâu sắc đến độ ông tự hỏi liệu châu Âu có còn sống sót sau ông hay không. Trong cuốn Văn minh và những sự không hài lòng của nó (1930), một trong những tác phẩm sau cùng của Freud (ông tổ Tâm phân học), ông nói rằng văn minh chẳng phải đang thế chỗ cho sự dã man bằng cách tiêu diệt nó, mà khi dồn nén cái dã man vào bên trong thì chính là đang chuẩn bị cho tính dã man thực hiện những đợt phun trào mới.

Con người đang cô đơn, khủng hoảng, và đang cố giấu tính dã man của mình đi, để rồi nó sẽ bùng phát trong những cuộc chiến tranh… đó là những gì mà triết học, văn học và nghệ thuật hiện đại cho chúng ta hiểu. Chẳng phải là ngẫu nhiên khi sau năm 2000, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho ra đời hai cuốn sách, phản ánh phần nào mối ưu tư của văn hóa thế giới: Trái đất, Tổ quốc chung; Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới của E. Morin, Giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) của Pháp viết năm 1993,mà chỉ hai chương cuối Phúc âm về thảm họa tận thế và chương kết Trái đất, Tổ quốc chung đã nói lên phần nào nội dung cuốn sách. Cuốn thứ hai là Trở lại với con người do Viện Nghiên cứu con người xuất bản. Cuốn sách tập hợp những bài phát biểu của các học giả Nga, Mỹ, Trung Quốc về nghiên cứu nhân học với những bài như: Tương lai nào cho con người (2000) của S. J. Gould; Con người thế kỷ XXI: bản tính đang mất dần (2001) của Aleksandrovich; Trở lại với con người (Frolov I.T). Cái cô đơn, buồn bã, trống rỗng bản thân, hiện tượng “con người hiện nay sống ở bên ngoài thân mình về mặt tâm lý và tâm linh” trong cuộc sống con người hiện đại là do nó không thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân của nó. Ngay cả sự “phản tỉnh” của con người trong triết học hiện sinh vào giữa thế kỷ XX cũng chỉ là một tự sự soi mình trong gương (như Narcisse, nhân vật của thần thoại Hy Lạp tự yêu mình nên cứ soi gương để ngắm mình mãi) để thấy được tính hữu hạn của đời người nhưng không thoát ra được cái cá nhân hữu hạn đó, nên sự soi ngắm mình chỉ đưa lại những “buồn nôn”, “thừa thãi” (J. P. Sartre) và “phi lý”, “xa lạ”, “lưu đày” (Camus). 

Sự khủng hoảng của văn học nghệ thuật nói riêng và của con người hiện đại nói chung có nguyên nhân chính là con người không thể thoát khỏi cái ta hữu hạn và bất toàn của mình, và càng yêu cái ta, càng quy về cái ta (self-centered, quy ngã) bao nhiêu thì sự buồn chán và bế tắc càng thêm lớn. Cá nhân chủ nghĩa đưa đến hư vô chủ nghĩa. Trong khi đó, chủ đề lớn của văn hóa và văn minh phương Đông là thoát ra khỏi cái ta, từ Ấn Độ tới Trung Hoa, dù sự giải quyết có khác nhau ở mức độ sâu cạn, theo những phương pháp khác nhau phù hợp với từng giống người. Nói đường hướng của văn hóa văn minh phương Đông là giải thoát khỏi cái ta, giải thoát khỏi cá nhân chủ nghĩa, xem cái ta là trung tâm vũ trụ thì không có nghĩa là phương Tây không có những con đường nhằm thoát khỏi cái ta. Phương Tây vẫn có những bậc Thánh, những con người vượt khỏi sự trói buộc trong một cái ta hạn hẹp và có phần giả tạo. Nhưng khuynh hướng chính và lớn của phương Tây là xác định cái ta, và tìm chỗ đứng cho cái ta đó ở trong thế giới. Chính vì thế mà phương Tây giỏi về đời sống, xã giao, thương mại, xã hội cho đến khoa học kỹ thuật. Cái sai lầm không phải là không nên giỏi những lĩnh vực này; cái sai lầm là những lĩnh vực đó đã được sử dụng để củng cố và bành trướng cho cá nhân chủ nghĩa. Cái “tôi” càng lớn thì càng nhiều độc quyền, và nhiều cái tôi càng lớn thì càng có nhiều chiến tranh. 

Nhưng thoát khỏi cái ta – mà theo những triết gia phương Tây thế kỷ XX là hữu hạn, bị ném ra giữa đời sống, luôn luôn mang nỗi bấp bênh và lo âu xao xuyến – để làm gì? Với cả những truyền thống Đông cũng như Tây, thoát ra khỏi cái ta để sống một đời sống toàn vẹn hơn, hoan hỷ hơn, CON NGƯỜI hơn. Đó là một đời sống mà chúng ta tạm gọi là đời sống tâm linh. Đời sống ấy đã có nhiều người trong nhân loại đã từng sống trọn vẹn như những bậc thánh lớn hay một vài phần trong các nhà thơ, các triết gia, các nhà khoa học, các nghệ sĩ… Chữ tâm linh là một từ ở Việt Nam, nó xuất hiện càng ngày càng nhiều sau đổi mới, sau những năm chiến tranh và hậu quả chiến tranh. 

