Bước chân nhẹ nhàng là dấu chứng của sự khỏe mạnh. Ngược lại, chân đau khiến ta đi cà nhắc, thì dù có khỏe mạnh, bước chân cũng khó nhẹ nhàng.
Bệnh đau gót chân do viêm màng gân lót lòng bàn chân (plantar fasciitis) khiến ta tuy khỏe, song bước chân không thoải mái, kém nhẹ nhàng, và đời bớt vui. Đây là bệnh gây đau gót chân nhiều nhất.
Bệnh rất hay xảy ra cho người trên 40 tuổi. Mọi thứ đều dễ hư mòn theo thời gian.
Nguyên nhân
Bàn chân của chúng ta như một hệ thống cơ khí, phía dưới có một màng gân lót co giãn (plantar fascia) hoạt động như lớp nhún. Nhờ vào lớp nhún rất tốt này mà chúng ta đi lại, chạy nhảy nhẹ nhàng, các khớp cũng lâu hư hoại.
Màng gân lót mặt dưới bàn chân tích trữ và nhả ra năng lượng vào mỗi bước ta đi. Trong bệnh đau gót chân do viêm màng gân lót lòng bàn chân, giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là màng gân này bị viêm (inflammation) hoặc rách ở ngay chỗ nó gắn vào xương gót chân, khiến cho gót bị đau, nhất là lúc gót chạm vào thềm cứng. Đã rách, chỗ rách có khi lâu lành, làm căn bệnh kéo dài, có người hơn cả năm vẫn đau. Chỗ màng gân bị rách cũng có thể tạo phản ứng viêm cho vùng thịt ở mặt dưới gót chân, và đôi khi tạo ra gai xương (bone spur), tức xương chỗ mặt dưới gót chân mọc ra một gai nhỏ (mặc dù gai xương này cũng hiện diện ở một số người, dù họ chẳng bao giờ bị đau, chỉ tình cờ chụp phim thấy).
Một số yếu tố khiến chúng ta dễ bị bệnh này:
- Chạy đường dài
- Mang giầy không đúng với bàn chân
- Béo mập
- Đứng lâu
- Nhảy múa, nhất là nhảy ballet và nhảy tập thể dục aerobic
- Liên tục ngồi xuống thấp hoặc đứng trên các đầu ngón chân.
- Mang giầy không đúng với bàn chân
- Béo mập
- Đứng lâu
- Nhảy múa, nhất là nhảy ballet và nhảy tập thể dục aerobic
- Liên tục ngồi xuống thấp hoặc đứng trên các đầu ngón chân.
Định bệnh
Khi màng gân lót phía dưới bàn chân chỗ vùng gót chân của bạn bị hư hoại như vậy (danh từ y học: plantar fasciitis, viêm màng gân plantar fascia), bạn cảm thấy đau buốt ở mặt dưới gót chân mé phía bên trong.
Đau nhất là lúc sáng dậy, bước những bước đầu tiên, hoặc lúc đứng lên đi sau khi ngồi nghỉ một lát lâu. Đi lại một chốc, bạn thấy dễ chịu hơn, nhưng thỉnh thoảng, gót lại đau buốt lúc bạn bước chạm vào thềm cứng. Cái đau có thể nặng dần vào chiều tối, sau một ngày dài, và nhẹ đi vào ban đêm khi bạn nghỉ ngơi trong giường. Đau như vậy, sự đi lại chẳng thoải mái tí nào, đâm khó khăn và chậm chạp.
Bác sĩ khám, bấm vào mặt dưới gót chân bạn, mé phía trong, bạn thấy đau. Ngoài ra, bàn chân bạn trông không có gì khác lạ. Nếu ta chụp phim bàn chân, phim chụp bình thường, hoặc cho thấy gót chân có chút gai xương (bone spur). Song xin nhớ, gai xương này cũng hiện diện ở nhiều người chẳng bao giờ bị đau, nên không nhất thiết là nguyên nhân gây ra cái đau.
Chữa trị
Thường khi bạn đến khám bác sĩ, bạn đau đã vài tháng.
Chúng ta thử chữa trước bằng những cách giản dị: xuống cân, giảm bớt các hoạt động đi đứng chạy nhảy, nghỉ ngơi nhiều hơn, dùng thuốc giảm đau (như ibuprofen, naproxen), chườm đá (20 phút ngày 4 lần) và mang giày tốt có gót mềm. (Giày dép rất quan trọng, mang loại không đúng có thể khiến ta dễ đau gót chân, hoặc đang đau sẵn, lâu lành.)
Ta có thể lót thêm vào gót giày miếng lót gót (heel insert, bằng silicone thì tốt) hoặc một dụng cụ nâng gót chân (heel cup) để chỗ đau khỏi chạm đất nhiều, bớt thốn khi đi lại. Trong nhà chúng ta cũng không nên đi chân đất hoặc mang dép mỏng lẹp kẹp, song nên đi dép tốt, chắc chắn để nâng đỡ bàn chân.
Ta có thể lót thêm vào gót giày miếng lót gót (heel insert, bằng silicone thì tốt) hoặc một dụng cụ nâng gót chân (heel cup) để chỗ đau khỏi chạm đất nhiều, bớt thốn khi đi lại. Trong nhà chúng ta cũng không nên đi chân đất hoặc mang dép mỏng lẹp kẹp, song nên đi dép tốt, chắc chắn để nâng đỡ bàn chân.
Chữa như vậy, bạn vẫn không hết đau, có lẽ ban đêm lúc ngủ, bạn cần mang thêm một dụng cụ (night splint) giữ cho bàn chân hơi ngửa (ngửa 5 độ, dorsiflexion 5 degrees) giúp giữ cho màng gân lót lòng bàn chân giãn ra. Nếu cũng không ăn thua, bác sĩ sẽ khuyên bạn bó bột (cast) trong một thời gian ngắn.
Chữa bằng cách chích thuốc có chất steroid vào chỗ đau ở gót chân cũng giúp ích cho một số người. Tuy vậy, không nên chích nhiều lần quá, vì thuốc có thể khiến màng gân lót lòng bàn chân chỗ đau rách hẳn, mòn đi, về lâu về dài không tốt: màng gân chỗ này hoạt động như một lớp đệm, nay đã mòn rách, khi đi lại, các khớp bàn chân dễ bị hư hoại.
Với những cách chữa trên, khoảng 80% người đau gót do bị viêm màng gân lót lòng bàn chân (plantar fasciitis) sẽ bớt đau. Số còn lại không mấy thuyên giảm, dù đã hơn cả năm.
Giải pháp cuối cùng, tuy hiếm khi phải dùng đến, là giải phẫu, cắt đi một nửa màng gân lót (plantar fascia release), và có khi phải cắt đi cả gai xương mọc ra nếu thấy nó lớn quá. Thời gian hồi phục sau giải phẫu là 6 tuần đến 3 tháng. Giải phẫu mang lại hiệu quả tốt cho hơn 80% số người được giải phẫu.