Được xây dựng từ những năm 1980 ở một khu vực hoàn toàn không có người ở, nhưng học viện Larung Gar không ngừng phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, Larung Gar đã trở thành ngôi nhà cho hơn 40.000 tu sĩ, nữ tu ở khắp mọi nơi hội tụ về học tập rèn luyện.
Cách trở, xa xôi và tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhưng Larung Gar vẫn thu hút được sinh viên và trở thành “ngôi làng Phật giáo” lớn nhất thế giới. Nếu từng một lần đến thăm Larung Gar, chắc chắc tất cả các du khách sẽ sửng sốt trước kiến trúc hoàn toàn giống nhau của các ngôi nhà bằng gỗ với hai gam màu chủ đạo: nâu trầm và đỏ thẫm.
Những ngôi nhà nằm sát nhau nối tiếp như những đợt sóng đỏ dài bất tận.Mỗi ngôi nhà có từ 1 đến 3 phòng, thường không có lò sưởi và nhà vệ sinh.
Tất cả các hoạt động sinh hoạt được quy định trong một địa điểm chung của từng khu vực. Nơi ở của các tăng ni phật tử được đặt gần trường đại học và được phân theo độ tuổi, giới tính
Trong 40.000 tăng ni, phật tử hội tụ về Larung Gar thì hơn nửa số đó nữ tu. Hầu hết các sinh viên Phật giáo đang theo học tại học viện đến từ các quốc gia và khu vực có ảnh hưởng của đạo Phật như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và Malaysia. Tùy theo trình độ mà nhà quản lý phân chia lớp học theo tiếng phổ thông và tiếng Tây Tạng.
Để đến được Larung Gar cũng không phải là một chuyện dễ dàng, bởi thành phố gần học viện nhất là Thành Đô cũng cách gần 650km, mất nhiều giờ đi đường ghập ghềnh khúc khuỷu. Wanson Luk, một phật tử 34 tuổi đã phải ngồi xe mất 20 giờ đồng hồ để đến Larung Gar.
Cảm nhận đầu tiên của Luk về Larung Gar đó là sự thanh bình, yên tĩnh nhưng cũng không thiếu đi những sắc màu riêng của một cuộc sống tôn giáo. Larung Gar chào đón tất cả du khách thập phương và tạo điều kiện cho những người như Luk được tham gia và trải nghiệm những buổi tụng kinh cầu nguyện và hành lễ.
Ở lại Larung Gar hai ngày, Luk may mắn có dịp được chứng kiến lễ thiên táng của vùng đất Tây Tạng. "Tôi ngạc nhiên nhất về cách mọi người cảm nhận về cái chết”, Luk nói.
"Tôi đã tham gia vào buổi lễ an táng ngoài trời, nơi có hàng trăm, hàng nghìn con kền kền đang chờ đợi lặng lẽ. Có 7 thi thể người chết vào ngày hôm đó, trong đó có một đứa trẻ”.
"Trong buổi lễ, một nhà sư sẽ cầu nguyện, sau đó các thi thể sẽ được cắt thành từng phần phơi ra giữa khu vực thiên táng rộng lớn. Kết thúc buổi lễ là hình ảnh lũ kền kền tha các phần thi thể người đi khắp nơi. Họ tin rằng càng có nhiều kền kền ăn thịt thì càng tốt và kền kền sẽ không ăn thi thể của những người xấu”, Luk nói.
Ở học viện Larung Gar, tivi bị cấm, nhưng các tăng ni phật tử được phép sử dụng điện thoại, nhiều người trong số đó cũng sở hữu những chiếc iPhone 4S như một công cụ để liên lạc.
Những ngôi nhà bằng gỗ nằm san sát nhau
Các khu ở được phân theo độ tuổi và giới tính, ngăn cách nhau bằng một con đường
Mỗi ngôi nhà có 1 đến 3 phòng và không có lò sưởi hay nhà vệ sinh
Mọi sinh hoạt được gói gọn trong một địa điểm chung của từng khu vực
Trường đại học, nơi các phật tử đến học tập hàng ngày
Các lạt ma đang ngồi nghe giảng kinh
Một phòng của hai vị tu học
Một nửa trong số 40.00 sinh viên học viên là nữ tu
Larung Gar đã trở thành ngôi làng Phật giáo lớn nhất hành tinh
Những hòn đá trang trí, có câu chân ngôn Lục tự Đại Minh chữ Phạn (Om mani Padme Hum) trong khuôn viên học viện
Học viện Larung Gar khi lên đèn.