Nhưng tâm linh là gì? Với Freud (1856-1939), đó là vô thức, tuy vô thức của Freud chú ý đến phần dưới sâu hơn. Với Jung (1875-1961) đó là vô thức tập thể; ở đây ông và những người sau ông chú trọng đến phần cao, chiều cao của vô thức hơn. Với Erich Fromm (1900-1970), đó là bản tình thâm sâu của con người. Với A. Maslow (1908-1970), có ý niệm “thực thể”, sự “tự thể hiện mình”. Với R. Assagioli (1888-1974), đó là “cái siêu thức” (nghĩa là cái vượt khỏi ý thức), “siêu cá nhân”. Còn với Phật giáo Việt Nam thì có rất nhiều từ để chỉ tâm linh, chỉ trích ra ở đây một câu trong đoạn mở đầu của Nam Hải Quan Âm (có ở Việt Nam thế kỷ XIV_XV): “Cũng trong một điểm linh đài hóa ra”. 

Nhìn chung, hiện nay tâm lý học quan niệm con người có bốn lĩnh vực:
 - Đời sống sinh lý: thân thể.
- Đời sống tình cảm: những cảm xúc, những tình cảm.
- Đời sống ý thức, tình thần (có cái ta, hữu ngã): văn hóa.
- Đời sống tâm linh hay siêu thức (không có cái ta, vô ngã): tâm linh.


 Chúng ta thấy tâm linh ở trên văn hóa và sinh ra văn hóa. Lịch sử văn hóa phương Tây đã chứng mính điều đó: văn hóa và văn minh phương Tây khởi nguồn từ những hiền triết Hy Lạp và những nhà tiên tri Cựu ước. Những nhà khoa học, thạc sĩ, nhà văn…(hoặc bất cứ người nào, chính trị gia, kinh tế gia, thương gia, nông dân, v.v…) vĩ đại, đều có những trực giác ló lên từ khoảng giao thoa giữa hai vùng biên của ý thức và siêu thức hay tâm linh. Và cũng chỉ có những tôn giáo lớn, đã tồn tại gần ba thiên niên kỷ như Phật giáo với rất nhiều kinh nghiệm mới phân biệt được cái gì là phần cạn của tâm linh, cái gì là thuần túy tâm linh, cái gì chỉ là sự tưởng tượng mơ hồ của ý thức, cái gì là mê tín… Con người trong bất cứ thời đại nào đều có “mối quan tâm tối hậu” là đạt đến tâm linh, những chiều cao trong tâm thức của nó. Trong huyền thoại nổi tiếng của Platon về cái hang, ông đã nói con người chúng ta là những người sống trong hang, thấy những cái bóng của mình chiếu trên vách mà cho là thực tại, nó phải ra khỏi hang để biết được nguồn sáng đã chiếu qua cửa hang, để biết đời sống thực sự là gì. Cũng trong một huyền thoại khác của Platon, con người luôn luôn đi tìm một nửa của chính mình (ở đây nói đến một sự thiếu thốn tối hậu, một tình yêu tuyệt đối, chứ không phải là đi tìm một nửa của mình là người nam hay nữ như sau này người ta vẫn hiểu), một nửa kia của con người chính là tâm linh hay siêu thức. Và dĩ nhiên, chúng ta phải hiểu thêm, có đạt được nửa kia thì con người mới toàn vẹn, “hợp nhất với chính mình”, mới yên ổn, mới có được sự hài lòng tối hậu.

 Con người từ ngàn xưa cho đến hiện đại vẫn luôn luôn thiếu cội nguồn tâm linh đó. Có điều ở thời hiện đại, sự thiếu vắng này trở nên khốc liệt, lớn lao hơn bao giờ hết, vì thế giới ngày nay là một thế giới đổi thay nhanh chóng và bất an thường trực. Sự thiếu vắng tâm linh càng làm cho con người bất hạnh và lạc lõng hơn khi đứng trong một thế giới quá nhiều đồ vật, quá nhiều danh vọng, quá nhiều mối ràng buộc. Bởi thế không lạ gì khi Phật giáo được truyền vào những nước Âu Mỹ từ những nước nghèo, nhược tiểu như Tây Tạng, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan… lại được người phương Tây hâm mộ như vậy, từ những người có địa vị cao nhất của xã hội phương Tây đến những người thất nghiệp, “ngoài lề”. Bởi vì ít nhất họ thoát được phần nào cái đời sống cá nhân chủ nghĩa và quy ngã khi được sống trong một tập thể, một cộng đồng (trong các trung tâm, các tu viện…) đối xử với nhau bằng tình thương và hướng đến một đời sống vô ngã. Cuối thế kỷ XX, sự đóng góp của phương Đông cho nhân loại không phải là khoa học kỹ thuật, không phải là những thể chế chính trị-kinh tế, không phải là dân chủ và tự do (cái dân chủ và tự do quá đà theo cá nhân chủ nghĩa), mà chỉ duy nhất một điều: đời sống tâm linh.

 Nguyễn Thế Đăng (bài do các bạn William Lương& MậuTrẩn giới thiệu)


Bài liên h

 http://tintuccaonien.blogspot.com/2016/06/con-uong-tam-linh.html